Chuyện Văn Chinh Minh “ngốc nghếch” thành tựu “tứ tuyệt”
- Thiên Cầm
- •
Có những người tài hoa, đức độ nhưng không muốn bon chen nơi danh lợi phồn hoa, thích ẩn thân vui với thi thư ca từ, người đời cứ ngỡ rằng họ ngốc nghếch. “Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp”, trong lịch sử thật sự có những cá nhân không quan tâm đến ánh mắt và khen chê của người đời, hành sự đoan chính, để tâm tới việc tu thân dưỡng tính, vài chục năm cũng như một, thế rồi tự mình tỏa sáng. Văn Chinh Minh thời nhà Minh là một người như vậy.
Trong mắt mọi người xung quanh, Văn Chinh Minh là một đứa trẻ ngốc nghếch. 7 tuổi mất mẹ, cha bận việc công vụ, nên ông sống ở nhà bà ngoại. Điều này đã khiến ông dưỡng thành tính cách hướng nội, kiệm lời.
Năm lên 10 tuổi, cha ông muốn ông được mở mang tầm mắt, tăng thêm hiểu biết, nên mỗi lần hội họp với bè bạn và họ hàng đều dẫn ông theo. Việc gì cũng đều có hai mặt, do những người cha ông gặp gỡ không phải là danh thần thì lại là danh sĩ, nên với tính cách vốn hướng nội, Văn Chinh Minh không mấy nhiệt tâm với việc làm quan. Ngược lại, ông lại ham thích thư họa thi từ.
Vào thời đó, rất nhiều người coi công danh là thành tựu cao nhất, là sự kỳ vọng của người thân và áp lực nơi thế tục. Bởi vậy Văn Chinh Minh dẫu không muốn, nhưng vẫn phải ghi danh tham dự khoa cử. Kết quả có thể ngẫm mà thấy được, bắt đầu từ năm 26 tuổi, ông thi mãi cho tới năm 53 tuổi, 10 lần vào trường thi, Văn Chinh Minh đều không đỗ tiến sĩ.
Nhưng điều này không minh chứng rằng Văn Chinh Minh không có học vấn. Năm 1524, năm 54 tuổi, nhờ vào học thức uyên thâm của mình, Văn Chinh Minh nhận lệnh vào Hàn Lâm Viện với thân phận cống sinh. Chức danh này cũng tương đương với tiến sĩ thời bấy giờ. Trong mắt người thường thì đây là thời cơ tốt để có thể vinh hiển nhưng ông lại không nghĩ vậy.
Khi đó Dương Nhất Thanh đảm nhiệm chức vụ Thủ phủ nội các, vốn là người quen của cha Văn Chinh Minh. Lúc đó các quan viên đều tranh nhau xin bái kiến Dương Nhất Thanh, muốn chạy chọt ở chỗ ông. Văn Chinh Minh tuy kính ngưỡng mà lại hết mực xa lánh Dương Nhất Thanh. Một hôm, Dương Nhất Thanh nhìn thấy ông bèn nói: “Ngươi không biết lệnh tôn và ta là bằng hữu hay sao?” Câu này là có ý muốn kéo gần quan hệ, muốn cất nhắc Văn Chinh Minh.
Một việc tốt như vậy tự tìm đến, nếu là người khác, thì quả thực là cầu còn không được. Nhưng Văn Chinh Minh lại đáp: “Gia phụ lúc sinh thời chưa từng nhắc tới danh húy, nên quả thực tôi không biết tướng công là bằng hữu của gia phụ.” Đây có thể nói là làm mất mặt Dương Nhất Thanh vô cùng, ai nấy đều nghĩ Văn Chinh Minh là kẻ ngốc nghếch.
Từ đó về sau, Văn Chinh Minh bị lạnh nhạt, bài xích. Ba năm sau, Văn Chinh Minh cáo quan về quê. Có người châm chọc ông ngốc nghếch thì ông vẫn bình thản: “Dẫu thế nào, ta cũng đã từng có công danh, điều này cũng đủ để an ủi vong linh của phụ mẫu, cũng đáp ứng được mong mỏi nơi thế tục.” Về quê Ngô Trung, Văn Chinh Minh thảnh thơi làm điều mình mong muốn. Ông tu sửa một sơn phòng phía đông phòng sách của cha lúc sinh thời. Hàng ngày ông ở trong phòng, khi thì vẽ tranh chữ, khi thì ngâm thơ, làm câu đối, cuối cùng ông trở thành nhân tài “tứ tuyệt” tinh thông hết thảy thi văn thư họa.
Điều khiến mọi người ngưỡng vọng là Văn Chinh Minh có đức hạnh thanh khiết, ngay chính. Chẳng hạn năm 1499, phụ thân của ông là Văn Lâm qua đời trên đường tới Ôn Châu để nhậm chức Tri phủ, hưởng thọ 55 tuổi. Theo thông lệ nơi quan trường, quan viên đang tại chức mà qua đời, địa phương nơi đó sẽ phụ trách phí mai táng.
Các quan chức và thân sĩ tại địa phương tới phúng viếng, tổng cộng được vài ngàn lạng bạc. Món tiền này ông có thể thu về một cách hợp tình hợp lý. Nhưng Văn Chinh Minh lại từ chối, ông còn viết riêng một bức thư cảm tạ đáp rằng: “Cha tôi làm tri phủ tại quý địa phương, chưa từng tham lấy một đồng tiền công, ông bước đi rất đường hoàng. Nếu nay tôi thu bạc của mọi người, thì sẽ phụ tiếng thanh liêm suốt một đời làm quan của phụ thân. Lợi dụng danh nghĩa cha mất, mà mưu lợi cho bản thân, việc này tôi không thể làm. Dẫu bản thân không có tương lai, tôi cũng không để danh tiếng của phụ thân bị vấy bẩn.”
Người Ôn Châu sau đó đã dùng số tiền này tu sửa một ngôi đình ở địa phương, gọi là “Khước Kim Đình” (Đình khước từ tiền tài), để vinh danh hai cha con chính trực, ngay thẳng.
Vào những năm cuối đời, tài năng và đức độ của Văn Chinh Minh như mặt trời sáng tỏ. Có chư hầu trực tiếp tặng ông món đồ cổ rất giá trị, nhằm cầu xin thi văn thư họa của ông, ông cũng không buồn ngó qua, mà trả lại nguyên đai nguyên kiện. Những bậc vương công quý tộc đổ về bái kiến, ông cũng đều từ chối hết thảy. Nhưng họ hàng, bè bạn, xóm giềng tới xin tranh chữ, dẫu mang tới chỉ là những món đặc sản quê nhà không đáng giá, ông cũng vui vẻ mài mực phóng bút.
Về tranh chữ của Văn Chinh Minh, đương thời Vương Thế Trinh viết trong cuốn “Văn tiên sinh truyện” rằng: “Cố tiên sinh thư họa biến mãn hải nội, vãng vãng chân bất năng đương nhạn thập nhị.” Nghĩa là thư họa của Văn Chinh Minh lúc đó tràn ngập Trung Hoa, mười phần thì có đến tám phần là tác phẩm của ông, thậm chí hàng giả cũng xuất hiện.
Tuy nhiên đối với những người làm giả tác phẩm, Văn Chinh Minh có cái nhìn rất khoan dung. Nếu có người mang tranh chữ của ông tới nhà ông giám định, ông đều nhất loạt nói rằng đó là tranh thật.
Các đệ tử của Văn Chinh Minh tỏ ý không hiểu, ông giải thích rằng: “Phàm là những người có khả năng thu mua tranh chữ, ắt đều là gia đình phú quý, dư dả. Còn người đi bán tranh chữ, chắc chắn là vì gia cảnh khốn khó, cần dùng tiền gấp. Nếu vì một câu nói của ta mà khiến hai bên không thể giao thương, thì chẳng phải người bán tranh chữ lâm vào cảnh khốn cùng hay sao?”
Người tu tâm dưỡng tính thì trường thọ. Ngày 28/3/1559, Văn Chinh Minh viết bia mộ cho mẫu thân của quan Ngự sử. Khi viết được một nửa, ông gác bút, ngồi ngay ngắn, rồi viên tịch, đi hết con đường nhân sinh của mình. Dẫu cả đời cơ thể yếu nhược nhưng ông lại hưởng thọ 90 tuổi, tuổi thọ rất cao so với người đương thời.
“Dưỡng tính cuối đời ngồi ngay chính” dẫu là đi đến phút cuối cùng của sinh mệnh, ông cũng không thay đổi tư thế “ngồi ngay chính” của mình. Bên trong vẻ ngoài “ngốc nghếch” ấy là sự bình hòa, lương thiện, nho nhã và nhân cách cao thượng.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tu dưỡng đạo đức đại trí nhược ngu Thư họa