Trí tuệ cổ nhân: Vì sao đốt chùa vẫn được phúc báo?
- Thiên Cầm
- •
Người sống trên đời đều muốn đắc phúc báo, thậm chí hy vọng con cháu đời sau sẽ có một cuộc sống tốt đẹp. Vậy nhưng phúc báo của người ta là tới từ đâu? Người hiện đại quen cúng bái ở chùa thường cho rằng do cầu khấn thành khẩn mà đến, do làm lễ thật to mà đến, do chùa thiêng mà đến… Còn cổ nhân quan niệm rằng phúc báo đến từ việc một người tích đức, hành thiện. Mà việc thiện ở đây là phải thông qua thiện niệm xuất phát từ nội tâm, không có tư tâm đi làm thì mới chân chính là hành thiện. Đây mới gọi là “thành tâm”, mới gọi là “chân tâm”.
Sách cổ ghi chép rằng vào thời Nam Tống, có người tên là Chương Cảnh Luân, sinh ra đã thích hành thiện, tích đức. Khi gặp người khác làm việc thiện, ông thường cung kính, khiêm nhường học hỏi.
Sau này quân Nguyên đánh Nam Tống, cướp đoạt hàng nghìn phụ nữ, bắt họ nhốt vào một ngôi chùa, để xã trưởng Lý Đức Dương trông coi. Lý Đức Dương lòng dạ lương thiện, bèn nói với Chương Cảnh Luân rằng: “Những cô gái bị nhốt ở đây đều là các khuê nữ danh giá của các bậc quan thần. Nếu bị quân Nguyên dẫn đi ắt khó tránh khỏi bị làm nhục, giết hại. Điều này quả thực khiến lòng người chẳng thể nhẫn tâm. Tôi muốn thả người đi, nhưng nghĩ tới trong nhà còn mẹ già, e rằng sẽ liên luỵ tới mẫu thân, nên vẫn chưa dám thả người.”
Chương Cảnh Luân đáp: “Tôi chỉ có một mình, anh giao việc trông coi này cho tôi, để tôi thả họ ra. Như vậy, khi nào quân Nguyên tra xét, thì mình tôi chịu trách nhiệm, dẫu bị giết tôi cũng không hối hận.”
Lý Đức Dương thấy ông thật lòng, bèn tìm quân Nguyên giao lại công việc cho ông. Nhân lúc nửa đêm Chương Cảnh Luân thả toàn bộ phụ nữ bị bắt ra, và đốt cháy luôn ngôi chùa, sau đó tự mình đến quan phủ tự thú. Quan phủ báo cáo lại việc này với chủ soái quân Nguyên, chủ soái quân Nguyên không ngờ lại đồng ý với cách làm của Chương Cảnh Luân và không trách tội ông.
Sau này Chương Cảnh Luân lấy vợ, hai vợ chồng đã sinh liên tiếp 5 người con trai, đều đỗ tiến sỹ. Lý Đức Dương cũng vì thiện niệm ban đầu mà đắc phúc báo.
Chương Cảnh Luân dẫu đốt chùa nhưng từ mục đích cho đến quá trình dẫn đến việc làm này đều dựa trên thiện niệm vì người khác, không có tư tâm, thậm chí còn có phần xả thân vì nghĩa. Vậy nên dù ông đốt chùa mà vẫn được phúc báo trọn vẹn.
Theo quan niệm trong văn hoá truyền thống, con người có thể đắc phúc báo hay không, không phải cầu xin như thế nào là có được, không phải dập đầu đến máu chảy đầy đầu là có được, cũng không phải là dâng lễ to nhỏ ở chùa thiêng hay không thiêng là có được. Phúc báo chỉ có thể có được khi hành thiện, tích đức. Người sống trên đời chỉ cần làm việc nhân nghĩa, hành thiện, thì phúc báo không cầu cũng tự đến. Đây là do thiên lý thiện ác hữu báo quyết định.
Người hiện đại tôn thờ tham niệm, dục vọng cá nhân. Người người đua nhau kiếm tiền, bất chấp mọi thủ đoạn và coi nhu cầu hưởng thụ cá nhân thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong quá trình kiếm tiền bất chấp mọi thủ đoạn ấy, người là đang tạo nghiệp, tổn đức, tổn phúc, tổn thọ. Khi báo ứng đến thì dẫu có tiền và quyền, cũng không còn sinh mệnh mà hưởng thụ, con cháu đời sau cũng phải gánh chịu khổ nạn do người đời trước gây nên.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
- 3 hành vi làm hao tổn phúc đức của một người
- Trong họa có phúc: Nghịch cảnh khiến sinh mệnh thăng hoa
Mời xem video:
Từ khóa Phật gia Phúc báo Nhân quả thiện ác hữu báo