Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ giúp bỏ lệ cống nạp ngọc trai cho phương bắc
- Trần Hưng
- •
Thấu hiểu sự khó khăn và nguy hiểm của người dân khi phải mò ngọc trai nơi biển sâu để cống nạp, bảng nhãn Nguyễn Như Đổ đã xin Hoàng đế nhà Minh bỏ tiến cống ngọc trai.
Giúp bỏ lệ cống nạp ngọc trai
Nguyễn Như Đổ người Đại Lan Châu, huyện Thanh Đàm, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đại Lan, xã Duyên Hà (Thanh Trì – Hà Nội), từ bé đã có tiếng là học giỏi. Năm 1442 dưới thời vua Lê Thái Tông, Triều đình tổ chức khoa thi, khoa thi này có phần đặc biệt khi chấm thi đều là những bậc văn tài bậc nhất lúc đó như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuần…
Nguyễn Như Đổ năm ấy mới 18 tuổi đã xuất sắc đỗ Bảng nhãn. Ông làm quan trải qua các chức vụ khác nhau. Năm 1443 và 1450 ông được cử làm phó sứ đến nhà Minh để thương thuyết và cống phẩm.
Đến năm 1459, anh của vua Lê Nhân Tông là Lạng Sơn Vương Nghi Dân giết Vua cướp ngôi. Vua Nghi Dân giao cho Nguyễn Như Đổ sang nhà Minh để cống phẩm ngọc trai, đồng thời xin nhà Minh đồng ý sắc phong cho mình.
Ba lần đi sứ sang nhà Minh cống nạp ngọc trai, Nguyễn Như Đổ thương cảm với sự nguy hiểm của người dân khi phải xuống biển sâu mò ngọc trai, khiến nhiều người đã chết vì không kịp ngoi lên để thở, hay gặp phải cá dữ. Ông bèn bàn với Lê Cảnh Huy, Hoàng Thanh và Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư thuyết phục Hoàng đế nhà Minh bỏ cống nạp ngọc trai.
Nguyễn Như Đổ đã diễn giải sự nguy hiểm của việc mò ngọc và xin được bỏ ngọc trai ra khỏi danh mục triều công. Hoàng đế nhà Minh bị thuyết phục nên đã đồng ý bỏ cống nạp ngọc trai. Đồng thời nhà Minh cũng đồng ý sắc phong cho Nghi Dân.
Trong thời gian Nguyễn Như Đổ đi sứ, ở trong nước vua Nghi Dân chỉ tin dùng bọn nịnh thần, thay đổi nhiều pháp chế khiến người người oán giận. Sau một năm ở ngôi Vua, năm 1460, các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt làm binh biến giết chết Lê Nghi Dân.
Trụ cột của Triều đình
Triều đình tìm được Hoàng tử Tư Thành đưa lên ngôi Vua, hiệu là Lê Thánh Tông. Lúc này đoàn sứ trở về nước, biết tin vua Thánh Tông mới lên ngôi, nhưng tấm sắc phong lại là của Nghi Dân, mọi người lo lắng bàn hủy tấm sắc phong đi. Tuy nhiên Nguyễn Như Đổ vẫn giữ lại tấm sắc phong, về Triều ông dâng tất cả lên cho Vua xem mà không chút lo lắng. Vua Thánh Tông xem sắc phong nhưng không nói gì, rồi khen Như Đổ có công bỏ được lệ cống ngọc trai, giúp dân chúng đỡ khổ cực.
Trong lịch sử, vua Lê Thánh Tông được đánh giá là bậc minh quân, tạo nên thời kỳ Hồng Đức thịnh trị. Vua nhìn nhưng không đả động gì đến tờ sắc phong, mà khen ngợi Như Đổ, từ đó về sau xem ông là bậc tâm phúc, tin tưởng giao cho những vị trí quan trọng, ngay trong năm 1460 phong cho ông làm Lại bộ Thượng thư, rồi thêm chức Tả ty sảnh Môn hạ, Tả gián nghị đại phu.
Nguyễn Như Đổ sắp xếp bộ máy hành chính quan lại. Có thời gian ông được vào điện Càn Đức để dạy học cho Hoàng tử.
Sau đó Nguyễn Như Đổ tiến cử Đỗ Tông Nam làm việc ở Hình bộ. Tuy nhiên Đỗ Tông Nam nhận hối lộ, vụ việc bị phát giác. Nguyễn Như Đổ vì tiến cử nên bị mất chức. Vì vai trò của ông quan trọng nên Triều đình lại phục chức cho ông, giao cho phụ trách nhiều việc.
Tổng cộng Nguyễn Như Đổ làm quan trải qua 8 đời Vua, được đánh giá là tài năng. Nhà sử học Phan Huy Chú đánh giá rằng: “Ông lúc trẻ thi đỗ khôi nguyên, khi lớn làm quan to, lên được cõi thọ trăm tuổi, trải qua 8 triều vua, cũng là sự ít có trong hoạn đồ”.
Cống hiến nhiều cho giáo dục
Nguyễn Như Đổ sáng tác thơ văn nhiều, nhưng đến nay chỉ còn lại 6 bài được ghi chép lại trong cuốn “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn. Đánh giá về thơ của ông, “Lịch triều hiến chương loại chí” viết rằng: “Bảng nhãn họ Nguyễn ở Lan Châu là người đỗ Khôi nguyên lúc mới khai quốc, văn chương có tiếng ở đời”.
Thời vua Lê Thánh Tông xuất hiện rất nhiều nhân tài qua con đường khoa bảng, Nguyễn Như Đổ cống cống hiến rất nhiều cho giáo dục. Ông làm chủ khảo và chấm bài nhiều khoa thi. Như năm 1463, ông chấm bài thi văn sách kỳ thi Đình, năm này xuất hiện những nhân tài lớn cống hiến cho Giang Sơn Xã Tắc là Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh, Thám hoa Quách Đình Bảo. Hai khoa thi tiếp theo vào năm 1466 và 1469, Nguyễn Như Đổ đều làm chủ khảo kỳ thi Đình.
Hơn 60 tuổi, Nguyễn Như Đổ được giao chủ trì trùng tu Văn Miếu Quốc Tử Giám, rồi làm Tế tửu Quốc Tử Giám 10 năm mới về hưu. Tên của ông được khắc trên tấm bia đá đầu tiên dựng năm 1484 đặt tại đình bia bên phải trong vườn bia Văn Miếu.
Năm 1526, Nguyễn Như Đổ mất tại quê nhà, thọ 103 tuổi. 5 thế kỷ sau, nhiều nhân tài còn nhắc đến ông như Lê Quý Đôn, Lê Cao Lãng, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp…
Nhà nghiên cứu lich sử, ngữ văn Trần Văn Giáp đã viết rằng: “Hơn thế nữa, ngày nay chúng ta thấy ông vừa là nhà chính trị, nhà ngoại giao vừa là nhà quân sự, nhà giáo dục có một tài năng hiếm có. Ngoài ra, ông còn là một nhà văn, nhà thơ lỗi lạc”.
Con cháu Nguyễn Như Đổ tạo nên những “danh gia vọng tộc” của đất Sơn Nam xưa và Hà Nội ngày nay.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Thời vua Lê Thánh Tông, lính hầu cũng có thể trở thành tiến sĩ
- Vua Lê Thánh Tông và thời kỳ Hồng Đức thịnh trị
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử khoa bảng nhà Lê sơ