Ngôn ngữ biểu tượng trong bức họa “Phúng dụ về đức tin”
- Thanh Nhân
- •
Phúng dụ về đức tin là một tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan, Johannes Vermeer, vẽ vào khoảng năm 1670-1672. Bức tranh này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitian ở New York.
Bức tranh mô tả một cô gái mặc váy satanh trắng xanh, viền vàng, đeo một chuỗi ngọc, ngồi trên một bục có trải thảm, ở trên sàn nhà đá cẩm thạch đen trắng. Một chân của cô đặt trên quả địa cầu, tay phải để trên ngực ở vị trí trái tim. Cô ngẩng đầu nhìn lên quả cầu thủy tinh được treo trên trần nhà bằng sợi dây màu xanh.
Tay trái cô tựa vào bàn, nơi đặt một chiếc ly bằng vàng, một quyển sách, và một cây thánh giá gỗ lớn màu đen. Đằng sau cây thánh giá là tấm trảng da mạ vàng. Dưới cuốn sách là một mảnh vải dài, có thể là một chiếc khăn choàng của mục sư. Nằm trên cuốn sách là một chiếc vương miện bằng gai.
Chiếc bục mà cô gái ngồi có trải tấm thảm màu xanh lục và vàng. Ở trên sàn, gần tấm thảm là một quả táo, và xa hơn một chút là một con rắn bị tảng đá đè dập đầu.
Đằng sau cô gái, một bức tranh lớn kể về việc Chúa Jesus bị đóng đinh được treo ở trên tường.
Toàn bộ cảnh vật nằm sau một tấm màn che trang trí tinh tế, được vén lên về phía bên trái của người xem tranh.
Ngôn ngữ biểu tượng về đức tin
Ở phương Tây thời xưa, người ta cho rằng đức tin là điều quan trọng nhất trong các loại đức hạnh. Cô gái mặc đồ màu trắng và xanh da trời, tượng trưng cho sự trong sáng và thiên đường. Chiếc vòng cổ của cô gái làm bằng ngọc trai, là biểu tượng cổ xưa của sự thuần khiết. Cánh tay phải (cánh tay của đức tin) đặt trên ngực biểu tượng cho đức hạnh nằm trong tim. Có một câu nói rằng có đức tin là “có cả thế giới dưới chân mình”, vậy nên bàn chân cô gái đặt trên một quả địa cầu.
Chiếc ly vàng (nằm ở trước phần viền tranh màu đen) và cây thánh giá màu đen (nằm ở trước phần phông nền mạ vàng), cùng hình tượng Chúa Jesus trên cây thánh giá được mạ vàng, tạo nên sự đối lập và nổi bật. Chiếc ly, cây thánh giá, cuốn sách lễ, chiếc vương miện bằng gai, là một tổ hợp gợi cho người ta nghĩ tới cây cầu nối giữa thế giới vật chất và thế giới tâm linh, trong đó có sự hy sinh, thánh tích, thánh thể. Trong khi đó, bức tranh lớn đằng sau lại gợi nhắc đến sự hy sinh của Chúa Jesus, gánh lấy tội lỗi của những người mà Chúa muốn cứu độ.
Quả cầu thủy tinh mà cô gái ngước nhìn lên có thể là biểu tượng cho đức tin, hy vọng và từ thiện, cũng có thể là biểu tượng của tâm hồn. Một số ngôn ngữ biểu tượng thời đó dùng quả cầu phản chiếu thế giới xung quanh để thể hiện đức tin một cách lí trí, giống như câu nói “Capit Quod Non Capit” (hiểu rằng điều đó không thể hiểu được – ý nói là đức tin và tín ngưỡng về thiên đường thực sự vượt quá sự hiểu biết thông thường của con người, vì thế phải vượt khỏi người thường thì mới có thể hiểu được).
Hình ảnh quả táo ở dưới chân cô gái tượng trưng cho tội lỗi, dục vọng, nó cũng là thứ mà Eve và Adam đã ăn, khiến cả hai bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Trong khi đó, con rắn (tượng trưng cho quỷ dữ) đã dẫn dụ Eve ăn trái táo và gây ra tội lỗi, thì bị đập dập đầu chết. Điều đó có hàm ý rằng khi còn người có thể vượt lên khỏi những dục vọng và tội lỗi trần tục, quay về với đức tin, thì sẽ có thể quay trở lại thiên thượng.
Phong cách Baroque
Bức Phúng dụ về đức tin có phong cách khá giống với bức Nghệ thuật hội họa mà chúng ta đã có dịp nhắc tới (Xem bài: Bức “Nghệ thuật hội họa” của Vermeer). Cả hai tác phẩm này của Vermeer đều khá tương tự về cách thể hiện, ví dụ như: góc nhìn tương đối giống nhau; bên trái tranh đều có một tấm màn nhiều màu sắc mở ra bối cảnh; cả hai đều mang ý nghĩa phúng dụ và có bao hàm ngôn ngữ biểu tượng…
Tuy nhiên, ở bức “Phúng dụ về đức tin” thì tư thế của chủ thể là cô gái mang đặc điểm điển hình của phong cách Baroque, một phong cách xuất hiện sau thời kỳ Phục Hưng. Khác với các bức tranh Phục Hưng, vốn chú trọng vào sự hài hòa, cân đối, sự suy tư và kết quả, thì các bức tranh Baroque có đặc điểm chung là mô tả chủ thể trong sự vận động với cảm xúc khá mạnh mẽ.
Ví dụ như một bức tranh miêu tả Perseus thời kỳ Baroque có một cảm xúc mạnh mẽ, tập trung vào khoảnh khắc Perseus giơ đầu của ác quỷ Medusa lên, mô tả sự sợ hãi và thảm cảnh của các binh sĩ:
Trong khi đó, chúng ta có thể thấy sự hài hòa ở một bức tranh khác miêu tả Perseus thời kỳ Phục Hưng (Xem bài: Người anh hùng Perseus giết thủy quái), dù trong cả hai bức tranh đều có sự vận động nhưng bức thứ hai này lại chú trọng vào sự hài hòa và toàn bộ câu chuyện Perseus giết thủy quái:
Thanh Nhân
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Chúa Jesus Cơ đốc giáo nghệ thuật phương Tây Đức tin hội họa phương Tây ngôn ngữ biểu tượng Vermeer