Chuyện sĩ tử thi đỗ tiến sĩ nhưng không nhận, quyết phải đậu “Tam khôi”
- Trần Hưng
- •
Xưa kia việc thi đỗ tiến sĩ phải trải qua quá trình học tập và thi cử rất khó khăn vất vả, ấy vậy mà có người dù thi đỗ tiến sĩ vẫn từ chối không nhận, quyết định thi tiếp để đậu đến “Tam khôi” mới xứng tài học của mình. Việc này khiến các sĩ tử thời đấy phải tròn mắt kinh ngạc.
Thần đồng làng Nhân Lý
Vào cuối thời nhà Trần ở làng Nhân Lý (tên nôm là làng Si), tổng Đông Lý, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa, (nay thuộc thôn Đắc Trí, xã Định Bình, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) có cậu bé Trịnh Thiết Trường rất hoạt bát, sáng tạo lại học giỏi. Cha Trịnh Thiết Trường mất sớm, người mẹ phải tần tảo nuôi hai chị em, gia cảnh khá khó khăn.
Trường có tiếng là thần đồng của làng, hay nô đùa cùng đám trẻ chăn trâu. Một lần tình cờ gặp viên quan huyện, nhờ tài ứng đối thông minh, cậu bé Trường được viên quan huyện yêu quý. Viên quan liền đến gặp mẹ của Trường xin được đưa về nhà mình, chu cấp nuôi nấng cho ăn học thành tài, người mẹ cân nhắc rồi đồng ý.
Từ đó Trịnh Thiết Trường từ biệt mẹ, chị cùng làng xóm theo về ở với viên quan nọ.
Thi đỗ tiến sĩ nhưng quyết đậu Tam khôi
Lớn lên, tài học của Trịnh Thiết Trường đã vang khắp vùng. Tuy nhiên lúc này Giang Sơn nhiều biến động, nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần nhưng không chống được quân Minh. Các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh diễn ra khắp nơi. Trước tình hình loạn lạc, Trịnh Thiết Trường ở quê nhà tổ chức dạy học.
Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh và lên ngôi vua năm 1428. Sang năm 1429, Lê Thái Tổ tổ chức kỳ thi Minh kinh bác học, năm 1431 tổ chức thi Hoành từ. Các kỳ thi này Trịnh Thiết Trường đều không tham gia, vẫn ở nhà dạy học.
Đến năm 1442 dưới thời vua Lê Thái Tông, khoa thi quy mô lớn đầu tiên thời Hậu Lê được tổ chức với rất nhiều sĩ tử tham gia, chấm thi cũng đều là những nhân tài bậc nhất lúc đó như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, v.v… Kỳ thi này là một kỳ thi quan trọng, vì khi dựng bia tiến sĩ trong Văn Miếu, vua Lê Thánh Tông đã chọn các tiến sĩ đỗ từ khoa thi năm 1442, còn kỳ thi Minh kinh và Hoành từ trước đấy lại không được.
Được bạn bè thúc giục, Trịnh Thiết Trường quyết định đi thi thử một phen. Kết quả ông cùng một học trò của mình đỗ tiến sĩ. Tuy nhiên đến lúc xướng danh tên những người đỗ tiến sĩ, đến tên Trịnh Thiết Trường thì không thấy ai lên dù đã xướng nhiều lần. Theo các nguồn sử liệu thì Trịnh Thiết Trường cũng có mặt, nhưng ông không lên tiếng vì cho rằng đỗ tiến sĩ không tương xứng với khả năng của mình, mà phải “Tam khôi” (tức Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), nên quyết định chuẩn bị cho khoa thi tới.
Một học trò của Trịnh Thiết Trường cũng đỗ tiến sĩ, nhưng cũng quyết không nhận học vị, mà chờ đến khoa thi tới.
Thời đấy thi đỗ tiến sĩ là mơ ước của rất nhiều sĩ tử. Việc hai thầy trò không nhận tiến sĩ khiến sĩ tử bốn phương kinh ngạc. Năm ấy Trịnh Thiết Trường đã 52 tuổi, tuổi đã cao mà không nhận tiến sĩ chờ khoa thi tới là không hề dễ dàng, cũng thể hiện quyết tâm của ông.
Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường
6 năm sau tức năm 1448 thời vua Lê Nhân Tông, Trịnh Thiết Trường đỗ cao thứ 2 tức Bảng nhãn, nằm trong “Tam khôi”.
Trạng nguyên khoa thi này là Nguyễn Nghiêu Tư, là tấm gương vượt khó, thuở nhỏ phải đi ở chăn lợn, lân la gần lớp học nghe giảng, ngờ đầu dần dần học lỏm lại có thể chỉ bài cho chúng bạn trong lớp. (Xem bài: Cậu bé chăn lợn học lỏm trở thành Trạng nguyên đất Kinh Bắc)
Cảm phục quyết tâm thi đỗ “Tam khôi” của Trịnh Thiết Trường, triều đình phong cho ông làm Thượng thư bộ Công, tước Nghi quận công. Thiết Trường làm quan cương trực, không sợ cường quyền. Khi làm Gián quan trong Ngự sử đài, ông cũng thẳng thắn phê bình các quan khi phạm tội.
Trịnh Thiết Trường là tấm gương sáng về học tập, dân gian cũng có nhiều câu chuyện lưu truyền về ông.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Giai thoại Yết Kiêu từ chối tình yêu của ba nàng công chúa
- Đặng Công Chất: Vị trạng nguyên từ chối lấy công chúa
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng