Vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh để làm Pháp khí cho nhà Nguyễn, đây là quốc bảo và tượng trưng cho sự trường tồn của hoàng gia. Trong số các hình ảnh được khắc lên Cửu đỉnh có “Vĩnh Tế hà”, hay sông Vĩnh Tế. Cái tên này kỳ thực bắt nguồn từ tên một người phụ nữ.

cuu dinh 11
Cửu Đỉnh nhà Nguyễn. (Ảnh: Lê Tấn Lộc, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Định cư ở Cù lao Dài

Năm 1729, một người gốc Lào là Prea Sot xách động người Cao Miên tàn sát người Việt ở vùng Banam, rồi cho quân quấy nhiễu vùng đất sau này gọi là Sài Gòn.

Nhà Nguyễn cho Nguyễn Cửu Triêm đi đánh, quân Cao Miên thua chạy về Vũng Gù (thuộc Mỹ Tho ngày nay), quân chúa Nguyễn tiến tiếp vào Vũng Gù đánh bại đám loạn quân của Cao Miên.

Vua Cao Miên sợ bị vạ lây, liền gửi thư giải thích rằng mọi việc đều do Prea Sot gây ra, đồng thời xin đem Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long) dâng chúa Nguyễn để cầu hòa.

Chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp nhận 2 vùng đất này, cho lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ ở Vĩnh Long. Vua bổ nhiệm quan lại địa phương rồi đưa thêm dân Việt đến khai hoang lập nghiệp.

Con sông Mang Thít (còn gọi là sông Cổ Chiên) ở Vĩnh Long, phía giữa dòng nổi lên một cù lao hình con thoi. Có 5 thôn được lập trên cù lao này nên cù lao này được gọi là Cù lao năm thôn, hoặc Cù lao Dài.

Ngôi làng đầu tiên ở mạn bắc của Cù lao này là làng Man Thiện.

Khi dòng người Việt đến Vĩnh Long, có gia đình ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán đến định cư ở làng Man Thiện. Năm 1766 thì ông bà sinh được người con gái đầu lòng đặt tên là Châu Thị Vĩnh Tế.

Trò đùa tuổi trẻ khiến tai họa ập đến

Một ngày cuối xuân năm 1776 ở Quảng Nam, nơi con sông bên bến đò Hà Thân của làng An Hải, có hai thanh niên trẻ là Nguyễn Văn Thoại và Trần Văn Đạt đang tắm dưới sông thì một viên quan sở tại đi ngang qua với dáng vẻ rất hách dịch.

Một chàng trai dưới sông tinh nghịch, tát nước lên làm ướt hết bộ đồ viên quan này khiến ông ta tức tối xuống sông tìm đánh. Chàng trai còn lại đến để cứu bạn. Hai người cứ nhận viên quan này xuống nước rồi ngoi lên.

Sau việc này, viên quan tức tối tìm cách trả thù.

Gia đình Trần Văn Đạt nhanh chóng chạy đến quê ngoại là làng Trà Khê, gần chân núi Ngũ Hành Sơn để lánh nạn. Sau này Trần Văn Đạt gia nhập quân Tây Sơn với tên là Trần Quang Diệu. Ông cùng vợ mình là Bùi Thị Xuân trở thành tướng tài trụ cột của nhà Tây Sơn.

Còn gia đình Nguyễn Văn Thoại phải tức tốc lên nghe bầu về phương nam, định cư ở Cù lao Dài trên sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Vĩnh Long, nơi có 5 thôn. Gia Đình Nguyễn Văn Thoại ở làng Thới Bình, gần làng Man Thiện.

Nguyễn Văn Thoại lớn hơn Châu Thị Vĩnh Tế 5 tuổi. Hai làng gần nhau nên hai người cũng dễ dàng quen biết nhau.

Nên duyên vợ chồng

Năm 1777, Nguyễn Văn Thoại mới 16 tuổi đã đầu quân cho chúa Nguyễn Phúc Ánh, đi chinh chiến khắp nơi. Trong khi đó ở quê nhà Vĩnh Tế lớn lên nổi tiếng người xinh đẹp, nết na lại giỏi việc.

Đến năm 1788 khi Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại được Gia Định và xưng Nguyễn Vương thì Nguyễn Văn Thoại cũng đã ổn định hơn, thường hay về nhà.

Nguyễn Văn Thoại năm 27 tuổi hỏi cưới Vĩnh Tế đã 22 tuổi, hai người từ đó nên duyên vợ chồng.

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh đánh bại quân Tây Sơn, lên ngôi vua Gia Long lập ra nhà Nguyễn. Nguyễn Văn Thoại theo mệnh Vua hết trấn thủ ở Lạng Sơn ngoài bắc đến Định Tường trong nam, có lúc còn sang Cao Miên. Vĩnh Tế dù là phu nhân của quan lớn nhưng chẳng mấy khi được sống cùng chồng, phải lo cả việc nhà chồng lẫn cha mẹ mình.

Năm 1817, Nguyễn Văn Thoại được ban tước Thoại Ngọc Hầu, làm Trấn thủ Vĩnh Thanh bao gồm một vùng đất rộng lớn: Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên và một phần Kiên Giang ngày nay. Lúc này hai vợ chồng mới ở gần nhau hơn nhưng đều đã ngoài 50 tuổi.

Thoại Ngọc Hầu cho mở rộng Cù lao Dài, lập thêm 5 làng nữa. Lại cho đào con kênh dài 30 cây số nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với Giá Khê (Rạch Giá). Vua Gia Long cho lấy tên Thoại của ông để đặt tên cho kênh này gọi, gọi là “Thoại Hà”, ngọn núi Sập ở đầu kênh là “Thoại Sơn”.

Vĩnh Tế hà

Vua Gia Long khi xem địa đồ vùng đất Nam bộ nhận thấy nếu có con đường thủy thông được từ sông Châu Đốc đến Hà Tiên thì cả nông nghiệp và thương nghiệp đều được thuận lợi phát triển. Vua muốn làm một con kênh nối hai vùng này, tuy nhiên dân chúng còn chưa yên mà làm một công trình to lớn này cần huy động rất nhiều sức dân nên Vua chưa muốn làm ngay.

Năm 1819 có người từ Cao Miên sang nói Cao Miên cũng muốn có con kênh này, nên sẵn sàng giúp sức. Tháng 9/1819, Vua mới quyết định cho đào kênh, giao cho Thoại Ngọc Hầu cùng các quan thực hiện. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng việc đào kênh bắt đầu từ ngày 15 tháng Chạp 1819.

Con kênh này có chiều dài 87 km, rộng 30 m, sâu 2,55 m. Số người được huy động hơn 90.000 người cả người Việt và người Cao Miên (đa số là người Việt) thay nhau thực hiện 5 năm.

kenh vinh te 1929
Kênh Vĩnh Tế năm 1929. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Việc đào kênh vô cùng gian khó và vất vả, lại thêm thú dữ tấn công và dịch bệnh hoành hoành. Việc tiếp tế lương thực, nấu ăn cũng muôn vàn khó khăn.

Bà Vĩnh Tế đã xuất hiện trong những lúc khó khăn, chỉ huy việc đào kênh. Lúc chồng bận việc mà rời công trình, bà thay chồng quán xuyến mọi việc, tiếp tế lương thực, nấu ăn, tìm thuốc chữa bệnh cho người đau yếu, bà đều cáng đáng cả.

Vì công lao của bà to lớn nên người dân có câu:

Nước Nam trai sắc gái tài
Gương bà Châu Thị lưu đời ngàn năm.

Kênh được đào xong, giao thông vô cùng thuận lợi, nông nghiệp và thương nghiệp thuận lợi phát triển, đời sống dân chúng dần khá lên.

Lúc này vua Minh Mạng đã lên nối ngôi rất mừng, liền luận công ban thưởng. Thấy ai cũng nói về bà Vĩnh Tế, vua Minh Mạng liền cho đặt tên con kênh này là kênh Vĩnh Tế.

Do con kênh này quá dài, nên nhà Nguyễn chính thức không gọi là “kênh” mà gọi là “Vĩnh Tế hà” tức sông Vĩnh Tế.

Được khắc trên Cửu Đỉnh

vinh te ha
Vĩnh Tế hà được chạm khắc trên Cao Đỉnh. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Sau này Ai Lao (Lào) xin được bảo hộ và sáp nhập vào Việt Nam, nhà Nguyễn cũng cho sáp nhập các vùng đất Campuchia vào lãnh thổ, đặt tên là Trấn Tây Thành.

Năm 1835 diện tích Việt Nam vô cùng rộng lớn, bao gồm vùng đất Ai Lao (tức Lào ngày nay), hầu hết phần đất của Campuchia, diện tích rộng 575.000 km2 tức gấp 1,7 lần so với Việt Nam bây giờ (331.698 km2 tính cả diện tích trên biển).

Vua Minh Mạng cho đúc Cửu Đỉnh để làm Pháp khí cho nhà Nguyễn, đây là quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia. Cửu Đỉnh gồm 9 Đỉnh là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh.

Cao đỉnh là đỉnh đầu tiên trong Cửu Đỉnh, được khắc chim trĩ rất đẹp, ngoài ra còn có biển Đông là biển lớn nhất gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc. Hình “Vĩnh Tế hà” cũng được chạm khắc vào đây, gắn liền với sự trù phú và rộng lớn của vùng đất phương nam. Tên gọi Vĩnh Tế cũng là biểu tượng cho người con gái nết na xinh đẹp và đức hạnh của phương nam.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: