Cổ nhân: Khúm núm, xu nịnh là việc làm của người khuyết thiếu “sỉ”
- An Hòa
- •
Người xưa tôn sùng và đề cao những lời nói chất phác mộc mạc, xem thường những ai “hoa ngôn xảo ngữ”. Một người có thể làm trước nói sau nhưng nhất định không nên nói chuyện tùy tiện hoặc chỉ nói mà không làm. Người xưa cũng cho rằng khúm núm xu nịnh là việc làm đáng xấu hổ của những ai khuyết thiếu “sỉ”.
Trong “Luận Ngữ. Công Dã Tràng”, Khổng Tử cho rằng: Hoa ngôn xảo ngữ, giả bộ sắc mặt dễ nhìn, cung kính quá mức đến thấp hèn là khuyết thiếu sỉ. Đem oán hận chất đầy trong lòng nhưng bộ dạng bên ngoài lại thể hiện ra như thân thiết cũng là đáng xấu hổ.
Người “khẩu thị tâm phi”, miệng nói một đường tâm nghĩ một nẻo, trong ngoài không đồng nhất, thì rất khó để trở thành người nhân từ. Người như vậy có nhân cách không tốt, là người giả tạo.
Trong xã hội, người “hoa ngôn xảo ngữ”, bộ dạng giả tạo lại rất nhiều. Có người còn xem đó là một loại kỹ năng sinh tồn, một loại thủ đoạn để tranh danh đoạt lợi. Nhưng những người xu nịnh như vậy thật khó để có được sự tín nhiệm lâu dài của người khác, bởi họ không biết xấu hổ nên sẽ tạo ra ác cảm với nhiều người. Cũng bởi vì họ bất chấp lương tri của bản thân nên họ dễ làm việc xấu, không kể hậu quả. Thuận theo thời gian trôi qua, “cảnh còn người mất”, những người này sẽ gặp phải kết cục thê thảm vô cùng. Trong lịch sử có rất nhiều ví dụ như vậy.
Thời nhà Hán, Hán Vũ Đế Lưu Triệt có một nịnh thần là Thượng Quan Kiệt. Chuyện là một lần, Hán Vũ Đế sinh bệnh, sau khi khỏi bệnh thì phát hiện ra ngựa của mình không được chăm sóc đầy đủ. Hoàng đế vô cùng tức giận nói với Thượng Quan Kiệt: “Quan nuôi ngựa có phải cho rằng ta không cần ngựa nữa?”
Thượng Quan Kiệt vốn nghĩ rằng Hoàng đế sắp chết nên không chăn ngựa nữa. Nay bị hỏi, ông ta chột dạ, nhưng lại giảo hoạt nói: “Thần nghe nói Hoàng thượng long thể bất an nên ngày đêm lo lắng, không còn lòng dạ chăm lo cho ngựa nữa. Hiện giờ Hoàng thượng đã bình phục rồi, thần có chết cũng cam tâm tình nguyện.”
Hán Vũ Đế nghe vậy tưởng thật, mọi tức giận trong phút chốc đã tiêu mất. Ông bèn trọng dụng Thượng Quan Kiệt. Từ đó Thượng Quan Kiệt một bước lên mây, nhanh chóng thăng làm Kỵ đô úy, Thái bộc, Tả tướng quân…
Sau khi Hán Vũ Đế qua đời, Thượng Quan Kiệt làm Phụ chính đại thần, lộng quyền, mưu lợi cá nhân, hãm hại trung lương. Nhưng chỉ được ít lâu, Thượng Quan Kiệt bị Hán Chiêu Đế nghiêm trị xử tử, tru di tam tộc.
Dương Quốc Trung thời Hoàng đế Đường Huyền Tông cũng là một nịnh thần. Dương Quốc Trung là anh họ Dương Quý Phi, không có học vấn, cũng không có nghề nghiệp, hành vi không đứng đắn, hoang dâm vô độ, không từ một việc xấu nào. Trong “Tân Đường Thư” viết về Dương Quốc Trung là: “Nịnh hót, chuyên chiều theo thứ mà Hoàng đế thèm”.
Dương Quốc Trung thông qua Dương Quý Phi, nắm rõ được tâm lý và sở thích, sở ghét của Đường Huyền Tông. Nhờ đó, ông ta dễ dàng được Đường Huyền Tông tin tưởng mù quáng. Về sau, Dương Quốc Trung được lên làm Tể tướng, một mình kiêm hàng chục chức.
Dương Quốc Trung mâu thuẫn với An Lộc Sơn, muốn mượn tay Hoàng đế để trừ An Lộc Sơn, cuối cùng dẫn đến việc An Lộc Sơn tạo phản. Sau đó Dương Quốc Trung bị loạn quân giết chết, triều Đường cũng từ thịnh chuyển thành suy.
Hòa Thân thời nhà Thanh cũng được đánh giá là kiểu người khúm núm xu nịnh. Những thủ đoạn này thực sự được Hòa Thân khai triển đến mức không ngờ. Dựa vào sự tín nhiệm của Hoàng đế Càn Long, Hòa Thân ra sức vơ vét của cải, kéo bè kết đảng. Nhưng đến khi Càn Long qua đời thì Hòa Thân liền bị Hoàng đế Gia Khánh tuyên bố phạm 20 tội trạng, ban cho tự vẫn.
Từ rất nhiều bài học lịch sử, có thể thấy người xu nịnh giả dối có thể được lợi thế nhất thời, nhưng vì họ không biết xấu hổ, không từ thủ đoạn, nên cũng hãm hại không ít người, cuối cùng trở thành hại chính bản thân mình.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Khổng Tử Càn Long liêm sỉ Vua Vũ Vua Thuấn