Chuyện ẩn sĩ Hứa Do rửa tai cự tuyệt đế vị
- An Hòa
- •
Trong Đạo gia có một câu nói: “Loạn thế nhập thế cứu thế, thịnh thế xuất thế tu hành”, tức là lúc thế gian gặp nguy thì người tu đạo sẽ rời núi nhập thế để cứu thế gian, lúc thế gian thịnh vượng thì họ sẽ xuất thế đi tu hành. Trong lịch sử có rất nhiều ẩn sĩ không màng danh lợi, thậm chí có thể thản nhiên mà cự tuyệt đế vị.
Trong lịch sử, các cao nhân của Đạo gia như Khương Tử Nha, Trương Lương, Lưu Bá Ôn… đều là ở vào thời loạn thế thì rời núi cứu vớt sinh linh. Nếu như sau khi thiên hạ an định rồi mà họ vẫn còn nhiệm vụ với quân vương, với thiên hạ thì sẽ ở lại, nếu không thì họ liền lui thân quy ẩn. Ngay từ thời cổ đại rất xa xưa, ẩn sĩ Hứa Do cũng cự tuyệt đế vị mà quy ẩn, không theo đuổi cuộc sống tiền tài danh vọng tột đỉnh nhất.
Hứa Do, tự là Đạo Khai, hiệu là Vũ Trọng, là kẻ sĩ cao thượng thanh tiết thời thượng cổ. Trang Tử miêu tả ông là thần nhân, sách “Tây Hán thư” liệt ông là người nhân từ, còn người đời sau xem ông là thủy tổ ẩn sĩ. Truyền thuyết kể rằng Hứa Do vào mùa hạ thì trú trên cây, mùa đông thì trú trong động trên núi, đói thì ăn rau trái trên núi, khát thì uống nước sông, nổi tiếng là người có chí tiết thanh cao.
Thời Nghiêu Đế trị vì, thiên hạ thái bình, dân chúng khắp nơi đều sinh sống an ổn. Nghiêu Đế cảm thấy bản thân đã già yếu, con là Đan Chu lại không tốt nên không muốn nhường ngôi cho con, không muốn làm hại thiên hạ. Ông mong muốn tìm người đức hạnh để nhường ngôi vị. Nghiêu Đế nghe nói Hứa Do là người thanh cao đại chí, liền phái người đến cầu hiền, muốn nhường đế vị cho Hứa Do.
Hứa Do nói rằng: “Nghiêu Đế trị vì, quốc gia thịnh vượng, tôi tiếp nhận để cầu hư danh ư? Con chim nhỏ tìm được chỗ đứng trên cành cây trong rừng, đã vui mừng hót không ngừng. Con chuột đồng uống nước bên bờ sông, chỉ một chút nước thôi cũng khiến bụng chướng lên. Tôi không có hứng thú với thiên hạ.”
Nghiêu Đế biết rằng không dễ lay chuyển ý chí của Hứa Do, bèn đến tận nhà thăm. Hứa Do vẫn từ chối, nói rằng: “Tôi tuổi đã cao, nhu cầu không nhiều, hãy cứ để tôi làm một người dân bình thường”. Thế rồi ngay trong đêm đó, Hứa Do trốn đến bên sông Dĩnh ở Ky Sơn, tự cày cấy mà ăn, ẩn cư không chịu ra.
Nghiêu Đế thấy Hứa Do khiêm tốn như vậy lại càng thêm kính trọng, phái người đi mời, nói rằng: “Nếu ông quyết không tiếp nhận đế vị, thì hi vọng ông có thể ra làm Cửu châu trưởng”.
Hứa Do nghe qua, liền bỏ chạy. Hứa Do nghĩ: “Nghiêu Đế không hiểu tâm tư của ta”. Thế là Hứa Do liền tới bên sông mà rửa tai ngay trước mặt sứ giả, vờ tỏ ý rằng chuyện làm đế làm vương là chuyện dơ bẩn.
Lúc này, Sào Phủ cũng là một ẩn sĩ đang dắt trâu đến uống nước, nghe được cuộc đối thoại liền vờ nói lớn: “Tôi còn đang lo nước rửa tai của ông làm ô uế miệng trâu của tôi.” Nói dứt lời, Sào Phủ liền dắt trâu đi lên thượng nguồn cho trâu uống nước. Sứ giả thấy vậy thì biết được tâm ý của hai người họ đã quyết, không còn cách nào liền trở về báo lại với Đế Nghiêu.
Theo “Cao sĩ truyện” của Hoàng Phủ Mật đời Tấn ghi lại, Sào Phủ ẩn cư trong núi khoảng giữa sông Nhữ và sông Dĩnh, không mưu cầu lợi ích nơi thế tục. Khi về già, ông làm tổ trên cây, điềm nhiên mà ngủ, cho nên người đương thời gọi ông là “Sào Phủ”. Sào Phủ và Hứa Do là hai người cùng thời, đều tránh đời mà ẩn cư, tự cày cấy mà sinh sống.
Câu chuyện Hứa Do rửa tai và Sào Phủ dắt trâu đi uống nước chỗ khác đã trở thành giai thoại thiên cổ. Hứa Do và Sào Phủ dù chưa đăng đế vị, cũng chưa làm sự tình gì lớn, nhưng lại dùng khí tiết thanh cao, đứng trước danh vọng lớn mà cương quyết cự tuyệt đế vị để thủ giữ chí hướng của mình. Điều này đã khiến người đời sau phải ngưỡng mộ.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đạo gia khí tiết chí hướng Ẩn sĩ