Chuyên gia, ông là ai?
- Vũ Thế Thành
- •
Báo chí gọi tôi là… chuyên gia. Có lý do để họ gọi như thế. Sau khi phỏng vấn, phóng viên thường hỏi tôi thêm về nhân thân để ghi vào bài:
– Học vị của ông là gì? – Không có. Cái bằng đại học cổ lỗ xỉ của tôi coi như bỏ, không kể. Khoe ra xấu hổ.
– Ông làm ở đâu? Chức vụ gì? – Tôi chẳng làm ở đâu cả, nên chẳng có chức vụ gì.
– Thế hồi trước ông làm ở cơ quan nào? Chức vụ gì? – Tôi “chạy” khỏi cơ quan nhà nước cả hơn 30 năm rồi. Mà hồi đi làm tôi cũng không có chức vụ gì.
Thế là, họ “tấn phong” tôi là… chuyên gia.
Nhớ lại, hồi mấy ông Liên Xô, Hàn Quốc… qua Việt Nam làm ăn, nhiều ông, tôi biết rõ chỉ là dân thợ (blue-collar) thứ thiệt bên xứ họ, qua bên này, phút chốc được “tấn phong” thành… chuyên gia.
Xưa hơn nữa, thằng bạn tôi, tốt nghiệp đại học (quèn như tôi), gia đình gốc gác “ngụy” (cũng chẳng sạch sẽ gì hơn tôi). Hồi đầu thập niên 80 đang làm ở Cần Thơ, y bị đưa qua Campuchia làm “nghĩa vụ”. Nhờ có chuyên môn kỹ thuật về truyền hình, y được “tấn phong” làm… chuyên gia nơi xứ người. Tay chuyên gia quèn, khố rách áo ôm này, mỗi lần về Việt Nam công tác, được đi theo xe quân sự, không bị khám xét (đứa nào dám “khám” người chuyên gia!), y nhét vào ba lô vài gói thuốc Samit, hay vài thứ lỉnh kỉnh gì đó mà bọn con buôn trong nước dặn dò. Nhờ đó y có chút tiền… lấy vợ.
Bây giờ y là VIP của một tập đoàn (nước ngoài), thỉnh thoảng báo chí phỏng vấn, nhưng tên họ được kèm theo chức vụ, mất (mẹ nó luôn) tước hiệu chuyên gia cao quý.
Dù “chuyên gia sớm” như hắn, hay “chuyên gia muộn” như tôi, cũng là… chuyên gia. Giá trị của một phát biểu khoa học là chứng cớ và lập luận có tính khoa học, chứ không phải học vị cao hay học hàm lớn là bảo chứng cho giá trị. Nhưng trò đời xưa nay vẫn xem thái độ sòng phẳng và lạnh lùng (của khoa học) như thế là chưa đủ.
Khi không biết gọi ai đó là gì, người ta bèn phong cho đối tượng làm chuyên gia cho có phần… bề thế, xôm tụ, cho phát biểu của y có phần “nặng ký” hơn người thường. Chứ không học vị, không học hàm, không chức vụ (trong chính quyền), nói ai tin?
Nhưng dù sao…
– Chuyên gia không phải là học vị. Khỏi mất công học lảm nhảm (để trả bài), khỏi mất công nhờ người khác thi giùm, khỏi mất công người khác chấm bài, hội đồng phản biện này nọ. Mà lỡ có kẹt quá, cũng khỏi tốn tiền đi mua bằng cho ra vẻ với đời.
– Chuyên gia cũng không phải là học hàm phó giáo sư, giáo sư, viện sĩ. Cũng không phải là danh hiệu được nhà nước tấn phong, thầy thuốc ưu tú, nghệ sĩ nhân dân … Khỏi mất công làm đơn xin xỏ, khỏi mất công bị kiểm tra có dạy đủ giờ không, và nhất là khỏi mất công giải trình cái research này có đáng gọi là research không (cái khoản này “tế nhị” lắm, nếu research đăng ở mấy cái journal tèo).
– Chuyên gia không phải là chức vụ (chính quyền). Rõ ràng không ai dám nghi ngờ mình chạy chọt.
Rốt cuộc chuyên gia là cái thứ gì? Tôi không biết, nhưng chắc chắn chẳng là cái… thá gì để tự hào. Đó chỉ là cái người ta gán đại cho mình. Dù muốn hay không, cái đầu cũng bị cái mũ “chuyên gia” úp vào.
Hồi đầu, nghe cái từ “chuyên gia” gắn vào “họ và tên đầy đủ” của mình, tôi thấy… lạ tai. Nghe riết thấy… nhàm tai. Bây giờ thì tôi… lãnh cảm.
Vũ Thế Thành
Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Vũ Thế Thành