Cổ nhân dạy con: Bổng lộc của cha, con không nên hưởng
- An Hòa
- •
Sách “Nhan thị gia huấn – Giáo tử thiên” viết rằng đối với đại đa số người bình thường, nếu không được dạy dỗ thì không thể nên người được. Kỳ thực với cha mẹ mà nói, việc giáo dục con cái từ xưa đến nay luôn đòi hỏi công phu, đòi hỏi sự kiên trì, đòi hỏi nghiêm khắc. Trong sử sách có câu chuyện nổi tiếng “bổng lộc của cha, con không nên hưởng” để nói về điều này.
Lưu Tán là đại thần nhà Hậu Đường thời Ngũ Đại, người Ngụy Châu (nay là huyện Ký, tỉnh Hà Bắc). Lưu Tán xuất thân là tiến sĩ, vào triều làm quan, ông lần lượt đảm nhiệm qua các chức Trung thư xã nhân, Ngự sử trung thừa, Hình bộ thị lang. Lưu Tán làm quan không thiên vị tình riêng, không xu nịnh quyền quý, ông nổi tiếng là người chính trực nghiêm minh, tuân thủ pháp luật. Sự thành danh của Lưu Tán không thể không kể đến phương pháp giáo dục nghiêm khắc của cha ông là Lưu Tần.
Trong sách “Cựu Ngũ Đại sử. Lưu Tán truyện” viết rằng khi Lưu Tán còn nhỏ tuổi, Lưu Tần đang làm huyện lệnh. Lưu Tần đã yêu cầu vô cùng nghiêm khắc đối với con trai mình. Lưu Tán vừa đến tuổi đi học, cha đã dạy ông học các sách cổ như “Thi Kinh”, “Thượng Thư”… Không chỉ yêu cầu con tự học mà Lưu Tần còn sử dụng nội dung trong các cuốn sách ấy để dạy bảo con trong cuộc sống hàng ngày. Lưu Tán ngay từ nhỏ đã rất nghiêm túc học hành và đặc biệt yêu thích văn chương.
Để khích lệ con trai mình, Lưu Tần thường cho con trai mặc áo vải xanh. Đây là loại áo mà những người đi học thời xưa mặc, gọi là “Thanh câm”. Thường thường loại áo này người đi học đậu tú tài rồi mới được mặc. Qua đó có thể thấy kỳ vọng của Lưu Tần đối với con.
Người làm cha mẹ, thông thường đều sẽ nhường phần ngon cho con ăn, nhưng Lưu Tần không làm như vậy. Để khích lệ con chăm học, Lưu Tần không cho con được ăn ngon, không cho con được hưởng dụng bổng lộc vì có cha làm quan, để con thấu hiểu nỗi khổ. Mỗi lần ăn cơm, Lưu Tần sẽ một mình ăn thịt và luôn chuẩn bị một vài món rau cho con trai ăn.
Ông nói với con trai mình rằng: “Thịt là bổng lộc triều đình ban cho cha, là do tự bản thân cha kiếm được. Nếu như con cũng muốn ăn thịt thì cần phải chuyên cần học tập. Bổng lộc của cha không phải là thứ mà con nên hưởng.” Câu chuyện “để con nhìn thấy đồ ăn ngon mà không được ăn” sau này đã trở nên nổi tiếng.
Nhờ phương pháp giáo dục của cha, Lưu Tán rất chuyên cần học tập. Lúc hơn 20 tuổi ông đã nổi tiếng nhờ tài văn chương. Năm hơn 30 tuổi ông thi đậu tiến sĩ và trải qua các chức vị khác nhau. Mặc dù là người có quyền thế nhưng Lưu Tán trước sau đều không mưu cầu lợi ích cho bản thân mà luôn giữ mình thanh liêm chính trực.
Lưu Tán và Đậu Mộng Trưng là bạn học và cùng đỗ đạt, nhưng Đậu Mông Trưng mất sớm. Lưu Tán đã cùng năm người bạn học khác lo tang sự cho bạn mình. Sau đó, Lưu Tán lại chu cấp tiền sinh hoạt cho vợ con của bạn. Đây cũng là câu chuyện nghĩa tình được lưu truyền hậu thế.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Phương pháp dạy con của bậc hiền nhân xưa nghiêm khắc