Chuyện xưa: Nghĩa khí của Quán Cao
- Quang Minh
- •
Người xưa rất trọng nghĩa khí. Nghĩa khí chính là thấy việc đúng thì làm, bất chấp sự sống chết của bản thân. Tuy nhiên có đôi khi chết cũng không phải là điều đáng sợ nhất. Đáng sợ nhất chính là sống không bằng chết. Trong lịch sử có một câu chuyện nổi tiếng về nghĩa khí của Quán Cao, khiến tên tuổi ông vang lừng thiên hạ.
Chuyện Quán Cao xảy ra vào đầu thời Hán. Bấy giờ Hán Cao Tổ mới bình định thiên hạ, phong cho Trương Nhĩ có công làm Triệu Vương. Trương Nhĩ chết, con là Trương Ngao nối nghiệp được lập. Cao Tổ lại cho công chúa Lỗ Nguyên làm hoàng hậu của Trương Ngao. Quán Cao là tướng quốc nước Triệu.
Năm thứ bảy nhà Hán, Cao Tổ đi qua Triệu. Triệu Vương sáng chiều xắn tay lên, tự đưa đồ ăn cho Hoàng đế, rất cung kính, theo lễ của con rể. Nhưng Cao Tổ vốn là người thiếu lễ tiết, ghét lễ tiết, có chút lưu manh, nhờ mệnh trời và kế mưu mà bình định thiên hạ, nên coi thường Trương Ngao. Cao Tổ mặc kệ con rể lễ tiết, ngồi xổm mắng nhiếc, hết sức ngạo mạn khinh thường
Bọn tướng quốc nước Triệu là Quán Cao, Triệu Ngọ, cùng hơn sáu mươi kẻ sĩ khác nổi giận lắm, bàn với Trương Ngao: “Ngài thờ Cao Tổ rất cung kính mà Cao Tổ lại rất vô lễ, chúng tôi xin vì nhà vua mà giết Cao Tổ.”
Trương Ngao cắn ngón tay chảy máu, nói: “Tại sao các ông lại nói điều càn rỡ như vậy? Cha tôi trước mất nước, nhờ Cao Tổ nên được trở về nước của mình; ơn đức còn lại đến con cháu. Xin các ông đừng có mở miệng nữa.”
Bọn Quán Cao, Triệu Ngọ hơn mười người đều bảo nhau: “Thế là chúng ta trái! Vua chúng ta là người trung hậu không phản bội ơn đức. Nhưng bọn chúng ta nghĩa không chịu nhục, nay chúng ta giận Cao Tổ làm nhục vua chúng ta,cho nên mới giết ông ta, tại sao chúng ta lại làm nhơ bẩn đến nhà vua? Nếu như việc thành, chúng ta sẽ về với nhà vua, còn việc bại thì sẽ một mình chúng ta chịu.”
Tuy nhiên việc Quán Cao mưu giết Cao Tổ không thành rồi bị lộ. Cao Tổ cho bắt cả Triệu Vương Trương Ngao lẫn bọn Quán Cao.
Bấy giờ những người dự mưu đều tranh nhau tự đâm cổ chết. Quán Cao một mình nổi giận mắng họ: “Ai bảo các ông làm điều đó? Nay nhà vua thật không có liên quan gì, nhưng vẫn bị bắt; nếu các ông đều chết thì lấy ai để nói rằng nhà vua không làm phản.”
Vậy là bọn Quán Cao hơn mười người đều tự gọt đầu, xiềng cổ, làm nô lệ, đi theo Trương Ngao đến kinh đô.
Quán Cao đến, khai rằng: “Chỉ mình chúng tôi làm điều đó, nhà vua thực không biết gì.”
Viên lại quất mấy nghìn roi, nung sắt dùi vào thịt, thân hình Quán Cao không có chỗ nào lành, nhưng Quán Cao vẫn không nói khác.
Quan đình úy đem việc Quán Cao tâu lên. Cao Tổ nói: “Đó là tráng sĩ! Có ai biết hắn thì lấy tình riêng mà hỏi xem.”
Tiết Công làm trung đại phu vốn quen biết, đến hỏi, Quán Cao trần tình rằng: “Nhân tình ai lại không yêu cha mẹ vợ con của mình? Nay ba họ của tôi đều bị khép vào tội chết, tôi há vì nhà vua mà coi thường cha mẹ của tôi sao! Nhưng nhà vua thật không làm phản, chỉ có một mình bọn chúng tôi làm mà thôi.”
Cao Tổ biết chuyện bèn tha Triệu Vương Trương Ngao, lại khen Quán Cao là người hiền biết trọng lời mình đã hứa, sai Tiết Công báo cho Quán Cao.
Quán Cao nghe Trương Ngao đã được minh oan thì mừng rỡ, lại nghe Cao Tổ tha tội cho, bèn nói: “Tôi sở dĩ không liều chết cái thân tàn này là chỉ vì muốn chứng tỏ Trương Vương không làm phản. Nay nhà vua được ra, chức trách của tôi đã trọn, tôi chết không oán hận. Vả chăng, làm tôi mà mang lấy cái tiếng giết vua thì còn mặt mũi nào mà thờ hoàng đế nữa. Dù cho hoàng đế không giết tôi thì tôi chẳng thẹn trong lòng mình hay sao?”
Nói rồi Quán Cao bèn ngẩng đầu lên cắt cổ mà chết. Bấy giờ, danh tiếng Quán Cao vang dội khắp thiên hạ.
Những người tự xiềng cổ theo Trương Ngao vào kinh đô đều được khen là người hiền, đều được phong làm tướng quốc của chư hầu hay quan thú ở các quận. Con cháu đời sau của họ cũng đều làm quan.
Nghĩa khí của Quán Cao khiến người đời cảm phục. Coi thường sống chết là một lẽ, lấy lòng trung nghĩa và sự kiên trì trong cảnh sống không bằng chết để bảo toàn đạo nghĩa lại là một cảnh giới còn cao thượng hơn. Thoát khỏi hiểm cảnh rồi, ông lại một lần nữa tự chịu chết để nói rõ đạo làm bầy tôi với quân vương. Quán Cao một lần hành động mà phát dương đạo nghĩa, bảo tồn quân vương, khiến gia đình không chịu tội, thành toàn cho bao nhiêu người được làm khanh tướng, chính là lấy sinh mệnh của mình để làm lợi cho tất cả mọi người.
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trung nghĩa khí tiết