Chuyện vua Lê giết oan công thần khiến nhà Lê sơ sụp đổ
- Trần Hưng
- •
Vào cuối thời kỳ Lê Sơ, Triều đình nhà Lê suy yếu, nhiều tướng lập cát cứ. Đến thời vua Lê Chiêu Tông, nhờ có Trần Chân phò giúp nên triều đình mới bình định được quân phản loạn. Nhưng chỉ vì gièm pha mà công thần Trần Chân bị giết oan, loạn lạc lại nổi lên, Mạc Đăng Dung nhân cơ hội này giết hết những kẻ chống đối mình rồi cướp ngôi, khiến nhà Lê Sơ chấm dứt.
Lê Uy Mục và Lê Tượng Dực khiến nhà Lê mục nát
Vua Lê Uy Mục là vị Vua bị sử sách chê trách. Cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” mô tả rằng: “Vua thích uống rượu, hiếu sắc, làm oai, giết hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm họ oán giận, người đời gọi là Quỷ Vương, điềm loạn hiện ra từ đây!”.
Em của Lê Uy Mục là Lê Oanh nhận được sự ủng hộ của nhiều quan lại và tướng Trịnh Duy Sản, liền tiến hành binh biến thành công và lên ngôi Vua, hiệu là Lê Tương Dực. Nhưng vua Lê Tương Dực chỉ lo việc Triều chính trong thời gian ngắn rồi sau đó lại sa đọa y như Uy Mục trước đó, khiến dân chúng lầm than, loạn quân nổi lên khắp nơi, Trịnh Duy Sản phải đánh đông dẹp bắc.
Trịnh Duy Sản nhiều lần có ý khuyên can Vua nhưng không được, lại còn bị phạt đánh. Thấy không thay đổi được Vua, quân khởi nghĩa của Trần Cảo thì đã áp sát Kinh thành nên năm 1516, Trịnh Duy Sản lập mưu giết chết Tương Dực, rồi lập chắt của vua Lê Thánh Tông là Lê Y mới 10 tuổi lên ngôi, hiệu là Lê Chiêu Tông.
Lúc này quân khởi nghĩa của Trần Cảo đã đánh chiếm được Kinh thành, Trịnh Duy Sản thống lĩnh toàn quân đánh lui được quân Trần Cảo, đưa Lê Chiêu Tông về Kinh thành chính thức lên ngôi Vua.
Trần Chân giúp nhà Lê trụ vững trong chiến loạn
Đất nước lúc này chưa ổn định, nổi loạn khắp nơi. Trong khi Trịnh Duy Sản cầm quân đánh dẹp thì ở Kinh thành, các tướng được thể cướp phá các nơi, hoàn toàn không có kỷ luật. Trịnh Duy Sản nghe tin thì cử người con nuôi rất có tài cầm quân là Trần Chân quay về Kinh thành dẹp loạn.
Trần Chân là tướng giỏi trụ cột, nhờ ông mà quân của Trịnh Duy Sản có nhiều trận thắng, được phong là Thiết Sơn bá. Trần Chân đi rồi, Trịnh Duy Sản không thắng được Trần Cảo, bị bắt và giết chết.
Trần Cảo thắng trận liền đưa quân đến Bồ Đề uy kiếp Kinh thành. Lúc này tướng tài năng nhất có thể chống giữ cho nhà Lê chính là Thiết Sơn bá Trần Chân. Trần Chần đưa quân đón đánh, khiến Trần Cảo phải bỏ chạy, cạo đầu giả làm sư để trốn tránh.
Mặc dù nhà Lê đã qua được loạn Trần Cảo, nhưng loạn kiêu binh vẫn chưa dứt. Sau khi Trịnh Duy Sản chết, các tướng không ai chịu phục ai nên đưa quân đánh lẫn nhau. Hai tướng chủ lực cầm nhiều binh lực là Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy đánh nhau khốc liệt không phân thắng bại.
Trần Chân thấy Trịnh Tuy là cháu họ của cha nuôi Trịnh Duy Sản, nên quyết định giúp đỡ. Ông cầm quân đánh Hoằng Dụ khiến Hoằng Dụ không sao chống nổi, phải chạy vào Thanh Hóa.
Theo “Đại Việt Sử ký Toàn thư” thì Vua sai Mạc Đăng Dung dùng thủy quân chặn Hoằng Dụ lại. Hoằng Dụ liền gửi cho Mạc Đăng Dung bức thư, Dung xem xong thì không đánh nữa, nhờ đó mà Hoằng Dụ thoát được.
Sau khi lập nhiều chiến công, Trần Chân trở thành trụ cột Triều đình, nắm mọi quyền bính trong tay. Thấy thế Mạc Đăng Dung liền kết thân, hỏi cưới con gái của Trần Chân cho con trai của mình là Mạc Đăng Doanh.
Triều đình hủ bại, Vua giết oan công thần
Năm 1518, có kẻ muốn lập mưu hại Trần Chân, nên gièm pha nói xấu ông với vua Chiêu Tông. Vua nhỏ mới 12 tuổi không rõ trắng đen nên nghe theo, giết oan công thần. Về sự kiện này, cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” ghi chép lại rằng:
Bấy giờ, có kẻ hiếu sự làm câu ca rằng: “Trần hữu nhất nhân, vi thiên hạ quân, thố [43b] đầu hổ vĩ, tế thế an dân” [Có một người họ Trần, làm vua thiên hạ, đầu thỏ đuôi hổ, trị nước yên dân]. Vì thế, quốc cữu Chử Khảo, Thọ quốc công Trịnh Hựu, cùng với Thuỵ quân công Ngô Bính bàn với nhau rằng: “Một người họ Trần” tức là Trần Chân, “đầu thỏ đuôi hổ” tức là cuối năm Dần đầu năm Mão, sợ rằng vào năm ấy sẽ có biến loạn, khuyên vua sớm trừ đi. Đến đây, khi tan chầu, vua cho gọi Chân và bọn đệ tử Trần Trí vào cả trong cung cấm sai người đóng các cửa thành, sai bọn lực sĩ bắt Chân. Chân chạy đến chân thành, người giữ cửa bắt chém đi.
Sự kiện này cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” có bình luận rằng:
Trần Chân ở triều Lê, có công lao không phải là nhỏ. Đương lúc giặc Cảo tiếm hiệu cướp ngôi ở Đông Kinh, Chân đem quân một lữ đêm ngày xoay sở đánh lại, đến hơn mười ngày mà tên đầu sỏ Cảo phải rút chạy. Đến khi giặc Cảo lại đánh đến Bồ Đề, Chân đem mấy ngàn quân vượt sông tiến đánh, chưa tới mươi ngày mà đồ đảng của Cảo tan vỡ, mặt trời mặt trăng của nhà Lê lại sáng, tông miếu của nhà Lê lại được thờ, so với Thần My khôi phục nhà Hạ Cát Phủ khuông phù nhà Chu có khác gì đâu. Thế mà khi giặc lớn chưa dẹp, bọn gian dương dòm ngó, trên thì vua ngu tối tin lời dèm, trong thì mẫu hậu gian phi gây hoạ, đến nỗi gọi vào cung cấm giết kẻ tướng thần.
Mạc Đăng Dung thừa cơ nắm quyền
Khi Trần Chân bị sát hại trong thành, bộ tướng của ông là Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính và Nguyễn Áng đang ở ngoài thành. Họ nghe tin liền đưa quân xông vào theo cửa Đại Hưng, nhưng quân canh cửa đóng chặt cổng thành nên không tiến vào được, các bộ tướng của ông phải rút lui.
Sau đó Nguyễn Kính cùng Nguyễn Áng tập hợp đội quân của mình tiến đánh Kinh thành để làm rõ vụ việc công thần Trần Chân bị giết oan, khiến cho vua Chiêu Tông đang đêm phải chạy trốn khỏi Kinh thành, rồi huy động quân các nơi đến ứng cứu.
Nguyễn Kính, Nguyễn Áng cầm quân đánh dữ dội. Đội quân này vốn có kỷ luật nghiêm minh, lại thắng trận mạc, nên đánh bại quân bảo vệ Kinh thành.
Theo “Đại Việt Sử ký Toàn thư”, Nguyễn Áng yêu cầu phải giết bọn Chử Khải, Trịnh Hựu, Ngô Bính vì đã gièm pha với Vua khiến chủ tướng Trần Chân bị chết oan. Vua không còn cách nào đành làm theo, nhưng Nguyễn Áng vẫn không rút quân vì muốn làm rõ lý do tội trạng khiến Trần Chân phải chết.
Mạc Đăng Dung lúc này luôn theo phò tá bên Vua, bèn khuyên Vua lánh đến Bảo Châu (huyện Từ Liêm này nay), Đô Ngự Sử và Phó Đô Ngự Sử khuyên can Vua không nên đi đều bị Mạc Đăng Dung giết chết. Mạc Đăng Dung nhân cơ hội này giết hại hết những ai chống đối mình, hòng tập trung quyền lực về bản thân.
Lê Quý Đôn trong “Đại Việt thông sử” cho rằng Mạc Đăng Dung vờ mượn lời yêu cầu của Nguyễn Kính, Nguyễn Áng để giết hại kẻ chống mình:
Đăng Dung muốn mượn thế giặc để giết hại đại thần, cho hết vây cánh nhà vua, bèn lập ra kế: Vờ cho người đi dụ bọn Kính, Áng hàng rồi mạo lời chúng yêu sách, liền ức hiếp triều đình giết Đoan quận công Ngô Bính, Thọ quận công Trịnh Hựu, và bọn Trử Khải để vừa lòng giặc.
Vua phải nhờ Hoằng Dụ ở Thanh Hoá đến hợp với quân Mạc Đăng Dung để lấy lại Kinh thành.
Nhà Lê sơ mất
Quân Hoằng Dụ ở Thanh Hóa cùng quân Mạc Đăng Dung ở Sơn Nam tiến đánh quân của Nguyễn Kính và Nguyễn Áng. Nhưng quân của Hoằng Dụ và Đăng Dung bị Nguyễn Kính đánh cho thua to. Hoằng Dụ phải xuống thuyền bỏ chạy, về đến Thanh Hóa thì chết.
Lúc này tướng Trịnh Tuy có lời muốn Nguyễn Kính theo mình, Nguyễn Kính nghĩ Trịnh Tuy từng theo Trịnh Duy Sản và Trần Chân nên đồng ý.
Trịnh Tuy đưa quân chống lại vua Lê Chiêu Tông nhưng không có đủ tài nên bị Mạc Đăng Dung đánh bại. Nguyễn Kính lại theo về với vua Lê nhưng đóng quân độc lập ở Sơn Tây, xem đây là địa bàn của mình.
Nhà Lê thời Lê Uy Mục đến Lê Tương Dực đã suy sụp, đến thời vua Chiêu Tông cũng không thể vực lên được. Mạc Đăng Dung nhân cơ hội đó đoạt quyền hành, khống chế vua Chiêu Tông, sau đó lại qua một loạt biến cố mà khống chế vua Lê Cung Hoàng, ép phải nhường ngôi. Cuối cùng nhà Lê mất và nhà Mạc lên thay.
Mầm họa của việc nhà Lê sơ sụp đổ bắt đầu từ Lê Uy Mục và Lê Tương Dực, nhưng giọt nước làm tràn ly ngẫm ra chính là việc Lê Chiêu Tông giết oan công thần.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Lê Hiển Tông: Từ bị giam một bước lên thẳng ngôi Vua
- Trạng nguyên Tam nguyên và bài biểu lui vạn binh nhà Minh
- Chút suy ngẫm về nhà Hậu Lê và 8 đời vua bị giết
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Lê sơ