Bớt một bữa nhậu, mua được 4-5 cuốn sách cho con
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Vào tới thành phố lạ khi đêm đã muộn. Tìm loanh quanh không có quán ăn nào còn mở nên đành vào quán nhậu. Quán khá đông người. Dô dô khá ồn ào. Độ tuổi khách nhậu từ choai choai cho tới U60. Gọi đồ nhậu kèm với nước suối. Lúc tính tiền cầm hóa đơn chợt nhớ tới chuyện chi tiền cho việc gì của người Việt mình đang ồn ào trên mạng.
Quả thật nếu nhìn vào hóa đơn ăn nhậu và so sánh với số tiền chi cho mua sách, so sánh thói quen đi ăn ngoài với thói quen mua sách ta sẽ thấy nó khập khiễng vô cùng. Lối sống thị dân về cơ bản chưa bén rễ vào đời sống của người dân (phần đông nhiều đời là nông dân) sống trong thành phố. Có lẽ bất cứ thành phố nào cũng vậy.
Vậy nên lý luận “phú quý sinh lễ nghĩa”, “có giàu rồi mới có văn hóa” hay ngược lại “cơm chẳng đủ ăn nói gì chuyện sách vở” không hẳn đã đúng.
Rất có thể thừa ăn thừa mặc nhưng văn hóa “phú quý” như sách vở, văn chương, nghệ thuật không… phát triển.
Rất có thể không thiếu ăn, thiếu mặc nhưng sách vẫn cứ thiếu như thường.
Một ông bố bớt đi nhậu một bữa trong một tháng có thể mua được 4-5 cuốn sách cho con. Nhưng nếu làm một cuộc khảo sát ta sẽ kinh ngạc khi thấy ngay cả ở thành phố tỉ lệ các gia đình có tủ sách trong gia đình cũng rất… thấp.
Như một căn bệnh nghề nghiệp, vào nhà ai, công sở nào tôi cũng đưa mắt tìm quanh xem tủ sách, giá sách, phòng đọc ở đâu, trên đó có sách gì.
Kết quả là trong rất nhiều trường hợp, cho dù chủ nhân là giáo viên, kĩ sư, giám đốc… trong nhà cũng không có bóng dáng của sách vở. Nếu có cũng chỉ lèo tèo vài cuốn tài liệu phục vụ trực tiếp công việc.
Đấy là điều vô cùng đáng tiếc và khi suy ngẫm ta sẽ thấy hiện thực ấy nói lên rất nhiều điều.
Câu chuyện cần thay đổi nhận thức của người Việt về giá trị nền tảng, lâu dài, quan trọng không thể thay thế của văn hóa đọc vì thế trở nên bức thiết.
Những ai đã nhận thức được điều này, thấy được điều này, cần tích cực lan tỏa nó ra xung quanh gia đình, người thân, cộng đồng của mình.
Đấy là việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn.
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Từ khóa văn hóa đọc Nguyễn Quốc Vương