Xuất hiện làn sóng rút tiền tại một số ngân hàng Trung Quốc vừa và nhỏ
- Phương Hiểu
- •
Gần đây một số ngân hàng Trung Quốc vừa và nhỏ xảy ra làn sóng rút tiền, người gửi tiền sẵn sàng chấp nhận bỏ lãi. Có quan điểm cho rằng lý do là vì người dân lo ngại các ngân hàng này có thể phá sản, ngoài ra nhiều người không chấp nhận việc lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng thấp.
Ngày 11/10, trang cá nhân của chuyên gia tài chính Zhang Ping trên Sohu Trung Quốc cho hay, cách đây không lâu đã xuất hiện làn sóng rút tiền tại các ngân hàng ở một số khu vực của Trung Quốc, nhiều người gửi tiền xếp hàng để rút tiền, có người thà mất lãi cũng phải rút tiền gốc.
Nguồn tin chỉ ra, nhiều người trong ngành cho rằng bối cảnh một số ngân hàng vừa và nhỏ tại Trung Quốc tuyên bố phá sản là lý do nhiều người gửi tiền lo lắng để tiền tại các ngân hàng vừa và nhỏ có thể rủi ro, vì vậy họ đã rút tiền ra.
Theo thông tin công khai, Zhang Ping là nhà kinh tế hàng đầu tại Trung Quốc, hiện là chuyên gia kinh tế trưởng của Tập đoàn Shanghai Fuda…
Phá sản ngân hàng luôn là biến cố quan trọng gây ảnh hưởng đến tâm lý công chúng. Trường hợp trước đó tại Trung Quốc liên quan 5 ngân hàng nông thôn ở Hà Nam và An Huy còn khiến nhiều người gửi mất tiền đến giờ không lấy được.
Zhang Ping cũng cho hay về làn sóng rút tiền tại các ngân hàng ở một số khu vực này còn có nguyên nhân là nhiều người không chấp nhận lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng thấp, bên cạnh vấn đề lo ngại họ có thể phá sản. Ông cho biết, lãi suất tiền gửi ngân hàng trong nước không ngừng giảm kể từ năm nay, hiện ở mức thấp hiếm thấy trong lịch sử. Trước thực tế này, nhiều người tiết kiệm đã rút tiền để chuyển sang đầu tư vào các sản phẩm tài chính có lợi nhuận tương đối cao.
Giới quan sát cũng chỉ ra điều khác biệt so với trước đây là người gửi tiền có xu hướng rút gốc và bỏ lãi. Điều này có liên quan đến tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc những năm gần đây chậm lại và lợi nhuận đầu tư giảm sút, dẫn đến kỳ vọng về lãi suất ngân hàng theo đó cũng thấp hơn. Việc tiền gửi tiết kiệm ngân hàng có lãi suất hàng năm chưa tới 1% khiến mọi người có xu hướng tìm kiếm những cách khác mang lại lợi nhuận cao hơn.
Liên quan Tập đoàn bất động sản Evergrande
Mới đây, ông Chủ tịch Hứa Gia Ấn của Tập đoàn bất động sản Evergrande Trung Quốc bị nhà chức trách bắt giữ, biến cố gây ra hàng loạt bất ổn tài chính.
Danh sách chi tiết các khoản vay ngân hàng mà Evergrande nợ được cộng đồng mạng Trung Quốc chia sẻ cho thấy, Evergrande nợ Ngân hàng Cangzhou 3,4 tỷ nhân dân tệ, điều này kéo theo làn sóng rút tiền gần đây đối với Ngân hàng Cangzhou.
Ngày 8/10, Ngân hàng Cangzhou đã hứng chịu làn sóng người gửi tiền xếp hàng để rút tiền, làn sóng kéo dài cho đến tối ngày 9/10.
Ngoài ra, một ngân hàng khác có mối quan hệ mật thiết với Evergrande là Ngân hàng Shengjing cũng đang phải đối mặt với số lượng lớn các giao dịch chuyển khoản trực tuyến. Evergrande từng là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Shengjing khi nắm toàn quyền kiểm soát ngân hàng và bị cáo buộc làm rỗng ngân hàng này. Vì vậy sau khi nổ ra khủng hoảng Evergrande, Ngân hàng Shengjing đã bị cơ quan quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc “khống chế” vì nghi ngờ đã chuyển hơn 100 tỷ nhân dân tệ cho Evergrande thông qua các kênh khác nhau, hiện ngân hàng này do một doanh nghiệp nhà nước ở tỉnh Liêu Ninh tiếp quản.
Trong khi Ngân hàng Cangzhou đang phải đối mặt với làn sóng rút tiền, cộng đồng mạng Trung Quốc lan truyền thông tin về làn sóng chuyển tiền trực tuyến lớn tại Ngân hàng Shengjing, điều đó khiến kể từ ngày 9/10 thì ngân hàng này đã bắt đầu hạn chế nghiêm ngặt việc chuyển tiền trực tuyến trên thiết bị di động.
Tổng nợ phải trả của Tập đoàn Evergrande Trung Quốc lên tới 300 tỷ USD khiến tập đoàn này vỡ nợ. Cuộc khủng hoảng Evergrande đã có tác động sâu sắc đến ngành tài chính Trung Quốc, việc tháo chạy khỏi các ngân hàng Cangzhou và Shengjing chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Giới quan sát bên ngoài đang hết sức chú ý xem liệu vấn đề này có dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính rộng hơn ở Trung Quốc hay không.
Từ khóa Evergrande China Evergrande vỡ nợ Ngân hàng Trung Quốc Hứa Gia Ấn Dòng sự kiện Evergrande Group Evergrande