Nhân sinh cảm ngộ: Lựa chọn thiện ác quyết định vận mệnh tương lai
- An Hòa
- •
Cổ ngữ nói: “Người đang làm, Trời đang nhìn”. Bất kể sự tình gì xảy ra trong cuộc sống đều không phải là vô duyên vô cớ. Mọi điều mà một người tiếp xúc, biết được, nghe thấy được, đều có liên quan đến bản thân người ấy. Hết thảy đều là đang khảo nghiệm và xung động đến lòng trắc ẩn, sự thiện lương, lựa chọn thiện ác của mỗi con người, đo lường cái tâm của chúng ta. Dùng thiện niệm hay ác niệm đối mặt với một sự tình, sự sai khác ở một niệm ấy sẽ dẫn đến phúc báo hay ác báo mà một người nhận được. Điều này trong nền văn hóa phương Đông hay phương Tây đều có sự tương đồng về mặt nhận thức.
Phương Tây có câu ngạn ngữ rằng: “Không có một hạt mưa nào nhận rằng mình tạo thành nạn lụt cả!” Con người cũng giống như vậy, khi một dây xích những việc ác đủ dài, dài đến mức người ta không nhìn thấy được toàn bộ, thì mỗi người là một mắt xích trong đó đều sẽ cho rằng mình vô tội.
Trong lịch sử phương Tây có ghi chép về việc đế quốc La Mã đàn áp tín đồ Cơ Đốc. Năm 64 sau CN, Nero đốt thành La Mã và đổ tội cho tín đồ Cơ Đốc, đây là lần đàn áp tín đồ Cơ Đốc đầu tiên trong lịch sử đế quốc La Mã. Sau Nero, còn có nhiều hoàng đế khác đàn áp tín đồ Cơ Đốc, từ năm 64 sau CN đến đầu thế kỷ thứ 4, tổng cộng đã xảy ra hơn mười lần đàn áp như thế.
Hình phạt khủng khiếp dành cho các tín đồ có thể kể đến như: đóng đinh vào giá chữ thập, khoác da thú để ác thú cắn chết, đóng đinh họ vào cột làm đuốc dần dần thiêu chết… Các tín đồ Cơ Đốc hoặc là lựa chọn “hối lỗi” từ bỏ đức tin, hoặc lựa chọn cái chết. Rất nhiều tín đồ không từ bỏ đức tin bị giết.
Nhưng cũng trong quá trình bức hại tín đồ Cơ Đốc, đế quốc La Mã bắt đầu liên tiếp phải chịu hậu quả từ thiên tai và dịch bệnh, tình hình kinh tế không ngừng xấu đi, đi đến bước đường suy vong. Lịch sử đế quốc La Mã bức hại tín đồ Cơ Đốc đã song hành cùng các đại dịch Antonine (165 SCN) và Cyprian (249 SCN). Rất nhiều người phương Tây trong quá khứ đều tin rằng dịch bệnh chính là quả báo dành cho đế quốc La Mã.
Có người hỏi, vậy vì sao tội ác là do những kẻ cầm đầu và binh lính làm ra, mà cả những người dân thường cũng phải chịu cảnh báo ứng? Khi những tín đồ Cơ Đốc bị đem ra làm thú vui trong đấu trường, thì ai là những người cổ vũ và hứng khởi trên ghế khán giả? Khi những tín đồ Cơ Đốc bị lùng bắt và bị giết vô đạo, thì có ai dám đứng ra nói lời ngay chính thay cho họ? Thờ ơ trước cái ác và bán đứng lương tri liệu có phải là một điều không kém phần tàn ác?
Những tín đồ Cơ Đốc đã bất chấp hiểm nguy, tiếp tục truyền dạy giáo lý Cơ Đốc trong sự đàn áp, làm dấu Thánh cứu người trong đại dịch, kêu gọi người dân La Mã thức tỉnh. Họ để lại rất nhiều câu chuyện đẹp, nhưng hầu hết trong số họ đều là các vị Thánh “tử vì đạo”, bị bức hại đến chết. Trong quá trình đó, biết bao nhiêu người dân La Mã có thể đứng ở phía chính diện đây?
Kỳ thực, thờ ơ cũng là một loại tội ác không nhỏ. Trong “Thần Khúc” của Dante, một kiệt tác nổi tiếng thế giới miêu tả đức tin Cơ Đốc, thì thảm thương nhất không phải là những kẻ bị nhốt vào địa ngục, mà là những kẻ bị cả Thiên đường và Địa ngục chối từ, trở thành những linh hồn không hy vọng, không lối thoát. Đó chính là những Thiên Thần từng cư ngụ tại Thiên đàng, nhưng thờ ơ trước trận chiến giữa Lucifer và Michael, trận chiến mà họ đáng nhẽ phải đưa ra lựa chọn – về với quỷ Satan hay về với Chúa. Bởi vì những Thiên Thần ấy không lựa chọn, họ bị phán là những kẻ sống mà chỉ biết nghĩ tới mình, không dám lên tiếng trước tội ác xảy ra, không dám lựa chọn thiện hay ác.
Ở phương Đông, bàn về lựa chọn thiện ác có thể kể tới vở ca kịch nổi tiếng “Đậu Nga oan” của Quan Hán Khanh đời Nguyên. Khi Đậu Nga hàm oan bị giải đến pháp trường, trước lúc hành hình, tên tham quan hỏi Đậu Nga còn có lời nào muốn nói nữa không?
Đậu Nga trả lời rằng: “Xin hãy ban cho tôi một mảnh lụa trắng dài ba thước treo lên một cây sào cao. Nếu như tôi bị oan, máu nóng sẽ bắn lên trên dải lụa trắng kia. Nếu như tôi bị oan, đầu rơi xuống đất, trời sẽ có tuyết rơi lả tả. Nếu như tôi bị oan, sau khi tôi chết trời sẽ hạn hán trong suốt 3 năm liền”.
Tên tham quan bĩu môi và lắc đầu nói: “Thật là ngu muội! Hoang đường!”. Thế là tên tham quan đắc ý lệnh cho người ta lấy một dải lụa trắng dài ba thước treo lên cây sào cao.
Đao phủ hạ đao, máu nóng của Đậu Nga giống như kỳ tích đã bắn lên dải lụa trắng treo ở giữa không trung. Khi đầu của Đậu Nga bị chặt đứt, quả nhiên gió lớn nổi lên, tuyết bay khắp trời.
Mới giây phút trước, mọi người còn lưng đẫm mồ hôi, vậy mà giờ đây chỉ trong nháy mắt, người nào người nấy lạnh hết xương sống, sợ hãi chạy về nhà.
Sau khi Đậu Nga chết, quả thật là trời đã hạn hán 3 năm, không trồng trọt thu hoạch được gì. Dân chúng địa phương khốn khổ, ai ai cũng đều biết rằng ông trời bất bình vì nỗi oan của Đậu Nga.
Mấy năm sau, cha của Đậu Nga thi đậu bảng vàng, trở thành quan lớn. Khi trở về quê nhà, ông đã rửa sạch nỗi oan khuất cho con gái.
Bà con trong làng kéo đến nói: “Ngay từ đầu chúng tôi đã biết Đậu Nga bị oan, tiếc rằng chúng tôi đều sợ quyền thế của tên tham quan đó nên chỉ dám hận chứ không dám nói gì. Nhưng chúng tôi cũng không hề hãm hại Đậu Nga, cớ sao lại phải chịu nạn trong suốt 3 năm?”
Cha của Đậu Nga đáp: “Mọi người đã biết rõ Đậu Nga bị oan, vậy mà lại không dám nói một lời công đạo, đó gọi là bất nghĩa. Còn có những người theo lời tham quan, vu tội người lương thiện, đó gọi là bất nhân. Trời cao có mắt, trên đời này không có tai bay vạ gió, thiên tai nhân họa chính là để trừng trị những kẻ bất nhân bất nghĩa!”
Có rất nhiều người nói rằng bản thân cảm thấy mình bình thường sống cũng tốt, không làm hại ai, thi thoảng cũng làm được việc tốt. Họ cho rằng đây là lương thiện rồi. Nhưng kỳ thực không phải. Con người ta thấy việc thiện nhỏ mà không làm thì đó là làm việc ác rồi. Thấy việc ác mà không tỏ thái độ đúng đắn, thì đó là việc đại ác rồi.
Có rất nhiều chuyện trong cuộc sống, đối diện với việc ác rất lớn, con người thường có cảm giác bó tay, nghĩ rằng tôi nhỏ bé thế này thì giúp được gì đâu? Từ đó mà buông lơi. Kỳ thực một niệm phản đối cái ác, một hành động nhỏ tưởng chừng vô ích, đôi khi là rất quan trọng. Ấy là một niệm lựa chọn thiện ác, phân biệt giữa làm người và không phải làm người.
Làm người là có tiêu chuẩn, chính là tuân theo những giá trị phổ quát được lưu truyền trong nền văn hóa nhân loại, lưu truyền trong tất cả các chính giáo xa xưa. Ấy là sự chân thật, thiện lương, là bao dung với vạn vật, cũng là bảo trì chính nghĩa, bảo tồn lương tri, không chấp nhận đồng lõa với cái ác. Con người sống nơi thế gian thì cần phải sống thiện lương, làm nhiều việc thiện, phân rõ đúng sai, giữ vững chính nghĩa, chống lại tà ác.
Một mực muốn phúc lành mà không nguyện ý duy hộ đạo lý của con người, làm sao xứng nhận được bảo hộ đây? Thần linh sao có thể giúp người ấy được? Vậy nên, đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng do dự, cũng đừng thờ ơ. Hãy luôn nhớ rằng trong mọi việc, giúp người khác kỳ thực cũng là giúp chính mình.
Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- La Croix: Diệt chủng ở Trung Quốc là tội ác chưa từng có
- Tượng Phật Lư Xá Na ở hang Long Môn và huyền cơ thời mạt thế
- Cái chết nơi thiên đường và dự ngôn về Chúa Cứu Thế
- Ngày tận thế và sự kiện Đại Thẩm Phán trong hội họa phương Tây
- Niềm tin về nguyên nhân của đại dịch qua bức “Đại dịch ở Rome”
Mời xem video: “Chuyến xe bus 44”: Khi đạo nghĩa không còn, nhân loại sẽ về đâu?
Từ khóa Thiện ác có báo nhân sinh cảm ngộ thờ ơ trước cái ác