Ở Sơn Đồng và Đông Lao có 2 ngôi nhà cổ giống hệt nhau, câu chuyện về hai căn nhà này cho thấy đạo làm quan và ân nghĩa của người xưa đáng quý nhường nào.

Nguyễn Viết Thứ

Nguyễn Viết Thứ người làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng, cha là tiến sĩ Nguyễn Văn Mại làm Tế tửu Quốc Tử Giám.

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống thi thư, Nguyễn Viết Thứ đã sớm bộc lộ tài năng, rất giỏi ứng đối. Ông tham dự khoa thi từ năm 14 tuổi và đỗ kỳ thi Hương, năm 17 tuổi thì đỗ thủ khoa kỳ thi Hương tức Hương cống.

Năm 21 tuổi Nguyễn Viết Thứ vượt qua kỳ thi Hội và bước vào thi Đình. Bài văn sách của Nguyễn Viết Thứ xuất sắc được chấm đỗ đầu, khoa thi này không lấy Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) nên Nguyễn Viết Thứ đỗ Đình nguyên.

Ngay sau khi thi đỗ ông được phong làm Hàn lâm viện hiệu lý, tham gia soạn “Đại Việt sử toàn thư bản kỷ tục biên”. Sau đó ông trải qua nhiều chức vụ khác nhau, được làm Bồi tụng. Năm 45 tuổi ông được phong là Tham tụng (tức Tể tướng đầu Triều).

Nguyễn Viết Thứ thi đỗ cao nhất từ rất trẻ, ông làm quan rất trong sạch, không bị cuốn vào các cuộc tranh giành quyền lực. “Lịch triều hiến chương loại chí” đánh giá rằng: “Cầm quyền chính giữ đúng pháp luật, không có tư vị; lại tiến cử người giỏi, là bậc danh thần lúc bấy giờ”.

Trong “Lịch triều tạp kỷ” và gia phả họ Nguyễn có ghi chép câu chuyện về ông như sau:

Có người đem 2 dật vàng đến nhờ em vợ của Nguyễn Viết Thứ đang làm chức Huyện thừa để xin được làm một chức quan nhỏ. Danh sách được đưa lên cho ông Thứ xem xét, ông đăng ký vào sổ quan. Người ấy liền đến gặp ông Thứ lạy tạ đội ơn.

Nguyễn Viết Thứ lấy làm lạ, liền tra hỏi lại nên biết được sự việc. Ông xóa tên người này, rồi bắt vị quan huyện em vợ mình trả lại 2 dật vàng, công bố chuyện này để làm gương cho người khác.

Mặc dù Nguyễn Viết Thứ làm quan lớn, cha làm Tế tửu trường Quốc Tử Giám nhưng cuộc sống lại rất thanh bạch.

Nguyễn Viết Thứ làm quan lớn, sống rất thanh bạch và giản dị, hay giúp người nhưng nhà ông rất nghèo. Có năm sắp 30 tết mà cụ bà vẫn chưa biết lấy gì để gói bành chưng, đến chiều có người từng mang ơn ông đã đội một thúng nếp đến biếu, nhờ đó mà nhà ông mới có bánh chưng tết.

Vì nhà đông người nên nhiều lúc ông phải vay tiền từ người ngoài, hoặc mượn tạm quốc khố. Sau khi ông mất, chúa Trịnh đã xóa hết tất cả các khoản nợ quốc khố cho ông, với các khoản vay khác nếu được con ông xác nhận thì quan coi quốc khố sẽ thanh toán giúp gia đình ông.

Các con ông sau này đều là những nhân tài, Nguyễn Công Phái giữ chức Đô chỉ huy sứ ty, được phong tước Toàn Nhuận hầu, Hoài viễn tướng quân; con rể là Phạm Quang Trạch đỗ Bảng nhãn khoa thi năm 1683.

Giúp người không nhận báo đáp

Khi Nguyễn Viết Thứ làm Bồi Tụng, có ông Nguyễn Công Triều làm Trấn thủ Sơn Tây mượn Triều đình con voi để kéo nguyên vật liệu làm đình chùa và đường đi cho dân chúng, chẳng may con voi bị chết.

Theo luật lúc đó mượn voi Triều đình rồi làm chết thì phải làm con voi bằng tre to như con voi đã mượn, rồi đổ tiền vàng cho đầy thì mới thoát tội, nếu không sẽ bị xử rất nặng. Với cách xử như thế ông Triều có lấy hết gia sản cũng không đủ tiền đổ đầy con voi mà trả nợ.

Trong phiên thiết triều, sự việc này được tâu lên chúa Trịnh Căn nhưng Chúa vẫn y như thế mà xử. Bí quá ông Triều phải đành nhờ Nguyễn Viết Thứ tìm cách nói giúp.

Vì làm Bồi tụng nên Nguyễn Viết Thứ rất gần gũi với chúa Trịnh Căn. Thế là một lần ông cùng Chúa chơi cờ, ông để thua 3 ván liền. Chúa hỏi lý do sao hôm nay chơi cờ dở thế thì ông nói đang có một việc khó xử. Chúa bảo có nói ra xem, ông nói rằng: “Có anh nông dân đi cày thuê, hôm dắt con trâu của chủ đi cày, không may bị gió, trâu chết, nhà chủ lại bắt đền con trâu, thấy tội quá”. Chúa nghe thì bảo: “Nó nghèo thế thì lấy gì mà đền, thôi cứ giải hòa, không phải đền”.

Ông bèn nói việc đó cũng giống y như việc của Nguyễn Công Triều, ý Chúa thế nào. Chúa nói rằng thôi không phải đền nữa, nhờ đó mà Nguyễn Công Triều mới thoát được.

Biết Nguyễn Viết Thứ giúp mình thoát tội nên ông Triều mừng lắm, liền đến gặp ông Thứ với ít vàng bạc để tạ ơn.

Ông Thứ đón tiếp ông Triều rất niềm nở nhưng kiên quyết không nhận tiền vàng. Ông Triều liền nói: “Tổ tiên là tổ tiên chung, mà quan lớn ở ngôi nhà xuềnh xoàng thế này, cho tôi làm một cái nhà để thờ tổ tiên.”

Ông Thứ kiên quyết không đồng ý khiến ông Triều cứ phải nói mãi. Cuối cùng bực mình quá ông Thứ liền nói: “Làm được trong một đêm thì làm không thì thôi.”

Ông Thứ nói thế là để từ chối, tưởng rằng như thế là xong.

Câu chuyện cảm động 2 ngôi nhà giống hệt nhau

Nào ngờ ông Triều quyết tâm lên kế hoạch làm một ngôi nhà chỉ trong một đêm thật.

Số là lúc đó ông Triều đang làm dở ngôi nhà năm gian hai chái ở Đông Lao. Khi hoàn thiện ngôi nhà này, ông liền cho thợ nhớ kỹ cách làm rồi tháo ra, chuyển đến Sơn Đồng nơi ông Thứ đang ở.

Một buổi chiều năm 1676, người dân Sơn Đồng thấy một đoàn người kéo các nguyên vật liệu tới nhà ông Thứ, đến lúc trời tối thì đoàn người thắp đèn đuốc bắt đầu dựng nhà. Đến sáng hôm sau mọi người thức dậy thì kinh ngạc khi thấy ngôi nhà gồm 5 gian, 2 chái được dựng nên.

Ngoi nha co 01
Ngôi nhà do cụ Triều xây tặng cụ Thứ. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Khi ông Thứ ở Thăng Long mới hay sự việc thì nhà đã làm xong đúng chỉ trong một đêm, ông Thứ cũng không thể từ chối món quà này nữa.

Phải đến 10 năm sau ông Triều mới cho xây dựng và hoàn tất ngôi nhà 5 gian, 2 chái ở Đông Lao. Sau khi xây xong thì hai ngôi nhà ở hai nơi giống y chang nhau và còn mãi cho đến ngày nay.

Hiện nay hai ngôi nhà giống hệt nhau ở Sơn Đồng và Đông Lao vẫn được con cháu của ông Nguyễn Viết Thứ và Nguyễn Công Triều bảo quản như một minh chứng cho ân nghĩa của người xưa.

Nơi trang trọng nhất ở gian giữa có bức hoành phi 3 chữ “Đức dã viễn” thếp vàng rất đẹp, lấy từ câu “Minh đức dã viễn” – nghĩa là “đức sáng của tổ tiên có từ xa xưa”.

Ngôi nhà cũng là niềm tự hào của con cháu gia đình Nguyễn Viết Thứ cùng người dân Sơn Đồng, là minh chứng cho đạo làm quan thanh liêm của cụ Nguyễn Viết Thứ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: