Bài này viết đã hơn 20 năm để kể về nỗi buồn “nghiên cứu” 20 năm trước đó nữa. Các bạn cùng thế hệ tôi hẳn là chia sẻ được. Bây giờ tình hình có lẽ đã cải thiện nhiều. Tôi follow page “Liêm chính khoa học” vài năm nay. Sự dối trá, gian lận, háo danh, háo thành tích của giới hàn lâm ngày càng tinh xảo. Chỉ tội nghiệp số ít người làm nghiên cứu chân chính.

Vũ Thế Thành

Từ KIST mơ tới VIST

Tôi đọc bài “Viện KIST, nơi ánh sáng không bao giờ tắt” trên Tia Sáng số tháng 8 và 9/2000 với cảm giác lâng lâng trong mơ, và một chút… nỗi buồn.

Hơn 20 năm trước, khi còn làm việc cho một trung tâm nghiên cứu của Trung ương tại Sài Gòn, tôi đã thấm thía thế nào là “rắc rối vì thủ tục hành chính hơn là công việc nghiên cứu”. Một vật tư nào đó cần mua ngoài đã được duyệt, nhưng nghiên cứu viên vẫn phải đương đầu với kế toán, thủ quỹ, thủ kho,… với cái nhìn nghi kỵ, khó hiểu, và kéo dài thời gian không cần thiết. Những phiền toái này phần nào làm nguội lạnh đi những nhiệt tình.

Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Bây giờ có thể đã được cải tiến nhiều. Điều bức xúc hơn cả là những báo cáo tổng kết mang tính hình thức, và cuối cùng những kết quả nghiên cứu được xếp xó, vì hoặc đó là những kết quả chỉ có tính “báo cáo”, hoặc đó là chuyện… trên trời, không có tính hiện thực. Tôi tìm thấy ở KIST, Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hợp đồng của Hàn Quốc, một điều gì đó rõ ràng, thực tế. Họ nghiên cứu những gì mà nền công nghiệp trong nước đang cần, các nhà sản xuất đang cần, thông qua một hợp đồng nghiên cứu. Mà nghiên cứu là phải được việc, triển khai cụ thể được. Thậm chí còn định hướng phát triển công nghệ “lấn sân” ở mức cao hơn (phát minh sợi tổng hợp thế hệ thứ ba, hàng dệt Aramid, hơn là chỉ kỹ thuật nhuộm dệt theo yêu cầu là một thí dụ).

Cách đây 10 năm, tôi cũng nghe thấy trong nước mình khẩu hiệu “Nghiên cứu phải gắn liền với sản xuất”. Chẳng biết hiệu quả tới đâu, nhưng có một thực tế, là trong bối cảnh cạnh tranh hết sức gay gắt, các nhà sản xuất trong nước hiện rất bức xúc về đổi mới công nghệ. Nói tới đổi mới công nghệ, là nói tới dollar, nói tới nhập thiết bị máy móc, nhập “know how” (in rành rành một cách tự hào trên sản phẩm: hàng được sản xuất theo công nghệ Mỹ, Nhật, Châu Âu,…).

Tôi vẫn không hiểu vì sao, xuất thân từ một tướng lĩnh, mà tổng thống Park Chung Hee lại có một cái nhìn tinh tế, cảm thông với giới khoa học đến như vậy. Nhận ra phát triển công nghệ là then chốt. Nhưng kiếm công nghệ ấy ở đâu? Ông quyết định thành lập viện KIST, và hỗ trợ vô điều kiện, bất chấp mọi lời ra tiếng vào. Thậm chí các cơ quan Nhà nước không được can thiệp vào duyệt kế hoạch, ngân sách, kiểm toán của Viện. Cơ chế này được đưa thành luật. Không kiểm soát kế hoạch làm việc, chi tiêu, kế hoạch, nghĩa là tổng thống Park đã đặt trọn vẹn niềm tin, hay đặt cả gánh nặng trách nhiệm hiệu quả trên vai viện KIST. Ông tin những nhà nghiên cứu biết tự trọng chi tiêu ở mức thấp nhất để có hiệu quả ở mức cao nhất. Họ đã không phụ lòng ông.

Nghiên cứu viên được tuyển chọn đa số từ những nhà khoa học Hàn Quốc có kinh nghiệm đang làm việc ở Hoa Kỳ. Những nhà nghiên cứu ở viện được hưởng lương cao hơn cả tổng thống Park. Chuyện xảy ra từ những năm 60, 70. Đài Loan cũng đi theo chính sách khôn ngoan này. Nhưng mãi đến cuối thập niên 80, Đài Loan mới có chính sách chiêu dụ chất xám chảy về nguồn. Họ không cần những tiến sĩ mới ra lò, mà cần những kỹ sư, tiến sĩ có quá trình làm việc. Về nước, chất xám này không chỉ mang theo tri thức, kinh nghiệm, mà còn kéo theo những mối quan hệ mà họ xây dựng được ở nước ngoài. Và họ đã thành công với khu công nghiệp nổi tiếng Hsinchu, viện Academia Sinica,…

Ở Việt Nam mình cũng có nhiều tiến sĩ, nhưng có dư mà lại thiếu. Ở Mỹ, Châu Âu người ta xem bằng tiến sĩ như một “chứng chỉ” chứng tỏ khả năng nghiên cứu. Có bằng Ph.D mà một hai năm không có thêm công trình nghiên cứu, thì chẳng khác gì… “tiến sĩ giấy”, chỉ được dùng như một “trang trí” cho công ty tiếp thị sản phẩm.

Thỉnh thoảng tôi gặp lại những bạn học, vẫn còn đang làm ở viện nghiên cứu. Hỏi thăm, lương tháng không quá nổi một triệu (khoảng 70 USD). Tôi không hỏi họ làm thế nào để sống với đồng lương như vậy, nhưng họ cho biết, cứ tà tà làm đề tài, và chờ đến lượt được cử đi công tác nước ngoài… là đủ.

Tôi mơ Việt Nam mình cũng có một viện VIST (thay vì KIST – K: Korea) với một cơ chế hoạt động độc lập như vậy. Thực hiện được, theo tôi trước tiên cần có niềm tin: niềm tin của Nhà Nước dành cho những nhà nghiên cứu của Viện. Và những nhà nghiên cứu tạo được niềm tin không chỉ với Nhà nước, mà còn với các nhà sản xuất trong nước để họ có thể đủ tin cậy đặt hàng nghiên cứu. Niềm tin từ phía nào sẽ khởi động trước đây? Liệu tôi có “ba phải” khi nói rằng, mọi phía đều cần khởi động vì sự phát triển của đất nước?

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Xem thêm:

Mời xem video: