Cổ nhân giảng: “Không quên việc trước, dùng đó làm tấm gương cho việc sau”, lịch sử không chỉ truyền lại văn hóa mà còn cho hậu thế hiểu thế nào là thiện là ác. “Đường sơ quan tu sử thư” lại ghi: “Trừng trị cái ác khuyến khích cái thiện, ghi lại nhiều chuyện đời xưa, lấy đó làm gương cho hậu thế”. Xưa cũng có câu rằng: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà không lọt”, “thiện ác đều có báo ứng, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.” Những câu này đều để răn đe kẻ ác là làm việc ác tất sẽ bị báo ứng. Nhìn vào sử sách với một tâm thuần tịnh, không khó để mặc khải ra đạo lý ác giả ác báo này.

ác báo
(Hình minh họa: Qua ent.sina)

Liên tiếp ba viên quan hại người gặp ác báo

Thời Võ Tắc Thiên nắm quyền, có một vị quan tên là Sách Nguyên Lễ thành danh bằng cách tố cáo vu oan giá họa người khác, hại người nhiều vô kể.

Khi làm quan tra khảo phạm nhân, ông ta thường dùng cực hình tra tấn man rợ. Tra tấn được người đời xưng là sở trường của ông. Mỗi khi tra tấn, ông ta đều khiến người bị tra tấn phải đau đớn đến mức xương gãy, đầu nứt và đành phải nhận tội thì mới hả lòng. Thủ đoạn mà ông ta tâm đắc nhất là cho nhốt người vào lồng sắt để tra tấn.

Sau này nhiều người tố cáo Sách Nguyên Lễ âm mưu tạo phản nên ông ta bị tống vào nhà lao. Lúc ấy, quan xét xử Sách Nguyên Lễ lại chính là thuộc hạ của ông ta. Thấy Sách Nguyên Lễ không chịu nhận tội, vị quan xét xử này lạnh lùng nói: “Mang cái lồng sắt của Sách công ra đây!”

Vừa nghe thấy câu này, Sách Nguyên Lễ đã toàn thân run rẩy, lập tức cúi đầu nhận tội. Cuối cùng ông ta đã bị chết thảm trong nhà lao.

Một vị quan khác là Chu Hưng dưới thời Võ Tắc Thiên cũng thành danh nhờ ngụy tạo án oan “mưu phản”. Khi ông ta đương chức cũng dùng cách bức cung nhục hình tàn khốc, gây ra vô số án oan, hàng ngàn người bị ông ta hãm hại. Sau này Chu Hưng cũng lại bị kẻ khác tố cáo “tạo phản”.

Người xét xử Chu Hưng là một vị quan khác, tên là Tuấn Thần. Trước đây trong một dịp Tuấn Thần ngồi ăn cùng Chu Hưng có thỉnh giáo Chu Hưng về phương pháp ép phạm nhân nhận tội.

Chu Hưng hãnh diện nói: “Việc này không khó, chỉ cần đệ bỏ phạm nhân vào cái chum to rồi châm lửa đốt xung quanh thì lo gì hắn không nhận tội!”

Sau này khi đến lượt Tuấn Thần xét xử Chu Hưng, ông ta đã nói: “Đệ phụng theo mật chỉ, nói có người tố cáo huynh mưu phản, mời huynh vào chum đi!”

Chu Hưng vừa nghe bốn chữ “mời huynh vào chum” thì hồn bay phách lạc, toàn thân mềm nhũn, liên tục rập đầu nhận tội.

Về sau, Tuấn Thần cũng không thoát khỏi kết cục bị ác báo bi thảm. Thời gian tại vị ông ta cũng làm quá nhiều việc ác, dùng nhục hình giết hại vô số người.

Khi Tuấn Thần tra khảo thì không kể nặng nhẹ đều đổ nước muối vào lỗ mũi để bắt họ nhận tội. Ông ta còn đào đất làm nhà lao dưới nước để ngâm phạm nhân vào trong nước hành hạ, còn bỏ đói không cho ăn khiến phạm nhân vì đói mà phải nuốt y phục thay lương thực. Nói chung, phương sách của Tuấn Thần là chưa chết thì chưa chịu buông tha.

Đến năm 697, Tuấn Thần 47 tuổi cũng bị người tố cáo phạm vào tội danh “mưu phản”. Sau đó không lâu, ông ta bị đưa lên pháp trường xử trảm. Những người căm hận ông ta nghe tin này đều tới pháp trường chứng kiến và tranh nhau xẻ thịt ông ta, chỉ trong ít phút, xác Tuấn Thần đã tan nát.

Bất kính với Thần linh, bạo quân bị sét đánh

Bậc quân vương thời cổ đại muốn được lòng dân để có thể giữ giang sơn yên bình vững vàng, thì đều chú ý làm lễ tế trời, cầu xin Thần linh che chở. Thế nhưng trong lịch sử cũng có những bạo quân bất kính với Trời Đất. Trong “Sử ký – Ân bản kỷ” ghi lại một sự kiện như sau:

Vua Võ Ất nhà Ân là vị vua bạo ngược vô đạo, kiêu căng ngông cuồng, bất kính với trời đất. Ông ta từng cho thợ làm tượng gỗ rồi gọi đó là “thiên thần”. Võ Ất còn sai người đóng vai “thiên thần” để cùng nhau chơi cờ phân thắng bại với mình, hoặc bắt người và “thiên thần” giả đánh nhau. Nếu “thiên thần” thua, Võ Ất sẽ bắt mọi người tra tấn và làm nhục “thiên thần”. Ngoài ra, Võ Ất còn làm một cái túi da cho đầy máu vào trong, treo lên cao và giương cung bắn rồi nói rằng đây là ta đang “bắn trời”.

Võ Ất tại vị được 5 năm. Trong một lần đi săn đến chỗ sông Vị Thủy, Hoàng Hà, thì bỗng nhiên sấm sét nổi lên, đánh chết ông ta. Sử sách ghi chép rằng, Võ Ất chết vô cùng thê thảm.

Nhiều vị quân chủ đời sau luôn lấy chuyện này làm tấm gương cho mình. Họ cũng rất coi trọng việc tôn kính Trời Đất, không dám làm việc càn quấy vì sợ bị quả báo giống như Võ Ất.

An Hòa