Cách dạy con của một số thi nhân nổi tiếng thời xưa
- Minh Tâm
- •
Người xưa rất coi trọng việc giáo dục con cái trong gia đình, nhiều danh nhân đã để lại những lời giáo huấn để giáo dục, dạy dỗ con cháu mình, như một quy tắc ứng xử suốt đời cho thế hệ mai sau. Dưới đây là những lời giáo dục con cái của sáu thi nhân nổi tiếng trong lịch sử.
Viên Mai
Vào thời Càn Long triều đại nhà Thanh, Viên Mai là một nhà thơ nổi tiếng. Ông sinh ra một cô con gái có tư chất thông minh, nhiều gia tộc danh giá đến cầu hôn nhưng ông đều từ chối. Cuối cùng, ông đã gả con gái cho con trai của một người dân bình thường ở ngoại thành Cô Tô. Vào ngày kết hôn của con gái, ông đã viết bài thơ “Giá nữ tử” để tiễn con:
Cô ân bất tại phú, phu liên bất tại dung.
Đãn thính quan sư thanh, thường tại xuân phong trung.
Ý tứ của bài thơ này là lời nhắn nhủ của Viên Mai đến con gái rằng, tìm kiếm một người chồng không thể chỉ cầu tiền tài của cải, cũng không thể chỉ chú trọng đến ngoại hình, điều quan trọng là cả nam và nữ đều phải yêu thương nhau thì mới có được cuộc sống hạnh phúc thực sự.
Con gái ông làm theo lời cha dặn, sau khi kết hôn, hai vợ chồng hòa thuận và sống với nhau đến đầu bạc răng long. Bà cũng coi bài thơ này như vật gia truyền của gia đình và nó được truyền từ đời này sang đời khác.
Tô Đông Pha
Tô Đông Pha là đại thi hào triều Tống. Con đường làm quan trong cả đời ông đều gập ghềnh, khúc chiết, lao lực bôn ba khắp nơi. Năm 1083, lúc Tô Đông Pha 46 tuổi, vợ sau của ông là Vương Triều Vân đã sinh hạ một người con trai, tên là Tô Độn, tên mụ là Kiền Nhi. Ngày con trai đầy tháng, Tô Đông Pha đã cao hứng làm một bài thơ “Tẩy nhân”.
Nhân giai dưỡng tử vọng thông minh, ngã bị thông minh ngộ nhất sinh
Duy nguyện hài nhân ngu thả lỗ, vô tai vô nan đáo công khanh.
Nghĩa là mọi người sinh con và nuôi dưỡng con đều hy vọng con có thể thông minh giỏi giang. Nhưng Tô Đông Pha lại bởi vì quá thông minh mà bị thông minh làm hại nhiều lần trong đời. Cho nên, ông hy vọng con của mình không quá thông minh, không có tai họa mà làm được công khanh.
Lời thơ đơn giản dễ hiểu, mặc dù chỉ có 28 chữ nhưng cảm xúc lại có lúc thăng lúc trầm. Đây vừa là lời châm biếm của Tô Đông Pha về triều đại đương thời, đồng thời cũng cho thấy rằng trải qua khó khăn, Tô Đông Pha đã hiểu rõ sự đời, nên với ông, nuôi dạy con không nên là truy cầu danh vọng bất chấp sự an bình của tâm linh.
Lục Du
Lục Du là thi nhân thời Bắc Tống. Ông không chỉ yêu cầu con cái phải chăm học, vươn lên mà còn yêu cầu con cái phải tự thân thể nghiệm những gì đã học. Ông đã viết một bài thơ có tên “Dạ độc thư kì tử duật”, chỉ với 28 chữ ít ỏi nhưng lại nói ra một đạo lý lớn. Bài thơ viết:
Cổ nhân học vấn vô di lực,
Thiểu tráng công phu lão thủy thành.
Chỉ thượng đắc lai chung giác thiển,
Tuyệt tri thử sự yếu cung hành.
Tạm dịch nghĩa: Cổ nhân nếu học thì học hết mình. Cố gắng bắt đầu từ lúc trẻ đến lúc già mới có thể thành công. Những thứ học được từ trong sách vở là nông cạn và không thể lí giải hết được đạo lý thật sự. Muốn hiểu được những kiến thức sách vở, nhất định phải tự thân trải nghiệm.
Trước khi Lục Du lâm chung, ông còn viết bài thơ “Kỳ nhân”, thể hiện sự quan tâm tới thế cuộc. Ông không yêu cầu con cái phải tận trung với đất nước như thế nào, phải tận hiếu với gia đình ra sao hay kế thừa sự nghiệp của cha như thế nào. Ông chỉ yêu cầu con cái làm được:
Tử khứ nguyên tri vạn sự không,
Đãn bi bất kiến cửu châu đồng.
Vương sư bắc định trung nguyên nhật,
Gia tế vô vong cáo nãi ông.
Tạm dịch nghĩa: Chết đi rồi vạn sự đều là không, nhưng buồn không thấy chín châu hợp làm một. Ngày mà vua phương Bắc định được Trung Nguyên, đừng quên báo với cha khi cúng khấn.
Bạch Cư Dị
Thi nhân vĩ đại triều nhà Đường, Bạch Cư Dị bị giáng chức xuống làm Tư Mã Giang Châu vào năm 44 tuổi. Từ đó về sau, trên mặt ông đã mất hẳn vẻ vui buồn, trong tâm cũng không còn quan tâm thị phi, ông đã nhìn thấu những hiểm ác trên đường đời và cũng không còn hướng tới danh lợi nữa. Cũng từ kinh nghiệm cuộc đời của mình, ông đã làm một bài thơ nhắc nhở hậu nhân “Nhàn tọa khán thư di chư thiểu niên”.
Song gian hữu nhàn tẩu, tẫn nhật khán thư tọa.
Thư trung kiến vãng sự, lịch lịch tri phúc họa.
Đa thủ chung hậu vong, tật khu tất tiên trụy.
Khuyến quân thiểu kiền danh, danh vi cố thân tỏa.
Khuyến quân thiểu cầu lợi, lợi thị phần thân hỏa.
Tạm dịch nghĩa: Đọc trong sách có thể từ những sự việc đã qua mà biết được phúc họa. Nếu như lấy quá nhiều thì sẽ mất mát nhiều. Đừng cầu danh lợi, Bởi vì danh lợi như chiếc khóa khóa thân người lại. Cũng đừng quá truy cầu lợi ích bởi vì lợi ích là lửa thiêu cháy thân người.
Vương Dương Minh
Vương Dương Minh là triết gia nổi tiếng triều nhà Minh. Ông đã dùng hình thức “Tam tự kinh” để viết tác phẩm “Vương Dương Minh gia huấn” hay còn có tên là “Kỳ Hiến Nhi”. Toàn bộ bài văn tuy rằng chỉ có 96 chữ nhưng lại bao hàm toàn bộ nội dung và trí tuệ làm người, xử thế mà ông đã học hỏi, đúc kết được ra trong suốt cuộc đời mình để dạy bảo lại con cái.
Ấu nhân tào, thính giáo hối
Cần độc thư, yếu hiếu đễ
Học khiêm cung, tuần lễ nghi
Tiết ẩm thực, giới du hí
Vô thuyết hoang, vô tham lợi
Vô nhâm tình, vô đấu khí
Vô trách nhân, đãn tự trì.
Năng hạ nhân, thị hữu chí
Năng dung nhân, thị đại khí.
Phàm tố nhân, tại tâm địa
Tâm địa hảo, thị lương sĩ
Tâm địa ác, thị hung loại.
Tạm dịch nghĩa: Trẻ nhỏ phải lắng nghe những lời dạy bảo của người lớn, phải chăm chỉ đọc sách học hành, cần phải hiếu đễ. Học làm người khiêm tốn cung kính và phải tuân thủ lễ nghi, ăn uống phải tiết chế và điều độ, không nên ham chơi bời, không được nói dối và chớ tham lam lợi ích. Đừng phóng túng, đừng hung hăng tranh đấu, đừng đổ lỗi cho người khác mà hãy tự chủ. Người có thể hạ mình là người có chí, người có thể dung nạp người là người có năng lực. Làm người điều quan trọng là ở tâm địa, tâm địa tốt là người lương thiện, tâm địa xấu là người hung ác.
Lâm Tắc Từ
Lâm Tắc Từ là một vị quan nổi tiếng vào thời cuối nhà Thanh. Ông từng viết một đôi câu đối:
Tử tôn nhược như ngã, lưu tiễn tố thập yêu? Hiền nhi đa tài, tắc tổn kì chí
Tử tôn bất như ngã, lưu tiễn tố thập yêu? Ngu nhi đa tài, tắc tăng kì quá
Nghĩa là con cháu nếu bằng ta, lưu lại tiền cho chúng làm gì? Có tài đức mà nhiều tiền thì làm hao tổn chí. Con cháu nếu không bằng ta, lưu lại tiền cho chúng làm gì? Ngu muội mà lại nhiều tiền thì càng tăng thêm tội lỗi.
Ngoài ra Lâm Tắc Từ còn viết cách ngôn “Thập vô ích” (Mười điều vô ích). Ông đem những điều mà con người thường cho là có lợi và phấn đấu thực hiện trong suốt cuộc đời thành “Thập vô ích” như một quy tắc ứng xử cho thế hệ sau:
Tâm còn bất thiện, phong thuỷ vô ích
Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích
Anh em chẳng hòa, bè bạn vô ích
Việc làm bất chính, đọc sách vô ích
Làm trái lòng người, thông minh vô ích
Kiêu căng ngạo mạn, học rộng vô ích
Thời vận không thông, vọng cầu vô ích
Trộm cắp của người, bố thí vô ích
Chẳng giữ nguyên khí, uống thuốc vô ích
Dâm tà loạn phép, âm đức vô ích.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Minh Tâm
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Phương pháp dạy con của bậc hiền nhân xưa