Cách thức cự tuyệt quà biếu của thanh quan thời xưa
- An Hòa
- •
Những vị quan thanh liêm thời xưa khi được người khác biếu tặng quà thì luôn tìm cách để cự tuyệt, khước từ. Cách thức mà họ cự tuyệt quà biếu cũng có rất nhiều, một trong những cách phổ biến là làm thơ. Những câu thơ của họ vừa tinh tế, khéo léo, ngắn gọn lại vừa rõ ràng minh bạch, tràn ngập chính khí, đáng giá để hậu nhân học tập.
Trương Bá Hành thời nhà Thanh được xưng là “Thiên hạ đệ nhất thanh quan”. Ông chưa bao giờ nhận lễ vật của thuộc hạ dù chỉ một đồng. Ông rất được Hoàng đế Khang Hy khen ngợi, được thăng chức làm Tuần phủ Phúc Kiến. Sau khi nhậm chức, đối mặt với việc người mang lễ đến biếu tặng, ông hoặc là dùng lời lẽ ôn hòa từ chối, hoặc cự tuyệt không cho vào cửa. Mặc dù vậy, người muốn gặp ông không những không dứt mà còn nối nhau đến. Để ngăn chặn việc này, Trương Bá Hành đã viết một bài thơ “Cấm chỉ quỹ tống hịch”, dán ở bên ngoài cổng nha môn tuần phủ.
Nhất ti nhất liêu, ngã chi danh tiết
Nhất li nhất hào, dân chi cao chi
Khoan nhất phân, dân thụ tứ bất chỉ nhất phân
Thủ nhất văn, ngã vi nhân bất trị nhất văn
Thùy vân giao tế chi thường, liêm sỉ thật thương
Thảng phi bất nghĩa chi tài, thử vật hà lai?
Tạm dịch:
Một tơ một hạt, danh tiết của ta
Một xu một hào, thành quả của dân
Thu ít một xu, dân được lợi không chỉ một xu
Lấy thêm một xu thì ta không đáng một xu.
Ai nói đây là chuyện giao tiếp thông thường, liêm sỉ đã bị tổn thương
Nếu nói tiền của này chẳng phi nghĩa, thử hỏi nó đến từ đâu?
Những người có ý định biếu tặng quà khi nhìn thấy bài hịch cự tuyệt này thì đều lặng lẽ rời đi, không muốn tự làm mất mặt mình.
Vu Khiêm thời nhà Minh làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Ông làm quan thanh liêm chính trực. Dù cả đời làm quan lớn nhưng gia sản trong nhà không có gì đáng giá, cũng không có dư thừa. Nhìn thấy rất nhiều quan viên thừa cơ tuần tra để cướp đoạt tiền tài của dân chúng, trở về cung lại biếu tặng cho cấp trên, Vu Khiêm đã viết bài thơ “Nhập kinh thi” để khuyên can mọi người:
Quyên mạt ma như dữ tuyến hương
Bổn tư dân dụng phản vi ương
Thanh phong lưỡng tụ triêu thiên khứ
Miễn đắc lư diêm thoại đoản trường
Tạm dịch nghĩa:
Khăn lụa, nấm ăn và chỉ để khâu vá
Vốn dành cho nhân dân hưởng dụng nhưng vì tham quan vô lại mà mang tai họa đến cho dân
Bởi vậy không nên lấy thử gì, chỉ mang thanh liêm lên triều gặp Thiên tử,
Tránh được sự bất mãn của dân chúng.
Triều nhà Minh, Huống Chung dù làm quan đến hơn 30 năm nhưng điền sản trong nhà không tăng thêm mảnh nào. Vào năm Tuyên Đức thứ 5, ông từng làm tri phủ Tô Châu. Sau khi ông nhậm chức ở đây đã nghiêm trị tham quan ô lại, sửa lại án xử sai và tù oan, khởi công xây dựng trường học, chăm lo cho đời sống của nhân dân nên được dân chúng Tô Châu phong là “Huống thanh thiên”. Năm Chính Thống thứ năm, ông đến kinh thành để đánh giá thành tích và đã viết một bài thơ:
Kiểm điểm hành nang nhất đam khinh
Kinh hoa vọng khứ kỉ đa khinh
Đình tiên tĩnh ức vi quan nhật
Sự sự kham trì thiên nhật minh.
Tạm dịch:
Kiểm tra một gánh hành lý nhẹ
Trong tâm không mang gánh nặng gì
Trên đường hồi tưởng lại thời gian
Việc gì cũng không thấy hổ thẹn
Tác giả làm quan phụ mẫu ở địa phương, khi rời đi chỉ mang theo một gánh hành lý giản dị nhẹ nhàng, trong tư tưởng cũng không có gánh nặng hay lo sợ gì. Trên con đường đi, khi suy ngẫm lại quãng đời làm quan của mình, ông không cảm thấy hổ thẹn với Trời đất và lương tâm. Những câu thơ thể hiện ra chính khí hiên ngang lẫm liệt, đọc qua khiến người ta khó quên.
Vào năm Vĩnh Lạc triều Minh, Ngô Nột nhậm chức Giám sát ngự sử. Ông là người có nhân phẩm cương trực, công chính, giữ mình liêm khiết, danh tiếng rất tốt. Một lần, ông đến Quý Châu tuần tra, lúc trở về kinh, quan đứng đầu địa phương đã biếu ông một trăm lượng vàng. Ngô Nột cự tuyệt với thái độ rất tức giận. Ngay ở chỗ đó, ông đã làm bài thơ:
Tiêu tiêu hành lí hướng đông hoàn
Yếu quá tiền đồ tối hiểm than
Nhược hữu tang tư tịnh thổ vật
Nhâm giáo trầm tại bích ba gian
Tạm dịch:
Mang theo hành lý về phía đông
Muốn qua được chỗ nguy hiểm nhất
Nếu như nhận những vàng bạc này
Nó sẽ khiến ta chìm dưới lòng sông
Lời thơ là lời tác giả tự cảnh tỉnh, tự hạn chế bản thân, cũng là lời khuyên răn đối với người đưa hối lộ, hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ nhất định Thiên lý không dung thứ.
Vào triều Minh còn có một vị quan chủ khảo tên là Lý Thái. Khi ông làm quan chủ khảo một cuộc thi ở Phúc Kiến thì vào đêm một người đã mang 50 lượng vàng đến biếu ông để được có tên trên bảng vàng. Lý Thái vô cùng tức giận, làm ngay bài thơ cự tuyệt:
Nghĩa lợi nguyên đầu thức pha chân
Hoàng kim nan hoán hủ nho bần
Mạc ngôn mộ dạ vô tri giả
Phạ tắc kiền khôn hữu quỷ thần.
Ý tác giả muốn nói rằng, làm quan chủ khảo cho dù nghèo túng cũng không thể đánh mất đi chính khí, tuy rằng làm điều mờ ám nơi không có ai nhưng mắt Thần như điện, người và Thần đều biết cả, nhất định sẽ gặp báo ứng.
Những vị quan lại chính trực thời xưa làm thơ từ chối quà biếu, không phải để thể hiện mình mà là một lòng một dạ muốn loại trừ lòng tham, dè chừng hối lộ.
Thời nhà Đường, thi nhân Đỗ Phủ khi làm quan ở Thành đô, một lần Trương thái tử xá nhân đích thân tặng ông một tấm đệm gấm quý giá. Đỗ Phủ đã cự tuyệt không nhân. Người này thấy Đỗ Phủ có thái độ bất động tâm như vậy, liền nói: “Ngủ trên tấm đệm gấm này chắc chắn sẽ thần thanh khí sảng, kéo dài tuổi thọ…”
Đỗ Phủ thấy đối phương vẫn chưa thu hồi lại tấm đệm gấm, liền ngâm tiếp bài thơ:
Lĩnh khách tôn trọng ý
Cố ngã phi công khanh,
Lưu chi câu bất tường
Thi chi hỗn sài kinh.
Ý nói Đỗ Phủ từ đầu đến cuối buổi tiếp khách đã nói rất rõ đạo lý không thể nhận quà được. Ông nói, tấm lòng thành của khách rất đáng trân trọng, nhưng ông xấu hổ vì không phải là tam công cửu khanh, giữ lại mà không dùng sẽ rước họa, hơn nữa nhà cửa, công việc cày cấy và cuộc sống bần hàn của ông không phù hợp để sử dụng tấm đệm này.
Người này không thể thuyết phục được Đỗ Phủ nên đành phải thu lại tấm đệm mà rời đi.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Hối lộ thanh liêm liêm sỉ quan thanh liêm