Cảnh giới không màng danh lợi của người xưa
- An Hòa
- •
Khoáng đạt, đạm bạc, thượng đạo, thanh cao là những từ ngữ miêu tả về tính cách và cuộc sống của các ẩn sĩ thời cổ đại. Ẩn sĩ là người trí thức sống ẩn cư theo đuổi cảnh giới tinh thần mà không màng danh lợi, họ là một bộ phận trọng yếu tạo nên nền văn hóa truyền thống.
Thời cổ đại có rất nhiều ẩn sĩ đều sống ẩn cư nơi quê nhà, hoặc đi khắp nơi giảng dạy kinh sử, giáo hóa đạo đức, nhân luân lý lẽ cho dân chúng. Họ không cầu danh, không cầu lợi, phẩm tiết bất khuất, trước các dẫn dụ về danh lợi cũng không thay đổi tâm chí của mình. Điều họ theo đuổi là nhân phẩm và cảnh giới tinh thần cao thượng.
Họ thản nhiên với bần phú quý tiện, với vinh nhục. Họ cũng là những người hiểu thông thấu các vấn đề trong xã hội, tu thân, tề gia, giáo hóa dân chúng. Chỗ ở của họ vô cùng đơn sơ nhưng phẩm đức lại vô cùng cao quý. Bởi vậy, họ thường được người đời coi là hình mẫu về đạo đức, được triều đình tôn là điển phạm.
Trong lịch sử, những ẩn sĩ như vậy có rất nhiều, Trương Lương thời nhà Hán là một ví dụ điển hình. Trương Lương là một trong ba nhân tài kiệt xuất thời sơ Hán (hai người còn lại là Tiêu Hà và Hàn Tín), phụ tá Lưu Bang định thiên hạ, lập nên triều Hán, được Tư Mã Thiên miêu tả là “Mưu tính trong màn trướng mà có thể quyết định chiến thắng ở ngoài nghìn dặm”.
Triều Hán được thành lập, Trương Lương có công rất lớn. Nhưng khi Lưu Bang chuẩn bị luận công để ban thưởng, Trương Lương lại chọn buông bỏ hết thảy điều thế tục, quy ẩn tu đạo, sống một cuộc sống đạm bạc. Hậu nhân ca ngợi ông là tướng quốc thần tiên, công thành thân thoái, không màng danh lợi.
Thời Tam Quốc, trước khi được Lưu Bị ba lần đến mời ra làm quan, Gia Cát Lượng sống ẩn cư trong lều cỏ ở Nam Dương, tĩnh lặng quan sát thế sự. Sau khi phụ tá Lưu Bị thành lập nên nước Thục cũng không kể công, không kiêu ngạo mà cả đời sống đạm bạc cần kiệm, không bị danh lợi nơi thế tục chi phối.
Gia Cát Lượng cho đến chết cũng cần kiệm. Theo di ngôn của Gia Cát Lượng, thi thể ông được mai táng ở Định Quân sơn, huyện Hán Trung. Trong phần mộ của ông chỉ có cỗ quan tài, quần áo ông mặc thường ngày, ngoài ra không còn vật phẩm nào khác. Khi còn sống, Gia Cát Lượng đã gửi một bức thư răn dạy con rằng phải lấy tĩnh tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức, sống đạm bạc để chí hướng được minh sáng. Bức thư này của ông chính là “Giới Tử thư” nổi tiếng được lưu truyền ngàn đời nay. (Xem bài: Hơn 80 chữ cô đọng triết lý giáo dục con của Gia Cát Lượng)
Thời Đông Hán, Nghiêm Quang là bạn học thân thiết của Lưu Tú. Lúc Lưu Tú khởi binh lật đổ Vương Mãng, Nghiêm Quang đã ra sức ủng hộ. Sau này, khi Lưu Tú đăng cơ làm Hán Quang Võ Đế, Nghiêm Quang biết thế nào Lưu Tú cũng tìm mình để mời ra làm quan nên đã thay tên đổi họ đi ẩn cư lánh mình ở núi Phú Dương Xuân.
Hán Quang Võ Đế nhớ bạn hiền có đức có tài nên đã cho người vẽ hình Nghiêm Quang truyền người tìm khắp nơi. Về sau, có người báo cho triều đình một người buông câu có phong thái giống như Nghiêm Quang. Hoàng đế mừng rỡ cho đem lễ vật đến mời ông về triều làm quan nhưng Nghiêm Quang từ chối. Hoàng đế vẫn kiên trì cho sứ đi mời lần thứ ba, cuối cùng Nghiêm Quang không còn cách nào đã lên kiệu theo sứ về kinh đô Lạc Dương.
Hán Quang Võ Đế nghe tin liền đến thăm bạn hỏi rằng sao không thể giúp ta cai trị đất nước. Nghiêm Quang đáp rằng: “Xưa kia Đường Nghiêu nhường thiên hạ cho Sào Phủ, Sào Phủ nghe qua liền đi rửa tai, có ý không muốn nghe những lời mà ông cho là dơ bẩn. Kẻ sĩ chúng tôi mỗi người đều có chí hướng của riêng mình, hà tất lại bắt tôi theo ý ngài?”. Hán Quang Võ Đế nghe xong biết ý Nghiêm Quang đã quyết nên tiếp bạn ân cần và cho tiễn bạn về lại núi Phú Dương Xuân. Nghiêm Quang cả đời sống đạm bạc nơi núi Phú Dương Xuân tu đạo, giáo hóa dân chúng.
Triều nhà Tấn, Đào Uyên Minh là người tài đức nhưng bởi vì không muốn chứng kiến sự hủ bại của quan lại thời ấy mà cự tuyệt làm quan, không màng danh lợi, chọn cách sống đạm bạc, về quê ở ẩn. Đào Uyên Minh được người đời tôn là “Ẩn dật thi tông”. Ông không nịnh nọt a dua, không thuận theo hủ bại, không dựa vào quan hệ bất chính để cầu phú quý, không sợ nghèo túng mà trục lợi. Cả đời ông sống đạm bạc để giữ tâm sáng tỏ, thong dong tự tại, bằng lòng với cách sống an bần mà lạc đạo. Ông được hậu nhân ngưỡng mộ, tôn kính vô cùng.
Kỳ thực, không chỉ ẩn sĩ mà những người có phẩm đức cao thượng thời xưa đều chọn cách sống đạm bạc về vật chất còn ý chí lại vô cùng rộng lớn. Bất kể ở trong hoàn cảnh nào, họ cũng không thay đổi khí tiết, không thay đổi chí hướng, không thay đổi lòng tin, sống thuận theo thiên lý, thuận theo thiên đạo, cả đời thong dong tự tại. Còn đối với một người bình thường mà nói, vô luận là ở nơi núi rừng thôn quê hay ở thành thị phồn hoa, tâm loạn là bởi vì thân đang ở nơi trần thế hỗn loạn, tâm yên tĩnh là bởi vì thân đã ở trong đạo rồi.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đức hạnh Thong dong tự tại danh lợi khí tiết cần kiệm đạm bạc