ZTE gặp tai họa, Tập Cận Bình lên tiếng sau 2 ngày “ẩn thân”
- Tuyết Mai
- •
Trong lúc ZTE đang đối mặt với nguy cơ phá sản, tại một hội nghị về công tác an ninh mạng và thông tin hóa quốc gia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói thẳng, “công nghệ cốt lõi là vũ khí hạng nặng của quốc gia”.
Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường “ẩn thân” 2 ngày để thương thảo đại sự?
Trong lúc Bộ Thương mại Mỹ đưa ra chế tài trừng phạt ZTE, giới quan sát cũng để ý đến, ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường “ẩn thân” liên tiếp 2 ngày, đến ngày 20/4, tại “Hội nghị An ninh mạng và Công tác thông tin hóa toàn quốc” mới xuất hiện.
Trang tin Duowei News đưa tin, trong chương trình phát sóng trực tiếp thời sự ngày 18 và 19/4, đều không có hình ảnh ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, giới quan sát dự đoán, có lẽ họ đang bàn bạc “đại sự” nên không ra mặt.
Tối ngày 20/4, trong chương trình thời sự đã chứng minh cho đồn đoán này. Bản tin thời sự cho biết, ông Tập Cận Bình tham dự “Hội nghị An ninh mạng và Công tác thông tin hóa toàn quốc”. Trong phát biểu của mình, khi ông Tập Cận Bình nhắc đến vấn đề “đẩy mạnh sự đột phá của các công nghệ cốt lõi trong lĩnh vực thông tin”, ông nói thẳng “công nghệ cốt lõi là vũ khí hạng nặng của quốc gia”. Bản tin cho rằng, “trong lúc Trung Quốc bị khủng hoảng bởi vụ việc của ZTE, phát biểu này của ông Tập mang nhiều hàm ý”.
Ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn của ZTE buộc phải dừng sản xuất
Do sản phẩm lõi chip, phần mềm mà ZTE sản xuất đều đến từ các doanh nghiệp của Mỹ như Google, Intel, Micron, Qualcomm, Broadcom, nên trong ngày mà Mỹ đưa ra lệnh cấm, tuyệt đại đa số dây chuyền sản xuất xủa ZTE rơi vào trạng thái dừng sản xuất.
Trong buổi họp báo ngày 20/4, Chủ tịch Hội đồng quản trị của ZTE là ông Ân Nhất Dân cho biết, lệnh cấm của Mỹ có thể khiến ZTE phải chịu cú sốc lớn, và trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi làm việc của 80 nghìn nhân viên của ZTE.
Trên thực tế, chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm này không chỉ có 80 nghìn nhân viên của ZTE. Theo tờ Quan sát kinh tế (The Economic Observer) tại Trung Quốc đưa tin, bị ảnh hưởng bởi sự kiện của ZTE, doanh nghiệp tại Thâm Quyến đã nhanh chóng thông báo cho tất cả nhân viên phụ trách sản xuất dây chuyền của ZTE nghỉ phép, nhiều dây chuyền phải ngừng sản xuất. Bản tin cho biết, doanh nghiệp này đã có hơn 1000 nhân viên nghỉ phép và vẫn chưa biết khi nào sẽ quay trở lại làm việc.
“Trước đó, khi đọc được thông tin ZTE bị Mỹ trừng phạt trên mạng internet, tôi cảm thấy còn xa vời với mình, đều là việc của những người ở cấp cao, hiện tại đột nhiên phát hiện, việc này ở ngay bên cạnh mình”, một nhân viên thuộc doanh nghiệp cung ứng linh kiện cho ZTE tại Thâm Quyến cho biết.
Bản tin cho rằng, nếu lần này ZTE không chống đỡ được, nhiều nhà cung cấp vừa và nhỏ và nhân viên của các công ty sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thông tin về các nhà cung ứng của ZTE dừng sản xuất đã bị chính quyền phong tỏa, bản tin này của Báo quan sát kinh tế hiện đã bị xóa.
ZTE có thể đưa thêm chứng cứ, Mỹ chưa tạm hoãn chế tài
Theo Reuter, trong bản tuyên bố mà ZTE gửi cho Sở giao dịch Hồng Kông hôm 22/4 có nói, “từ kinh nghiệm tuân thủ quản chế xuất khẩu trong quá khứ, ZTE đã rút ra được bài học, đồng thời rất coi trọng công tác tuân thủ việc kiểm soát xuất khẩu”.
Tuyên bố còn nói, “ZTE đang tích cực liên hệ với các bên liên quan để tìm cách hóa giải lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ”.
ZTE cũng tiết lộ, họ đã thành lập Ủy ban quản lý tuân thủ quy tắc, do CEO của ZTE đứng đầu. Ngoài ra, họ cũng đầu tư vào các sự vụ liên quan, ví dụ như tập huấn nhân viên tuân thủ quy định của Mỹ và hợp tác với cơ quan giám sát độc lập.
Một quan chức thương mại cấp cao của Mỹ cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đã đồng ý việc yêu cầu ZTE được đưa ra các chứng cứ bổ sung.
Nhật báo Phố Wall (The Wall Street Journal) đưa tin, theo quy định của chính phủ, ZTE không có quyền kháng cáo hành chính, nhưng lại đồng ý thông qua trình tự phi chính thức để tiếp nhận nhiều chứng cứ mà đối phương cung cấp hơn nữa, tuy nhiên quan chức này cũng chỉ ra, điều này không có nghĩa là phía Mỹ sẽ tạm hoãn chế tài.
Hiện tại, không rõ ZTE có kế hoạch cung cấp thông tin gì, hoặc công ty này có thuyết phục được phía Mỹ giảm nhẹ trừng phạt hay không. Phía ZTE không đưa ra bình luận gì về vấn đề này.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình ZTE chiến tranh thương mại Mỹ Trung