Trí tuệ cổ nhân: Người ỷ tài ỷ thế thường dễ gặp họa
- An Hòa
- •
Trong nền văn hóa truyền thống mấy ngàn năm, cổ nhân luôn đề cao đức hạnh khiêm tốn, thận trọng, khuyên rằng con người dù ở nơi nào cũng cần phải có thái độ xử thế khiêm tốn thận trọng, khi đối diện với những gian nan trắc trở trên đường đời thì không thể cậy tài khinh người, không được ỷ quyền cậy thế chẳng biết kiêng sợ, tự cao tự đại. Nếu một người không làm được như vậy thì rất dễ dàng gặp tai ương, phiền phức.
Trong lịch sử, rất nhiều văn nhân, học giả nhấn mạnh đến thái độ xử thế khiêm tốn thận trọng mà một người cần phải có. Vị quan nổi tiếng triều Thanh, Kỷ Hiểu Lam, cũng viết rất nhiều câu chuyện về đề tài này.
Kỷ Hiểu Lam làm quan tới chức Lễ bộ Thượng thư, kiêm Đại học sĩ, từng nhậm chức quan chủ biên bộ sách “Tứ khố toàn thư”. Khi về già, ông viết “Duyệt vi thảo đường bút ký” với rất nhiều câu chuyện hàm chứa đạo lý sâu sắc. Trong đó có kể lại một câu chuyện như sau.
Ở quê nhà Kỷ Hiểu Lam có một người tên là Đinh Nhất Sĩ. Người này rất cường tráng nhanh nhẹn, lại còn luyện tập quyền thuật và khinh công. Nơi cao đến 2 hoặc 3 trượng anh ta phi thân một cái là có thể nhảy lên trên, khoảng đất rộng mấy trượng anh ta cũng nhảy một cái là qua được.
Kỷ Hiểu Lam kể rằng bản thân ông từ lúc còn bé đã từng được chứng kiến công phu của người này. Lúc ấy ông đang đứng ở giữa nhà, nhìn về phía cửa trước thì thấy Đinh Nhất Sĩ đang đứng ở ngoài cửa, hai người đối diện với nhau. Khi ông vừa xoay người về phía cửa sau một cái thì Đinh Nhất Sĩ đã đứng ở bên ngoài cửa sau rồi, hai người lại tiếp tục đối diện nhau, cứ như vậy đến 7, 8 lần. Đinh Nhất Sĩ cất mình nhảy lên một cái là có thể nhảy qua mái nhà, như vậy chứng tỏ anh ta đã luyện thành công phu.
Sau này, có một lần Đinh Nhất Sĩ đi ngang qua thị trấn Đỗ Lâm, gặp một người bạn mời anh ta đến quán rượu bên cầu cùng uống rượu. Hai người đứng ở bờ sông, khi đã uống rượu thỏa thích, người bạn bèn nói với Đinh Nhất Sĩ: “Anh có thể nhảy qua bên kia sông không?” Người bạn nói còn chưa dứt lời thì Đinh Nhất Sĩ đã phi thân nhảy qua bên kia rồi.
Vị bằng hữu kia gọi Đinh Nhất Sĩ trở về, vừa nói xong anh ta đã nhảy trở về. Nhưng không ngờ ở chỗ vách đất dựng đứng phía bờ người bạn, ngay lúc Đinh Nhất Sĩ nhảy đi, đất đã nứt ra một khe hở. Đinh Nhất Sĩ không nhìn thấy, nên khi anh ta nhảy về , một chân vừa đạp đất thì bờ sông liền sụp xuống mất vài thước. Thế là anh ta rơi luôn xuống sông, bị dòng nước cuốn trôi.
Không may Đinh Nhất Sĩ lại không biết bơi. Trong lúc luống cuống, anh ta từ trong nước nhảy lên được vài thước, nhưng không thể nhảy tới bờ sông được. Nhảy lên rồi lại rớt xuống 4, 5 lần như vậy, cuối cùng anh ta vì kiệt sức mà bị chết đuối.
Kỷ Hiểu Lam vì thế mà cảm thán, đại ý rằng trong thiên hạ không có cái họa nào lớn bằng cái họa ỷ tài ỷ thế, không biết sợ. Kẻ ỷ giàu sẽ dễ chết vì kiệt quệ, kẻ ỷ thế sẽ dễ chết vì thất thế, kẻ ỷ mưu trí sẽ dễ chết vì mắc mưu, kẻ ỷ sức sẽ dễ chết vì kiệt sức. Đó là bởi vì những người ỷ thế cậy tài thường vì tâm lý thích hiển thị, tâm lý tự mãn, khoe khoang, mà hay cả gan mạo hiểm, cuối cùng chuốc họa vào thân.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Kỷ Hiểu Lam tai họa thận trọng đối nhân xử thế khiêm tốn