Cả xã hội cứ điên cuồng vì điểm
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Thầy cô làm như trong bài báo vì lo lắng thành tích! Đi làm chẳng ai thích bị cấp trên đì đọp, phê bình cả. Giáo viên càng không! Giáo viên có can đảm chất vấn cấp trên về con số đưa ra càng hiếm.
Cấp trên, nhà trường khoán cho thầy cô bao nhiêu % học sinh xuất sắc, bao nhiêu % học sinh giỏi rồi thì các thầy cô phải làm sao cho đạt được con số ấy.
Quản lý bằng con số thành tích là cách quản lý tiện lợi và nhàn nhã nhất, dễ trị cấp dưới nhất. Nhưng nó cũng là cách quản lý quan liêu nhất, dễ xa rời thực tế nhất và trong giáo dục đôi khi nó cũng là cách… vô cảm nhất.
Tiếc thay, con người không phải là cỗ máy. Trong một lớp thì xác suất các cháu giỏi chắc tầm 10% còn lại thì không được như thế. Vậy nên các cô phải cố mà gà bài cho các cháu.
Về phía phụ huynh thì bây giờ bù đầu, điên cuồng kiếm tiền rồi lo chụp ảnh post mạng xã hội, lo công danh chức tước, lo quan hệ nội ngoại, lo nhậu nhẹt, bạn bè tùm lum, phần nữa thì bản thân cũng lười đọc, lười học nên chẳng biết con học cái gì, học như thế nào trong khi lại say mê điểm số nên cứ thấy con điểm cao là mừng. Điềm số cao = thông minh = học tốt = thi đỗ = vào trường ngon = cuộc sống bảo đảm.
Logic thật đơn giản.
Vậy nên cả xã hội cứ điên cuồng vì điểm mà không chị nhìn nhận một điều: Năng lực học tập của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Giáo viên có thể giúp trẻ tiến bộ nhưng là sự tiến bộ của tự thân đứa trẻ chứ không phải là là cố ép tất cả trẻ giỏi như nhau.
Cả xã hội từ mọi cấp quản lý giáo dục, tới giáo viên, phụ huynh và học sinh phải can đảm thừa nhận rằng cho dù nỗ lực thế nào thì trong lớp, trường, xã hội cũng có nhiều em học kém, không thể theo được các học sinh khác.
Chỉ khi dám thừa nhận thực tế như vậy và chấp nhận như thực tế vốn có thì giáo dục mới có thể giúp học sinh tiến bộ cho dù các em có xuất phát điểm như thế nào, mới tôn trọng từng cá nhân các em.
Không chỉ làm đề cương, khắp nơi lan tràn chuyện học sinh phải học thuộc một vài bài văn để khi ra đề vào đề nào thì viết. Cái này giúp phòng ngừa các bạn học kém bỏ giấy trắng và cũng có tác dụng tức thời. Nhưng về lâu dài nó làm cho học sinh sợ học môn tiếng Việt – môn Văn khủng khiếp. Phản xạ muốn viết ra điều mình nghĩ biến mất và các cháu sợ viết hơn sợ cọp.
Rất buồn khi người Việt lại sợ học tiếng Việt.
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Việt Nam Nguyễn Quốc Vương