Sài Gòn, một góc ký ức, bản e-book
- Vũ Thế Thành
- •
Thời gian qua nhiều bạn nhắn tin đặt mua sách “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ”. Rất tiếc, sách đã hết cả hai tháng nay.
Quyển “Sài Gòn ký ức…” in lần đầu năm 2017, và tái bản cuối năm 2020. Lần tái bản tôi bổ sung thêm 5-6 tùy bút, qua được ải kiểm duyệt là điều may mắn. Lạm dụng sự may mắn là điều không nên, tôi không có ý định tái bản thêm lần nữa.
Các bạn có thể vào amazon để đọc miễn phí, và nếu cao hứng có thể mua bản ebook ($3.5).
*
Tôi sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn. Tuổi thơ ở khu Tân Định. Dọn nhà một lần cũng lòng vòng đâu đó, gần cổng xe lửa số Sáu, bên bờ kênh Nhiêu Lộc và ở tới giờ. Ở riết thấy nhàm, tôi thấy Sài Gòn vẫn vậy. Vẫn vậy là kiểu ăn, cách nói, cà phê, quán nhậu… chứ đường xá, nhà cửa… thay đổi nhiều.
Trước 1975, đôi khi tôi cũng lêu lổng ở Đà Lạt, mê cảnh núi đồi, ao hồ, sông suối, yên tĩnh và nhịp sống chậm rãi của Đà Lạt, và cũng không loại trừ mê luôn người Đà Lạt hiền hòa và hiếu khách. Tôi nhủ, rồi ngày nào đó sẽ về đây dưỡng già (non).
Bây giờ tôi đã về Đà Lạt, cũng hơn sáu năm rồi. Nợ đời chưa dứt, nên khi Sài Gòn lúc Đà Lạt.
Sài Gòn và Đà Lạt đều là dân tứ xứ. Ở lâu thì thành người Sài Gòn hay dân Đà Lạt gốc. Mỗi nơi đều có con người và phong cách riêng. Rồi cuộc đời dâu bể, nơi còn nơi mất. Đà Lạt đang mất dần, gượng không nổi, nhưng Sài Gòn còn là Sài Gòn, dù có mất chút đỉnh.
Ai ở đâu tới mặc kệ, nhưng Sài Gòn không có đất sống cho ‘bún mắng cháo chửi’, không phân biệt khách Tây khách ta, không giẫm nát hoa hội chợ, phở Hà Nội không thể ‘tuyệt đối đúng’ khi thiếu rau thơm giữa đất Sài Gòn… Trước như vậy, giờ vẫn thế.
Nhưng Đà Lạt thì khác, chụp giựt, níu kéo, chém chặt, phân biệt Tây ta… đang hình thành ở những ngày cuối tuần hay lễ hội. Đà Lạt tuổi đời trẻ quá, chưa kịp bén rễ thì bão đời đã làm tản mác con người Đà Lạt. Đà Lạt thiếu ‘con người Đà Lạt’ đâu còn gì là hồn Đà Lạt. Đà Lạt chỉ còn thân xác như bức họa đắt giá của Picasso dưới con mắt của kẻ phàm phu.
Nói vậy thôi, Đà Lạt vẫn còn vài nơi yên tĩnh, hoa lá núi đồi để tôi còn đọc sách bên tách trà ly rượu. Rồi ngẫm lại mới thấy, sao mà những năm tháng lớn lên ở Sài Gòn êm ả quá. Và rồi cũng nơi đó, những năm tháng cùng cực, cơm áo gạo tiền, cố giữ cho được cái nguyên tắc sống của riêng mình, thiệt vất vả.
Ở Sài Gòn tôi nhớ Đà Lạt, nhưng ở Đà lạt tôi lại nhớ Sài Gòn. Hai cái nhớ khác nhau. Nhớ Đà Lạt vì lỡ thương. Còn nhớ Sài Gòn vì duyên vì nợ.
Hầu hết những bài trong tập tùy bút này đều được viết ở Đà Lạt. Phải xa Sài Gòn mới ngứa tay viết được, mà viết tùy bút kiểu này cũng coi như một cách tính sổ với cuộc đời. Đà Lạt làm tôi biết nhớ Sài Gòn.
Chỉ mới ba trăm cây số Đà Lạt – Sài Gòn, lại còn đi đi về về mà đã thế, huống chi những người ở xa Sài Gòn nửa vòng trái đất, chục năm, hai ba chục năm biền biệt thì sao? Có lẽ chỉ còn cách như người bạn tôi, nửa đêm không ngủ được, gọi phone về, thở dài: Tao nhớ Sài Gòn chết… mẹ!
Xa Sài Gòn mới thấm, mới cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó, như từ bỏ một thói quen, bứt rứt khó chịu như cai thuốc.
Nhớ Sài Gòn chứ sao không! Nhớ con hẻm lầy lội, nhớ tiếng mưa rơi trên mái tôn, nhớ tuổi thơ, nhớ tiếng rao hàng giọng Sài Gòn, nhớ sầu riêng vú sữa, nhớ đủ thứ… Xa rồi mới biết thương biết nhớ…
Vũ Thế Thành,
Đà Lạt, 29.06.2017
Lời mở đầu trong cuốn “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” xuất bản 2017
*
Viết thêm cho lần tái bản, năm 2020
Lần tái bản này tôi không viết gì thêm cho “Lời mở đầu”, chỉ bổ sung 5-6 tùy bút viết sau này. Ở Đà Lạt tôi nhớ Sài Gòn nên viết lăng nhăng, gọi là câu chuyện bàn rượu, cụng ly với ký ức của mình cũng được…
Tôi không phải nhà văn, không có khả năng tưởng tượng và hư cấu, phải có sự kiện tôi mới viết được. Viết kiểu đó gọi là tùy bút.
Tùy bút, hay tản văn, tạp văn gì đó chỉ là câu chuyện cá nhân (personal essay) ghi lại cảm nhận của mình vào thời điểm đó. Nó cũng tùy thuộc vào tâm trạng khi vui khi buồn, lúc say lúc tỉnh…
Triết học là nhận thức về cuộc đời. Năm tháng chồng chất, cuộc đời thay đổi, nhận thức cũng thay đổi. Cũng chuyện đó, lúc trẻ nghĩ khác, về già nghĩ khác.
Tôi không phải con nhà triết học với những lý luận khúc chiết nhằm thuyết phục người đọc. Tôi mượn những sự kiện có thật của mình, của người, thuật lại với vài dòng ngắn ngủi. Những câu chuyện hay sự kiện đó không phải là mục đích, mà chỉ là cái cớ để nói về điều khác. Điều khác chính là những cảm nhận của riêng tôi về khía cạnh nào đó của đời người.
Diễn đạt cảm nhận khó khăn hơn diễn đạt triết học. Tới đoạn khó nhá, tôi đành bỏ lửng để người đọc tự cảm nhận theo vốn sống riêng của họ. Biết đâu có sự đồng cảm, phải không?
Ký ức xa xưa về một Sài Gòn của một thời thơ ấu, một thời sinh viên, và rồi sau đó là cả một thời dâu bể, nhẫn nhục nhìn lịch sử bị xúc phạm thô bạo. Tưởng đâu chỉ là câu chuyện chia sẻ giữa những người cùng thế hệ. Nhưng tôi lầm, lần in đầu quyển Sài Gòn, một góc ký ức, số độc giả trẻ hỏi mua nhiều.
Có bạn gửi mail cho tôi, “… Đọc những bài bác viết, con thấy thương cha mẹ ông bà hơn, không ngờ Sài Gòn lại có thời khổ cực như thế…”
Một mail khác của bạn đọc bên Mỹ, “… Con tên là HPT ở Virginia. Bà ngoại con vừa cho con xem câu chuyện xích lô của bác. Con hy vọng sẽ viết những kịch bản và đạo diễn những bộ phim bên đây. Liệu bác Thành có thể cho phép con dùng câu chuyện của bác để truyền cảm hứng…?”
Tôi không biết chuyện phim ảnh đã đi đến đâu, có thể chỉ là ý tưởng ngẫu hứng rồi tan biến. Nhưng vấn đề là tuổi trẻ bất chợt nhìn lại ký ức của thế hệ đi trước – một thế hệ lạc lõng, hay thế hệ bị đánh mất với biết bao chuyện lỡ làng. Thế hệ đó đang lùi dần…
Quyển “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” lần tái bản này chỉ là hàng “home-made”, chính tả bạn bè sửa giùm, tranh bìa của bạn già Thân Trọng Minh, design bìa cô cháu gái làm “chùa” cho cậu, lay-out thì bạn Công Khanh mò mẫm. Nhưng quan trọng hơn hết là giấy phép xuất bản, lận đận không ít. Không có bạn Ngân Hà xoay sở thì quyển sách Sài Gòn này sẽ mất hai chữ… “ký ức”.
Vũ Thế Thành
Đà Lạt, 22.07.2020
Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành có bổ sung ảnh minh họa
Xem thêm cùng tác giả:
Từ khóa sài gòn xưa Vũ Thế Thành