Xe điện là một trong những lĩnh vực mà nhà cầm quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) vài năm gần đây đang cố gắng thúc đẩy để kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng hiện nay hầu hết các công ty này đều phải gánh những khoản nợ khổng lồ và tự cạnh tranh triệt hạ nhau, rơi vào vòng luẩn quẩn bán được càng nhiều thì càng lỗ nhiều.

Xe dien Trung Quoc
Trong bối cảnh thị trường xe hơi Trung Quốc điên cuồng giảm giá, các công ty ô tô năng lượng mới của Trung Quốc có thể trụ được bao lâu? (Ảnh: Epoch Times)

Trong vòng lẩn quẩn càng bán càng lỗ, các nhà máy sản xuất xe năng lượng mới của Trung Quốc đang mong muốn mở rộng thị trường quốc tế cũng gặp phải những khó khăn, tiêu biểu như cuộc điều tra của EU “chống trợ cấp nhà nước” và cuộc chiến của Israel chống khủng bố Hamas.

Ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc trong tình trạng thua lỗ

Các công ty xe điện Trung Quốc đã phát triển nhờ dựa vào các khoản trợ cấp lớn của nhà nước, vấn đề chính sách trong nước hạn chế xe chạy bằng nhiên liệu và kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong tiêu dùng, dù vậy nhưng toàn ngành công nghiệp này của Trung Quốc đang trong tình trạng thua lỗ.

Các hãng xe gồm NIO, XPeng, Leapmotor được ví là “tam cường xe điện Trung Quốc” nhưng đều đang chịu lỗ lớn.

Khoản lỗ của NIO trong quý II năm nay lên tới 6,056 tỷ RMB (nhân dân tệ), tương đương với khoản lỗ 250.000 RMB cho mỗi chiếc xe bán ra. XPeng lỗ ròng 2,805 tỷ RMB trong quý 2 năm nay, với mức lỗ trung bình là 16.000 RMB trên mỗi xe bán ra. Tính đến giữa năm nay, Leapmotor đã lỗ ròng hơn 12,2 tỷ RMB, hiện nay vẫn lỗ 50.000 RMB trên mỗi chiếc xe bán ra.

BYD là hãng ô tô có lãi duy nhất trong ngành xe điện Trung Quốc nhưng lợi nhuận của hãng này rất thấp: lợi nhuận lúc cao nhất của một chiếc ô tô chỉ khoảng 10.000 RMB, còn thấp thì chỉ hơn 2.000 RMB.

Hãy so sánh với Tesla, lợi nhuận cao nhất trên mỗi chiếc xe của Tesla là 74.000 RMB và lợi nhuận thấp nhất là 42.000 RMB.

Đã thua lỗ lớn ở trong nước, xe điện của Trung Quốc còn rơi vào tình trạng cạnh tranh nội bộ nghiêm trọng, gây ra cuộc chiến giảm giá cạnh tranh khốc liệt.

Chuyên gia Dai Zhiyan, cộng tác tại Viện Kinh tế Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa (Chung-Hua Institution Economic Research) của Đài Loan, cho biết có thể BYD cũng khó trụ được lâu trong hoàn cảnh như vậy.

Thêm ảnh hưởng từ xung đột Israel-Hamas

Israel là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của xe điện Trung Quốc. Theo ước tính sơ bộ của những người trong ngành, gần 20% số xe do các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc xuất khẩu được bán cho Israel.

“Tam cường xe điện Trung Quốc” gồm NIO, XPeng và Leapmotor cũng đang mở rộng sang Israel. Cuối tháng 9, NIO vừa vận chuyển lô 750 xe điện từ Quảng Châu tới Israel. Vào cuối năm ngoái, Leapmotor đã mở một số cửa hàng ở Israel, biến nước này thành thị trường xuất khẩu đầu tiên.

Còn BYD – nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc – nắm giữ khoảng 33% thị phần tại Israel. Phiên bản nước ngoài ATTO3 của BYD đã vô địch về doanh số tích lũy bán xe điện thuần túy tại Israel từ tháng 1 – 8 năm nay.

Nhà kinh tế học người Mỹ David Huang nói với Epoch Times: “Nó (xe điện do Trung Quốc sản xuất) vào Israel vì Israel đang theo đuổi một dự án mang tên năng lượng sạch – vấn đề hơi giống với cái gọi là hướng đi năng lượng cánh tả ở Mỹ”.

Hiện nay Chính phủ Israel đang tích cực thúc đẩy chính sách động lực điện hóa (electrified), theo đó đánh thuế mua hàng lần lượt là 83% và 20% đối với xe chạy bằng nhiên liệu [xăng dầu], động thái thúc đẩy người Israel mua xe điện.

Nhưng gần đây, xuất khẩu xe điện của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi xung đột Israel-Hamas. Kể từ cuối tháng 9, Israel rơi vào tình trạng chiến tranh. Trong cuộc xung đột Israel-Hamas, ĐCSTQ từ chối lên án Hamas vì các cuộc tấn công khủng bố vào Israel, kích động chống Israel, như vậy có thể gây ra những thay đổi trong quan hệ Israel-Trung Quốc.

Chuyên gia David Huang cho biết, “Sau khi nổ ra xung đột Israel-Hamas thì người Israel chán ghét các sản phẩm của Trung Quốc, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán các sản phẩm Trung Quốc tại Israel, tất nhiên bao gồm cả xe điện… Với tình trạng căng thẳng địa chính trị thế giới hiện đang tăng cao, triển vọng của xe điện Trung Quốc càng rủi ro hơn”.

Chuyên gia: ĐCSTQ sẽ bất chấp hy sinh giá cả cho xuất khẩu

Hiện nay, xe điện của Trung Quốc đang mở rộng quy mô trên toàn thế giới, trong đó BYD đã thâm nhập vào các thị trường như Na Uy, Đức, Singapore, Brazil và Nhật Bản. Nhưng trong quá trình mở rộng, xe điện Trung Quốc đã vấp phải điều tra của EU về “chống trợ cấp nhà nước”. EU cho rằng xe điện giá rẻ của Trung Quốc [nhờ trợ cấp từ ĐCSTQ] đang “tràn ngập” thị trường châu Âu và gây ra mối đe dọa cho ngành công nghiệp xe điện châu Âu.

EU điều tra “chống trợ cấp nhà nước” vì khi công ty Trung Quốc có được khoản trợ cấp lớn từ chính phủ sẽ dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng.

Năm 2009, Chính phủ Trung Quốc quyết định hỗ trợ toàn diện cho ngành này và bắt đầu cung cấp các khoản trợ cấp, số tiền trợ cấp cho phương tiện sử dụng năng lượng mới đôi khi cao hơn giá bán của chính phương tiện đó.

David Huang cho biết, “Các loại xe điện NIO, XPeng và Leapmotor của Trung Quốc nói theo cách tích cực thì có thể gọi là những thế lực mới về sản xuất ô tô, nhưng thực tế cũng chỉ là những nhà sản xuất tầm trung không có nền tảng về sản xuất cơ khí… Vài thập niên qua, các hãng Trung Quốc vẫn không thể sản xuất được động cơ đốt trong và hộp số ô tô truyền thống đạt quy chuẩn mong muốn”.

Còn chuyên gia Đài Loan Dai Zhiyan nói rằng ĐCSTQ cách đây 20 năm đã quyết định “đi tắt” bằng xe điện để hy vọng vượt lên trước. Ông chỉ ra mục tiêu của ĐCSTQ từ máy bay C919 đến các sản phẩm ô tô và thậm chí cả đường sắt cao tốc là cạnh tranh với các nước châu Âu và châu Mỹ, nhằm chứng minh sức mạnh công nghiệp của Trung Quốc đã thay đổi thành vị thế cường quốc. ĐCSTQ sẽ bất chấp tất cả để thực hiện mục tiêu này, thậm chí không ngại phải bù vào bao nhiêu tiền để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh.

Nguy hiểm của xe điện Trung Quốc

Về những nguy hiểm tiềm ẩn của ô tô điện Trung Quốc, chuyên gia Dai Zhiyan nhận định: “Chiếc xe trông rất đẹp khi được sản xuất, tuy nhiên khi chạy vài chục nghìn km hoặc sau một thời gian sử dụng, sẽ thấy xe phát ra tiếng ồn, chất lượng thực tế không như mong đợi, khi đó có thể sẽ có nhiều vấn đề cần xử lý”.

Vấn đề nguy hiểm nữa được ông chỉ ra: “Trong nhiều trường hợp ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc không cháy ngay sau khi va chạm, có thể phải đến ngày hôm sau xe mới bất ngờ bốc cháy”.

Hỏa hoạn là vấn đề phổ biến nhất đối với xe điện ở Trung Quốc. Năm 2021, cơ quan chức năng Trung Quốc đã báo cáo có ít nhất 3000 vụ cháy xe chạy bằng năng lượng mới, nguy cơ cháy nổ nhìn chung cao hơn so với xe chạy dầu truyền thống.

Ngày 5/6 tại Hàng Châu, một chiếc ô tô điện đã lao vào một trạm thu phí địa phương không rõ nguyên nhân và bốc cháy chỉ trong 3 giây, không ai sống sót trong số 4 người trên xe.

Trong bảng xếp hạng các thương hiệu xe điện gây cháy nổ từ năm 2020 – 2022 của truyền thông Trung Quốc, xảy ra nhiều vụ cháy nhất là BYD, trong top 4 toàn là các công ty Trung Quốc.

Ông Dai Zhiyan nói, “Vì vậy vài thương hiệu Trung Quốc hiện có thể có các chuyên gia châu Âu hoặc trung tâm kỹ thuật châu Âu để giúp họ giải quyết những vấn đề kỹ thuật này”.

Trong khi đó, chuyên gia David Huang cho rằng vấn đề giám sát xe điện ở Trung Quốc là đáng quan ngại: “Họ có số lượng lớn camera, giám sát bằng giọng nói, và phản hồi các dữ liệu giám sát khác nhau. Đây là hành vi vi phạm các vấn đề về quyền riêng tư và an ninh quốc gia”; “Bởi vì xe điện có nhiều cách giám sát khiến mọi động thái của người dùng dễ dàng vị xâm phạm quyền riêng tư, chẳng hạn như: camera, máy ghi âm, cảm giác cơ thể (trọng lượng), giọng nói, mống mắt…, khiến có thể theo dõi mọi động thái của người dùng, từ những cuộc trò chuyện trong ô tô đến tin nhắn văn bản và liên lạc qua điện thoại di động… Những điều này rất nguy hiểm, vì xâm phạm quyền riêng tư của công dân…”.