Bức “Nghệ thuật hội họa” của Johannes Vermeer
- Đào Nguyên
- •
“The Art of Painting” (Tạm dịch: Nghệ thuật hội họa) là một bức tranh sơn dầu nổi tiếng của họa sĩ người Hà Lan Johannes Vermeer, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna, Áo. Nói về bức tranh này, nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Thoré Burger, người đã có công khiến các bức họa của Vermeer không bị quên lãng, đã dùng hai từ độc đáo và tham vọng; còn sử gia nghệ thuật người Mỹ Albert Blankert thì nhìn nhận rằng nó “là một màn trình diễn tuyệt vời về sức sáng tạo và khả năng thể hiện của một người họa sĩ”.
Rất nhiều nhà phê bình nghệ thuật cho rằng đây là một bức tranh “phúng dụ” về hội họa, bởi vì ngôn ngữ biểu tượng bên trong tranh cũng như chủ đề của nó: một người họa sĩ đang vẽ chân dung bên trong xưởng vẽ của ông.
Người họa sĩ trong tranh được cho là tự họa của Vermeer, còn cô gái rất có thể là con gái của ông. Vermeer khoác trên mình một bộ trang phục màu đen trang trọng với những đường cắt ở tay áo và lưng áo, lộ ra chiếc áo sơ mi bên trong. Ông mặc quần ống túm, với đôi tất màu cam. Đó là những trang phục khá thời thượng vào thời bấy giờ.
Vermeer đang chăm chú ngắm nhìn con gái. Cô đứng cạnh cửa sổ đón ánh sáng hắt vào, mặc áo xanh, đầu đội vòng nguyệt quế, trên tay ôm một cuốn sách, tay còn lại cầm một chiếc kèn, hai mắt nhìn xuống. Đây là những đặc trưng của nàng thơ lịch sử trong Thần Thoại Hy Lạp. Nàng thơ Clio, hay nàng thơ lịch sử chính là nguồn sáng tạo chủ yếu của một người họa sĩ thời bấy giờ, vì “hội họa chính là những vần thơ lặng im còn thơ ca chính là hội họa có tiếng nói”. Chính vì thế, cuốn sách mà cô gái cầm rất có thể là sách của sử gia Herodotus hay Thucydides.
Bên phải cô gái là một tấm bản đồ, miêu tả 17 tỉnh của Hà Lan. Ở hai bên của tấm bản đồ là 20 khung cảnh nhỏ về các thành phố của Hà Lan. Đây là một tấm bản đồ có thực của Claes Janszoon Visscher từng được xuất bản vào năm 1636.
Phía trên tấm bản đồ là chiếc đèn chùm vàng óng ánh.
Ở trên bàn là một chiếc mặt nạ thạch cao, một mảnh vải, một tập tư liệu, và một mảnh da, đây đều là các vật dụng dành cho những bộ môn khác. Khi chúng đặt cùng với chiếc kèn âm nhạc và cuốn sách trên tay nàng thơ lịch sử, thì rất có thể Vermeer đang muốn ám chỉ tới các bộ môn khai phóng, chính là những môn học hay kỹ năng mà người Hy Lạp cổ xem trọng. Các môn học khai phóng (liberal arts) có thể kể tới như triết học, số học, thiên văn, âm nhạc, hùng biện, v.v.
Toàn bộ bức tranh khiến người xem bị hút tầm mắt về phía nàng thơ Clio của Vermeer.
Từ những họa tiết trên sàn, hướng ngồi nghiêng của người họa sĩ, tấm rèm hé mở, tới ánh sáng tỏa ra từ chiếc cửa sổ bị tấm rèm che mất, tất cả đã khiến nàng thơ lịch sử mà Vermeer muốn khắc họa chân dung trở thành tâm điểm sâu nhất và thu hút nhất trong tranh.
Bên cạnh đó, Vermeer còn thể hiện một cách hoàn hảo sự hấp thu và phản xạ ánh sáng khác nhau của các đồ vật, sự đổ bóng tinh tế trên tấm bản đồ hay các viền gấp của tấm rèm.
Chữ ký của Vermeer nằm bên phải cô gái, trên tấm bản đồ, nhưng không đề ngày tháng. Một số nhà phân tích cho rằng bức họa này được vẽ vào thời điểm 1665-1668, trong khi số khác lại cho rằng nó được hoàn thành vào khoảng 1670-1675. Và rõ ràng đây là một bức tranh rất tâm đắc của Vermeer bởi vì ông đã giữ nó bên mình suốt cuộc đời mà không muốn bán, dù cho tới tận khi mất, ông vẫn còn để lại cho vợ và mười một người con một món nợ.
Đào Nguyên
Xem thêm:
- Ngôn ngữ biểu tượng trong bức họa “Phúng dụ về đức tin”
- Ngụ ngôn đạo đức trong bức “Thần chết và kẻ bủn xỉn”
- Bức “Quý cô viết thư và người hầu gái”: Sự phổ quát bên trong những điều bình dị
Mời nghe radio
Từ khóa hội họa thời kì phục hưng thần thoại Hy Lạp tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng