6 điều kiêng kỵ và 7 điều cấm khi gảy Cổ Cầm của người xưa
- An Hòa
- •
“Cầm, kỳ, thư, họa” là tứ nghệ của văn nhân thời cổ đại. Trong đó Cầm là đứng đầu. Cổ nhân thưởng thức nghệ thuật cầm lạc thì đặc biệt chú ý đến sự “thanh tĩnh” và “sạch sẽ”. Thời xưa, cổ nhân không tùy tiện gảy Cổ Cầm, hay nói cách khác, Cổ Cầm không phải nhạc khí mà cổ nhân muốn gảy lúc nào cũng được.
Nếu thấy bản thân không đạt được trạng thái “tịnh” và “tĩnh”, các văn nhân nhã sĩ thời xưa sẽ không gảy Cổ Cầm. Điều này có nguyên nhân từ nguồn gốc ra đời và ý nghĩa biểu đạt của Cổ Cầm.
Về hình dáng, Cổ Cầm được mô phỏng giống với hình dáng của Phượng Hoàng, toàn thân đàn tương ứng với thân Phượng Hoàng (cũng có thể nói tương ứng với thân người) bao gồm: đầu đàn, cổ đàn, vai đàn, lưng đàn, đuôi đàn, chân đàn. Phần phía trên đầu đàn được gọi là phần trán , đoạn dưới phần trán có nạm gỗ cứng để buộc dây đàn, gọi là Nhạc Sơn (hay Lâm Nhạc) là phần cao nhất của đàn. Phần đáy đàn có hai rãnh âm, nằm ở phần giữa đáy đàn kích thước lớn gọi là Rãnh Long, nằm ở phần đuôi của đáy đàn kích thước nhỏ hơn gọi là Rãnh Phượng, đây gọi là trên núi dưới biển vừa có Rồng lại vừa có Phượng , tượng trưng cho đất trời vạn vật .
Trong “Tân luận – Cầm đạo thiên” của Hoàn Đàm (23 – 56 TrCN) ghi: “Xưa kia Thần Nông kế tục Bào Hy làm vua thiên hạ, trên theo phép trời, dưới theo phép đất, gần lấy thân, xa lấy vật, vì thế đã vót cây ngô đồng làm cầm, lấy tơ làm dây, lấy đức thần linh hòa cùng trời đất”. Nói cách khác, kết cấu của “cầm” tượng trưng cho đức của thần linh, hòa điệu cùng trời đất.
Vì đã là chế tạo của bậc thánh hiền, “cầm” đương nhiên trở thành công cụ để phát dương đạo đức tinh thần của tiên hiền. Bởi vậy, mỗi một khâu trong quá trình chế tạo “cầm” đều ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt.
Tỷ như, tiêu chuẩn hình dạng của “cầm” là trước rộng sau hẹp. Điều này là có ý nghĩa tượng trưng cho sự tôn ti. Trong “Phong tục thông” của Ứng Thiệu thời Đông Hán có ghi lại: “Cầm dài 4 thước 5 tấc, theo tứ thời ngũ hành, 7 dây tượng trưng cho 7 tinh tú, dây lớn là quân, dây nhỏ là thần, thêm 2 dây Văn vương và Võ vương, mang ý nghĩa ân huệ vua tôi”. Điều này nói rõ rằng, “cầm” ban đầu vốn có 5 dây tượng trưng cho ngũ hành, sau thêm 2 dây Văn vương và Võ vương để có nội hàm ý nghĩa ân huệ của vua tôi.
Về huy vị (âm vị trên đàn) của đàn Cổ Cầm, trong “Cầm tiên” của Thôi Tôn Độ (954 – 1020) triều nhà Tống có kể rõ: “13 huy tượng trưng cho các tháng trong năm, ở giữa tượng trưng cho nhuận”. Vốn là đàn cổ có 12 huy tượng trưng cho 12 tháng, còn huy lớn nhất ở giữa đại biểu cho Quân vương, tượng trưng cho tháng nhuận.
Về âm sắc, đàn Cổ Cầm có 3 loại là “âm phiếm”, “âm án” và “âm tản”, tượng trưng cho Thiên, Địa, Nhân hòa hợp. Trong “Lạc thác – Ngụy Văn Hầu” ghi: “Quân tử nghe âm cầm sắt, tất nghĩ về bề tôi có chí nghĩa”. Có nghĩa là âm sắc ôn nhu của dây cầm sắt là để liên hệ đến bề tôi có chí nghĩa chính trực, trung hậu.
Lịch sử đàn Cổ Cầm có thể truy về 3000 năm trước, các văn nhân hiền sĩ ngày xưa thường nhờ đàn Cổ Cầm mà nổi danh thiên hạ, như bậc thánh hiền Khổng Tử chính là một nhà soạn nhạc cũng như diễn tấu Cổ Cầm nổi tiếng. Hay như Bá Nha nổi danh thời Xuân Thu cũng qua quá trình học Cổ Cầm trên đảo Bồng Lai, cho chúng ta lãnh hội được trí tuệ “lặng nhìn đất trời, thuận theo tự nhiên”.
Thời Ngụy Tấn, Kê Khang tinh thông đàn Cổ Cầm, tuy bị Tư Mã Chiêu hãm hại, nhưng trước khi bị tử hình vẫn thản nhiên diễn tấu bài Quảng Lăng thất truyền, làm cảm động trời đất.
Đây là những câu chuyện nổi tiếng lịch sử liên quan đến đàn Cổ Cầm, từ đây chúng ta phần nào hiểu được tinh thần của các sĩ phu và văn nhân thời cổ đại đối với loại nghệ thuật này.
Âm điệu của Cổ Cầm sở dĩ có thể khiến tâm trạng chúng ta khi nghe cảm thấy có gì đó thanh cao cổ xưa, là vì người xưa nghiên cứu rất cẩn thận về thời cơ, tâm tình, dáng vẻ, bầu không khí, thậm chí lựa chọn đối tượng khi chơi đàn. Có thuyết gọi là “lục kỵ, thất bất đàn” (6 điều kiêng kỵ và 7 điều cấm khi đàn).
“Lục kỵ” là chỉ 6 hiện tượng thiên văn thời tiết, bao gồm: đại hàn (trời lạnh), đại thử (trời nóng), đại phong (lúc gió lớn), đại vũ (lúc mưa lớn), tấn lôi (lúc sấm sét) và đại tuyết (tuyết rơi).
“Thất bất đàn” bao gồm bảy tình huống là: nghe tin có tang ma, khi có tấu nhạc ồn ào, khi có sự cố lộn xộn, người không sạch sẽ, áo mũ không ngay ngắn, không đốt hương, và không gặp tri âm.
Trong “Thần kỳ bí phổ” thời nhà Minh đã chỉ rõ: “Cổ Cầm là vật do thánh nhân làm thành, theo thuật chính tâm, dẫn chính sự, hòa lục khí, điều ngọc chúc, đúng là linh khí của trời đất, là thần vật của đời thái cổ, là giai điệu để thánh nhân quản lý việc nước, là vật để quân tử tu dưỡng”. Như vậy, “cầm” được xem là một chuẩn mực để thánh nhân quản lý quốc sự, là điểm tựa để người quân tử tu tâm dưỡng tính, vì thế chỉ cần làm trái khí phách của thánh nhân và quân tử thì nhất định không đàn.
Trong “Bạch hổ thông”, Ban Cố (32 – 92) đã chú giải tuyệt vời về nội hàm của “cầm”: “Kẻ đàn, nhẫn nhịn, vì thế nghiêm cấm tà ma, phải chính nhân tâm”. Như vậy, có thể thấy “cầm” có ẩn chứa sức mạnh ngăn chặn dâm tà và uốn nắn, tu chỉnh tâm con người.
Người xưa xem nghệ thuật Cổ Cầm là thể hiện vẻ đẹp, cao quý, trí tuệ vượt ra ngoài thế gian, được xem là cảnh giới “thiên nhân hợp nhất” và “thiên địa tương thông”. Vì thế so với các loại nhạc khí khác thì Cổ Cầm thể hiện sâu sắc hơn về nội hàm văn hóa truyền thống và thể hiện cảnh giới tinh thần của thánh nhân truyền lại mà người tu đạo cần phải có.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Âm nhạc Âm nhạc Trung Hoa cổ đại cổ cầm