Cái chết của trung sĩ Jules Bobillot ở Tuyên Quang
- Võ Quang Yến
- •
Cái chết của trung sĩ Jules Bobillot ở Tuyên Quang
Một trang sử cuộc Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ
Võ Quang Yến
Vào cuối thế kỷ XIX, dưới thời đệ tam Cộng hòa, Pháp thi đua với Anh trên đường tranh thủ địa vị một đế quốc thuộc địa lớn nhất hoàn cầu. Trong sách báo thời ấy, lợi ích thuộc địa được đề cao, về mặt kinh tế cũng như bên phía kỹ nghệ. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo cho một nước được xem như là cao thượng như nước Pháp không thể chỉ nghĩ đến chiếm đất, làm giàu. Họ trình bày những công trình dẹp loạn, bình định, xây đường, cất cầu, mở trường học, giáo dục dân bản xứ,…. ở Tunisie bên châu Phi cũng như ở Đông Dương phía Viễn Đông. Trong các trường học cũng như trước dân chúng, họ cần cống hiến cho thanh thiếu niên một kiểu mẫu tinh thần ái quốc mà họ đã cố gắng tìm kiếm trong cuộc chiến tranh thuộc điạ: trường hợp trung sĩ công binh Jules Bobillot hi sinh trong vụ Tuyên Quang bị vây hãm ngẫu nhiên được chọn đưa ra vinh danh.
Ông được tạc thành tượng hồi ấy dựng ở tòa đốc lý Paris hay trong các công viên, được sắp trong các sách giáo khoa cạnh các anh hùng danh tiếng như Jeanne d’Arc, Bara, có mặt trên các bảng đường nhiều thành phố, trong nhiều bưu ảnh, bìa vở. Một cuốn sách của tác giả Emile Lavisse, xuất bản năm 1889, tựa đề Tu seras soldat (Mầy sẽ là bính sĩ) viết cho thanh niên kể những chuyện yêu nước, dành cho ông đến năm trang. Trên một bìa vở, học sinh đọc những giải thích: “Đã ba tháng bị vây hãm, một nhóm người được một sự tận tâm, một lòng can đảm vô hạn khích lệ, đã đương đầu chống cả một đội quân. Ngày 18 tháng 2 năm 1885, lúc sáu giờ sáng, khi trung sĩ Bobillot lại khảo sát một lỗ hổng do ca-nông quân địch phá vỡ đêm qua, một trái phá tung nổ, trúng vào cột sống của ông. Ông té xuống đất…. Vết thương mới xem có vẻ không nặng. Khi thiếu tá Dominé lại xe cứu thương khuyến khích, hỏi ông muốn được thăng bậc hay thưởng huân chương, ông trả lời ngay huân chương, đặt danh dự lên trên hết nhưng ngực ông không bao giờ được hân hạnh đeo huân chương.” Được chở về Hà Nội, ông mất ngày 19 tháng 3 năm ấy.
Thật ra, Bobillot đã mất cũng như 33 bạn đồng đội đã chết ở Tuyên Quang trong số hàng ngàn quân sĩ đã bỏ mạng trên chiến trường chinh phục Bắc Kỳ, lại không phải chết trong lúc giao chiến mà là bị trúng đạn trong một cuộc tuần hành như nhà sử học Alain Ruscio đã lưu ý!
Thời thế tạo anh hùng! Mọi người đều ngạc nhiên thấy trường hợp Bobillot bất thường được đề cao như vậy. Cho đến cuối đệ nhị thế chiến, năm 1945, ngay trong một cuốn sách tập đọc do những cơ quan của nước Pháp tự do ấn hành, ngang chữ “s”, người ta còn đọc “trung sĩ (sergent) Bobillot đã nổi tiếng ở cuộc vây hãm Tuyên Quang”. Đây không phải là một tình cờ mà là một cố ý và Bobillot “tốt số” đã chết đúng vào lúc ấy.
Sau những thông báo chiến thắng chiếm Hải Dương, Sơn Tây (1883), Bắc Ninh, Bắc Lệ (1884), Tuyên Quang, Lạng Sơn (1885), thình lình có tin quân Cờ Đen phản công, ngày 28 tháng 2 năm 1885 xung kích Đồng Đăng, suýt giết tướng Négrier bị thương nặng. Thiếu tướng Herbinger thay thế cầm quân, hốt hoảng cho rút quân khỏi Lạng Sơn. Tin giật gân nầy gây ra ở Paris một cuộc luận chiến vô cùng căng thẳng, đặc biệt ở Quốc hội, thủ tướng Jules Ferry bị thóa mạ, chửi bới và phải từ chức ngày 30 tháng 3. Ngoài đường, dân chúng hô khẩu hiệu: “Đả đảo Ferry-Tonkin, đả đảo Người Bắc Kỳ” (biệt danh dân gian đặt cho Jules Ferry, người nhất định đánh chiếm Bắc Kỳ cho kỳ được) (*).
Lòng tin tưởng vào vị thủ tướng đã đặt mọi tâm trí vào việc bành trướng chủ nghĩa thuộc địa đang bị nao núng, những nhà lãnh đạo sợ những cố gắng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa nầy rồi cũng bị lung lay, hết còn được phát huy, nên phải kiếm cách giải quyết ngay. Từ đấy cần ra đời gấp rút một vị anh hùng dân tộc có khả năng tập hợp quần chúng quanh những phẩm giá bất diệt của tổ quốc Pháp, chẳng hạn nghị lực chiến đấu, trong trường hợp nầy là lòng dũng cảm chống quân thù, chống quân da vàng mọi rợ đang ngăn cản sự bành trướng đế quốc thuộc địa.
Sinh ngày 19 tháng 9 năm 1860, lúc trẻ ông học giỏi tại trường trung học Charlemagne ở Paris, có viết nhiều bản kịch hát, làm nhà báo dưới biệt hiệu Jules Pernay, cho xuất bản vài cuốn truyện (chẳng hạn Une de ces dames, Một trong những bà ấy). Jules Bobillot sau nầy còn ký nhiều tranh vẽ người và cảnh ở Tuyên Quang. Năm 20 tuổi ông tòng quân vào đệ tứ trung đoàn công binh trên đường qua Bắc Kỳ, năm 25 tuổi xuân xanh bị thương và chết trong cuộc chinh phục thuộc địa. Trẻ tuổi, với một cái tên hoàn toàn Pháp, ông đáp ứng những yêu cầu đúng mức trong lúc cần thiết để trở thành một vị anh hùng dân tộc mà mọi thanh niên hi vọng sẽ hãnh diện noi gương. Tuy nhiên ông không phải là người độc nhất chết vì nghĩa và cũng không phải là người đã lập được một chiến công đáng cho là hùng vĩ trên trận địa.
Tháng 4 năm 1884, sau khi quân Pháp chiếm đóng Hưng Hóa, nhân quân Tàu và Cờ Đen rút lên mạn ngược sông Lô, đại tá Duchesne đánh chiếm dễ dàng Tuyên Quang ở hữu ngạn sông Lô, đặt ở đấy một quân đội đồn trú với một tiểu đoàn trưởng. Nhưng qua tháng 10, địch quân tấn công dữ dội, đại tá Duchesne phải trở lại thành đồn tổ chức chống cự và giao quyền chỉ huy cho thiếu tá Dominé. Quân Tàu và Cờ Đen tiếp tục đánh phá ngày càng mạnh nên hôm 24 tháng 11, theo điều lệ, đồn được tuyên bố là bị vây hãm, đồn Pháp gần nhất cách 80km, địch quân đóng không xa hơn 10km.
Vào lúc ấy, quân đội đồn trú gồm có 598 quân nhân: hai đại đội 390 quân nhân, 8 sĩ quan; một phân đội pháo binh hải quân 31 quân nhân, 1 sĩ quan; một đại đội quân bản xứ 162 quân nhân, 2 sĩ quan; một biệt đội công binh 7 người: 1 trung sĩ, Bobillot; 3 người khán hộ và 3 nhân viên thư ký.
Một trong những công việc đầu tiên của Bobillot là cùng đội công binh, với 40 cái xẻng, 27 cái cuốc, 4 cái rìu, trong 4 ngày xây một tiền đồn cho 20 quân nhân, cách đồn 300m. Sau đó, đội phải đào khắp đồn những hào lũy để bảo vệ quân nhân chống đạn dược của địch quân, đào những hố sâu để cất giấu thuốc súng, đồ ăn.
Cuối tháng 12, đồn phái một đại đội đi dò thám, chống lại 1500 quân Tàu bao vây, giết được 150 địch quân! Một tù binh cho biết trong vùng tập trung 3200 quân Cờ Đen và 1200 quân chính quy tỉnh Quảng Tây ở Phủ Yên Bình, Phủ Doản, khoảng 1000 quân Cờ Đen và 5000 quân chính quy ở Yên Báy.
Đầu năm 1885, quân Cờ Đen và quân Tàu nhiều lần đốt làng Tuyên Quang cạnh đồn, tấn công hầm trú, đào đuờng hầm vào đồn, may nhờ hỏa lực tâp trung của những quân thiện chiến trong đồn và nhất là từ chiếc pháo hạm Mitrailleuse thả neo giữa sông Lô bảo vệ.
Ngày 30 tháng 1, sau một đêm bị oanh tạc, Bobillot được cử ra tiền đồn xem xét, nhận định hầm sẽ không chống cự nổi bèn đề nghị rút quân vào đồn. Bắt đầu từ tháng hai quân Cờ Đen mạnh dạn đào đường hầm vào gần đồn để tấn công mạnh ngày đêm. Công việc của đội Bobillot là ngăn chận địch quân bằng cách phá các đường hầm nầy hoặc cho ngập nước. Đội Bobillot còn phải phá hủy những phiến gỗ khi địch quân cho dựa vào thành đồn để trèo lên. Có lúc đội phải sửa chữa mái đồn bị đạn súng nòng to bắn hư. Công việc tuy lặt vặt, đội công binh phải giải quyết hằng ngày.
Ngày 18 tháng 2, trung sĩ Bobillot bị trúng đạn trong một cuộc đi tuần trước một lỗ hỗng trên thành đồn. Những ngày cuối tháng 2, cuộc tấn công của quân Cờ Đen càng mạnh thêm. Đồn can đảm cố gắng bảo vệ với những phương tiện tối thiểu.
Ngày 24 tháng 2, thủ lĩnh quân Cờ Đen, Lưu Vĩnh Phúc, ra lệnh bắt đồn đầu hàng đúng vào lúc đồn nhận được tin sẽ có quân cứu viện của tướng Brière de Lisle. Vậy là đồn lại ra sức kiên nhẫn chống cự. Chính trong thời gian nầy mà bác sĩ Hocquard được biệt phái qua Đông Dương hai năm, đã theo một đoàn đi tiếp tế đạn dược và thức ăn cho đồn.
Mãi đến ngày mồng 3 tháng 3, đồn Tuyên Quang mới được lữ đoàn của đại tá Giovanninelli giải phóng. Lữ đoàn nầy rời Lạng Sơn từ ngày 16 tháng 2 và phải đương đầu với quân Tàu ở Hoa Mục trước khi đạt đến Tuyên Quang. Trong trận đánh nầy, họ mất 70 người trong ấy có 6 sĩ quan, bị thương 366 người trong ấy có 21 sĩ quan.
Khi quân Cờ Đen đã rút lui, quân Pháp phát hiện quanh đồn Tuyên Quang một bãi chiến trường ngang dọc đường hầm phỏng chừng 8km. Trong đồn chỉ còn lại 420 quân nhân. Trong số 33 người chết có 2 sĩ quan, trong số 76 người bị thương có 4 sĩ quan. Số người chết và bị thương khá lớn nầy nói lên tổ chức hoàn hảo, năng lực chiến đấu của quân Tàu và Cờ Đen. Những công trình chôn kín trong đất, những đường hào sát mặt đất đã hiến cho họ những chỗ chống đỡ súng đạn của pháo binh quân Pháp. Đầy đủ đạn dược, họ có thể chống cự dễ dàng và lâu dài những tấn công của địch quân. Cũng cần nói thêm vào đấy, họ thật là can đảm và luôn tỏ ra bình tĩnh trong thời gian chiến đấu. Đánh hơn được một số địch quân đông hơn gấp bội, lữ đoàn của đại tá Giovanninelli đã thực hiện một chiến công lỗi lạc.
Trong quân đội viễn chinh hồi đó, đại tá Giovanninelli được xem như là anh hùng trận Hoa Mục. Thiếu tá Dominé thành công chống giữ thành Tuyên Quang cũng là một kỳ công. Nhưng ở Pháp, người được ghi tên vinh danh trên bảng vàng, lưu danh lâu đời lại là trung sĩ Bobillot! Năm 1888, một bức tượng toàn người của ông, do nhà chạm trổ Auguste Paris thực hiện, được dựng ở góc hai đại lộ Voltaire và Richard Lenoir, Paris quận 11, nhưng tượng bị quân Đức đem đun chảy những năm 1940. Năm 1893, một con đường mang tên ông được khánh thành ở Paris quận 13. Ngày nay, đứng nhìn bức tượng nửa người của ông dựng ở quảng trường Verlaine, cạnh công viên Henri Rousselle, chính giữa con đường mang tên ông, với lời ghi giản dị đằng trước: Hiến tặng Trung sĩ Bobillot, người bảo vệ Tuyên Quang và đằng sau: 1860-1885 và những bạn đồng đội mất ở Viễn Đông, mấy ai còn biết công trạng của ông.
May còn có bài thơ của Raymond Queneau (1967) nhắc nhở đến tên Bobillot:
Trước thềm Bataclan có tượng trung sĩ Bobillot, nhiều người tưởng là vị sáng chế đôi giày quân đội. Không, ông là một nhà văn hi sinh ở Bắc Kỳ, tác giả cuốn truyện Một trong các bà ấy. Và người ta vẫn tiếp tục giết nhau ở Việt Nam.
Quanh Bobillot còn có biết bao chiến sĩ vô danh khác đã âm thầm chết đi. Cũng như đã thấy trong cuốn Điện Biên Phủ, vu d’en face (Điện Biên Phủ, nhìn từ bên kia (***), biết bao liệt sĩ đã bỏ mình mà tên tuổi chưa biết bao giờ mới được ghi vào sách sử và không mấy ai được vinh danh anh hùng.
Võ Quang Yến
Thành Xô mùa xuân 2019
Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (DienDan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France
Ghi chú:
(*) Võ Quang Yến, Julé Ferry trong bước đầu cuộc chinh phục Bắc Kỳ, Huế Xưa và Nay 99 5-6.2010
(**) Tranh trưng bày ở Cuộc triển lãm Indochine des Territoires et des Hommes 1856-1958 tại Viện Bảo tàng Quân đội Invalides Paris 16.10.2013- 25.01.2014
(***) Marie-Mélodie Delgado et Đào Thanh Huyền, Điện Biên Phủ vu d’en face, Nouveau Monde Editions, Paris 20
Tham khảo:
– Journal du siège de Tuyen Quang, 24 novembre 1884 – 3 mars 1885, Histoire de l’Indochine, La conquête 1624-1885 (Philippe Héduy), SPL Henri Veyrier, Paris 1983, 134-5 (những hình vẽ trong bài trích từ sách nầy).
– Edouard Petit, 1885, Le Sergent Bobillot, Le Tong-Kin, Gallica 1887
– Amin, Siège de Tuyên Quang, Historio Legio More Mjorum, 21.11.2009
– Janine Gillon, Le vietnam, hier et aujourd’hui. Lieux de mémoire à travers Paris, La gloire de Jules Bobillot, CID Vietnam 20.01.20107
– Alain Ruscio, La fabrique des Héros: le cas du sergent Bobillot, trang 28-9 (những tranh vẽ của Bobillot trích từ bài nầy); Philippe Dumont, Le bobine à Bobillot, trang 3, Carnets du Vietnam avril 2010
Từ khóa Người Pháp chiến tranh Pháp Việt