Y tá tố chính quyền Hồng Kông tạo ra thảm cảnh “trại tị nạn” vì “zero COVID”
- Lý Gia Hoành
- •
Hồng Kông gần đây gia tăng số người nhiễm viêm phổi Vũ Hán, rất đông người bị nhiễm đã phải ngủ bên ngoài bệnh viện vì quá tải, một số nhân viên y tế tiết lộ cảnh tượng giống như “trại tị nạn”, rất đông bệnh nhân sốt cao không được chăm sóc, một số người không vào được và chết tại chỗ. Nhân viên y tế trực tiếp tố cáo thảm họa nhân đạo này là kết quả của việc Chính phủ Hồng Kông học theo Bắc Kinh, khăng khăng áp dụng chính sách “zero COVID”.
Dịch viêm phổi virus corona mới Hồng Kông đang nghiêm trọng. Hình ảnh lều và giường được dựng tạm thời bên ngoài Bệnh viện Caritas để tiếp nhận những bệnh nhân đã được xác nhận đang chờ nhập viện. (Nguồn: Getty Images).
Tăng hàng chục ngàn ca nhiễm mỗi ngày, bệnh nhân ngủ ngoài trời mưa
Kể từ khi làn sóng COVID-19 bùng phát ở Hồng Kông lần thứ 5, số ca xác nhận lây nhiễm liên tục tăng. Tổng số ca được xác nhận và xác nhận sơ bộ đã vượt quá 10.000 ca/ ngày trong vài ngày liên tiếp.
Tổng hợp thông tin từ các phương tiện truyền thông Hồng Kông, ngày 18/2 có 3.629 ca mới được xác nhận và số ca được xác nhận sơ bộ là khoảng 7.600 ca. Chính quyền cho biết, do sự tồn đọng tại các cơ sở xét nghiệm của chính phủ, cộng thêm các cơ sở xét nghiệm tư nhân không kịp thời gửi mẫu, nên đã có sự chậm trễ trong việc xét nghiệm lại các trường hợp dương tính. Với hệ thống y tế đang trên đà sụp đổ, chính quyền Hồng Kông đã nới lỏng các tiêu chí kết thúc cách ly, những bệnh nhân ở nhà chờ đợi bố trí cách ly trong 14 ngày và xét nghiệm nhanh âm tính sẽ không cần phải đưa đến các cơ sở cách ly.
Theo số liệu được Cơ quan quản lý bệnh viện công bố trước đây, có hơn 7.000 giường bệnh cách ly ở Hồng Kông, nhưng hiện có hàng chục ngàn bệnh nhân được xác nhận đang chờ được chuyển đến bệnh viện. Nhiều giường bệnh ở các bệnh viện công đã chật kín người. Theo số liệu được Cơ quan quản lý bệnh viện công bố vào ngày 18/2, tỷ lệ sử dụng phòng bệnh của Bệnh viện Caritas cao tới 109%, và tỷ lệ lấp đầy các giường y tế ở Bệnh viện Tseung Kwan O, Bệnh viện Prince of Wales và Bệnh viện Tin Shui Wai đã vượt quá 100%. Một số bệnh viện đã buộc phải dựng lều bên ngoài bệnh viện như một khu vực phân luồng để bố trí cho bệnh nhân không thể nhập viện.
Trong những ngày qua, nhiệt độ ở Hồng Kông tiếp tục giảm xuống khoảng 10 – 11 độ C. Ngoài ra, trời nhiều mây và mưa, các phương tiện truyền thông đã chụp được hình ảnh người già, bệnh nhân ốm yếu và cha mẹ ôm con ngủ bên ngoài bệnh viện, phải quấn mền và quần áo để tránh lạnh. Một số người cao tuổi còn phải đeo máy thở, một số người già không thể tự chăm sóc được phải nhờ nhân viên y tế cho ăn. Các bệnh viện đang thiếu nhân sự nghiêm trọng, một số nhân viên y tế đã chia sẻ cảnh tượng thương tâm trong và ngoài bệnh viện lên các trang mạng xã hội.
Nhân viên y tế: Bệnh viện biến thành trại tị nạn, cảnh tượng thật đau lòng
Một nhân viên y tế cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng có lúc chỉ có 2 y tá chăm sóc 120 bệnh nhân bị nhiễm bệnh vào ban đêm, đeo khẩu trang N95 trong 8 giờ mà chưa được tháo ra, đồ bảo hộ chống dịch trên người ướt đẫm mồ hôi, ngay cả thời gian uống nước cũng không có. Nhân viên y tế này mô tả bệnh viện như một “trại tị nạn mới được xây dựng”, 60 – 70 bệnh nhân từ viện dưỡng lão được bố trí ở bên ngoài bệnh viện, ai cũng vẫy tay nói: “Y tá, tôi lạnh quá”. Cô nói rằng cảnh tượng khiến cô rất đau lòng, “họ thật thê lương… khung cảnh thực sự giống như một trại tị nạn”.
Nhân viên y tế này cũng tiết lộ, một số bệnh nhân đang chờ nhập viện bên ngoài đột nhiên bị phát bệnh (tim), cuối cùng cấp cứu không được và qua đời. Cô chỉ trích bệnh viện có thái độ “bỏ mặc” những bệnh nhân bị xác nhận lây nhiễm này, không cho thuốc, không điều trị, đồng thời dặn dò nhân viên y tế phải ưu tiên cho bệnh nhân trong bệnh viện. “Tôi thực sự đã khóc khi tan việc … Tôi không nghĩ tới việc làm y tá tại Hồng Kông lại muốn bỏ mặc cho ai trong số những người này, hay phải trải qua thảm họa nhân đạo như vậy.” Cô lên án cơ quan quản lý bệnh viện điên rồ, chính quyền điên rồ.
Tố chính phủ thực hiện chính sách “zero COVID” làm hại bệnh nhân già yếu
Một y tá khác trong khoa cấp cứu của bệnh viện cũng đăng bài viết cho biết, hiện tại Hồng Kông mỗi ngày có hàng ngàn ca nhiễm được xác nhận, có thể thấy trước tình huống hệ thống y tế sụp đổ. Trong đợt dịch thứ ba và thứ tư, chính quyền còn tạm dừng một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe không thiết yếu, và còn thuyên chuyển người ở các cơ quan khác hỗ trợ. Nhưng điều trớ trêu là trong đợt dịch thứ năm này, tất cả những hỗ trợ này đã biến mất, mặc cho các nhân viên tuyến đầu tự chống đỡ.
Vị nhân viên y tế này chỉ ra rằng việc bệnh nhân phải bố trí ở ngoài trời, nguyên nhân chính là do “chính quyền chết tiệt” này muốn “zero COVID”. “Ban đầu không cho phép những người xác nhận lây nhiễm và có triệu chứng nhẹ trở về cộng đồng, rất nhiều phòng bệnh cách ly đã được dùng cho một đống bệnh nhân có triệu chứng rất nhẹ … gây ra tình trạng hiện nay, về cơ bản không có chỗ để tiếp nhận những người già yếu thương tật có nguy cơ cao.”
Ông Trần Quốc Thành, chủ tịch “Mặt trận nhân viên thuộc cơ quan quản lý bệnh viện”, công đoàn đại diện cho nhân viên bệnh viện công, cũng nói với kênh Tiếng nói nước Đức (DW) rằng, tình hình bệnh viện hiện tại không phải là lý tưởng, “nơi ngoài trời không phải là nơi điều trị thích hợp, người lớn tuổi sẽ chuyển biến tệ hơn khi ở ngoài trời mưa, nắng.” Ngay cả trong bệnh viện, các phòng dịch vụ không cấp cứu và hành lang chật kín bệnh nhân, nhưng những nơi này không có hệ thống phương tiện áp suất âm, cho nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Các bác sĩ, y tá trong phòng cấp cứu chưa kịp ăn, đi vệ sinh, tinh thần kiệt quệ. Nhưng điều day dứt hơn cả là “đối mặt với số lượng bệnh nhân đông như vậy, với tư cách là một nhân viên y tế, tôi không thể cung cấp cho họ những dịch vụ tốt nhất. Đây là nỗi đau và sự bất lực trong lòng mọi người.”
Hơn 100 bác sĩ và y tá lây nhiễm mỗi ngày
Trong khi các nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân, họ cũng đối diện với nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Theo cơ quan chức năng công bố, 120, 140 và 150 nhân viên y tế lần lượt được chẩn đoán vào các ngày 16, 17 và 18/2. Điều này cũng gây thêm áp lực lên hệ thống y tế. Một số nhân viên y tế không dám về nhà sau mỗi ngày làm việc trong thời gian dài, họ phải đi nơi khác ở tạm vì lo lây bệnh cho người già và trẻ em trong nhà. Cũng có người không dám bế con sau khi về nhà, tinh thần sa sút rất nhiều.
Nhà hàng “Phòng băng Minsheng” đăng một bài lên mạng xã hội Facebook cũng khiến không ít cư dân mạng mủi lòng. Bài đăng cho biết, khi hai nhân viên y tế mặc đồng phục bệnh viện đến Phòng băng, họ nói rằng họ sẽ ngồi ở cửa để ăn. Ông chủ hỏi, trời vừa mưa vừa lạnh sao không vào bên trong ngồi? Thì ra nhân viên y tế sợ bản thân khiến chủ nhà hàng và khách hàng lây dịch. Chủ cửa hàng “Phòng băng Minsheng” nói với các nhân viên y tế rằng chúng tôi đã mong đợi sự chung sống (với virus), và hào phóng chào đón các nhân viên y tế vào bên trong dùng bữa. Bài đăng cuối cùng viết: “Xin gửi lời chào kính trọng đến tất cả các nhân viên y tế, cố lên, cảm ơn các bạn đã vất vả.”
Đông đảo cư dân mạng đã để lại lời nhắn và gửi lời tri ân đến các nhân viên y tế, “Chỉ vài câu nói cũng rơi nước mắt … Cảm ơn các bác sĩ, y tá đã nỗ lực không ngừng. Cầu mong cho các bạn luôn bình an, mạnh khỏe. Người tốt sẽ gặp điều tốt.”
Hiện Hồng Kông có 40.000 ca dương tính, và 258 bệnh nhân đã tử vong. Trước tốc độ lây nhiễm của virus biến thể Omicron đang ở mức báo động, làn sóng dịch bệnh lần này được cho là chưa đạt đến đỉnh điểm. Chính quyền Hồng Kông cho đến nay vẫn tuân thủ chiến lược “zero COVID” của chính quyền Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc). Đồng thời, Hồng Kông sẽ làm theo Đại Lục, tiến hành xét nghiệm toàn dân đối với 7,5 triệu người để sàng lọc người nhiễm COVID-19. Tình hình có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn do sự gia tăng các ca nhiễm đã được xác nhận trong khi không có đủ giường bệnh hoặc các phương tiện cách ly.
Ông Mã Trọng Nghĩa (Ma Chung Yee), cựu chủ tịch Hiệp hội bác sĩ y tế công cộng, người am hiểu chính sách y tế của Hồng Kông, đã nói thẳng trong một cuộc phỏng vấn rằng 1 triệu người đã được chẩn đoán mắc bệnh thì liệu có 1 triệu giường bệnh phải giải quyết? Chính sách “zero COVID” là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “phân bổ sai nguồn lực và đánh giá sai tình hình”.
Lý Gia Hoành, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện COVID-19 Zero COVID Hồng Kông