Cuộc sống thường ngày của Tưởng Giới Thạch
- An Hòa
- •
Xưa nay có rất nhiều người dù thành công và nổi tiếng nhưng lại chọn lối sống đơn giản và có kỷ luật cao, Tưởng Giới Thạch cũng nằm trong số ấy. Ông chọn lối sống mộc mạc giản dị và lấy việc “hạn chế nổi danh” để làm nguyên tắc sống của mình. Trong tác phẩm “Những ngày sống bên cha con Tưởng Giới Thạch của tôi”, tác giả Vương Phong đã nói lên cuộc sống vô cùng bình dị của nhà lãnh đạo này: ngủ sớm dậy sớm, uống nhiều nước sôi, không uống nước lạnh, ngồi tĩnh tọa vào thời gian cố định, cầu nguyện và vận động thân thể, mỗi ngày đều viết nhật ký, xem báo chí, ăn uống điều độ tiết chế, giải trí có kỷ luật, nghỉ ngơi một cách hữu ích. Vậy, một ngày của nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch diễn ra như thế nào?
Hoạt động buổi sáng
Chu Hy, một nhà Nho nổi tiếng vào thế kỷ 12, từng viết: “Điều cốt yếu của một ngày nằm ở buổi sáng, của một năm là ở mùa xuân, và của đời người là ở sự siêng năng”. Tưởng Giới Thạch cũng có thói quen như vậy. Ông thường dậy và rời khỏi giường từ khi trời còn chưa sáng. Ông cầm theo chiếc đèn pin nhỏ nhẹ nhàng đến phòng vệ sinh cá nhân. Ông rất chú trọng thói quen vệ sinh cá nhân và không bao giờ làm lẫn lộn đồ vệ sinh cá nhân của mình với người bên cạnh mình. Ông vốn là quân nhân nên thời gian và hành động vô cùng chính xác.
Sau khi làm các công việc vệ sinh cá nhân xong, ông uống một chút nước ấm và lên sân thượng bắt đầu thực hiện một số động tác giúp thân thể dẻo dai, hát Thánh ca. Trở lại thư phòng, ông bắt đầu ngồi thiền trong khoảng 40 phút. Theo tác giả Vương Phong, điều kỳ lạ là cho dù ông không tính toán thời gian nhưng thường thường đều vừa vặn đến 40 phút thì ông dừng lại, chuẩn xác đến mức khiến người khác không tin nổi.
Ngồi thiền xong, Tưởng Giới Thạch viết nhật ký trong thư phòng và đọc sách báo. Ông thường tận dụng thời gian mà tinh thần tỉnh táo nhất để viết nhật ký. Sau khi ăn bữa sáng xong, ông sẽ nhờ thư ký của mình đọc lại báo một lần nữa để ông nghe và ghi nhớ những tin tức quan trọng.
Dùng bữa
Tưởng Giới Thạch ăn uống vô cùng thanh đạm, đơn giản và đặc biệt thích ăn những món hương vị quê nhà. Ông không phải người thích ăn uống của ngon vật lạ. Dù là bữa sáng, trưa hay tối, trên bàn ăn của ông chỉ có khoảng năm món, mỗi món ông đều ăn một chút và không kén ăn.
Tác giả Vương Phong kể rằng, tính tiết kiệm của Tưởng Giới Thạch thể hiện rõ ngay trong cách ăn uống. Ông có thói quen khi ăn chuối, thường ăn một nửa vào bữa trưa và nửa còn lại chưa ăn hết sẽ được dùng vào bữa tối.
Có một lần, Tưởng Giới Thạch ăn cơm cùng hai người cháu trai là Tưởng Hiếu Võ và Tưởng Hiếu Dũng. Khi người làm mang lên hai miếng dưa hấu, ông đã dùng con dao cắt đôi một miếng ra và chia cho hai cháu ăn. Ông còn khuyên bảo cháu: “Ăn uống cũng cần phải tích phúc, đừng tùy tiện lãng phí, chỉ cần đủ ăn là tốt rồi!” Dù nắm giữ chức vụ cao, được trọng vọng nhưng Tưởng Giới Thạch không bao giờ yêu cầu hưởng thụ những món ngon tinh xảo.
Làm việc và nghỉ ngơi
Sau khi dùng xong bữa sáng, Tưởng Giới Thạch bắt đầu việc thường nhật của mình: bàn bạc công việc, tiếp đãi khách, phê duyệt chỉ thị công văn. Đến trưa, ông luôn dành một khoảng thời gian ngắn nhất định để nghỉ trưa và dành khoảng 25 phút ngồi tĩnh tọa rồi mới bắt đầu làm việc buổi chiều. Thông thường, sau khi đã hoàn thành các công việc trong ngày, ông đi ra ngoại thành hóng gió, tuần tra hoặc ở trong vườn hoa tản bộ. Trên cơ bản, ông luôn để thân thể ở trong trạng thái không ngừng hoạt động.
Vợ của ông, bà Tống Mỹ Linh là người vô cùng yêu thích phim. Bà có thể vì một bộ phim hấp dẫn mà quên ăn quên ngủ, nhưng Tưởng Giới Thạch không bị phim ảnh làm mê hoặc. Buổi tối, ông cùng bà dùng bữa và xem phim, xem kịch, nhưng đến giờ ngủ, ông nhất định sẽ dừng lại. Trước khi đi ngủ, ông xem lại những gì đã ghi chép trong ngày một lần nữa và lại ngồi tĩnh tọa trong khoảng thời gian 40 phút, đi tản bộ trong ít phút.
Đam mê “âm nhạc” và “sơn thủy”
Tưởng Giới Thạch là người đặc biệt coi trọng và yêu thích âm nhạc truyền thống Trung Hoa. Sau khi chính phủ trung ương chuyển đến Đài Loan, có lần Tưởng Giới Thạch dự tiệc cùng Tổng Thống Philippines, ông đã nói sở thích của mình là “âm nhạc” và “sơn thủy”.
Trong cuốn sách “Văn hóa Trung Hoa và giáo dục âm nhạc của Trung Quốc”, chuyên gia âm nhạc, giáo sư Hà Minh Trung, cũng từng nhắc đến những điều mà ông nghe được, thấy được khi ở bên cạnh Tưởng Giới Thạch:
Kể từ khi Tưởng Giới Thạch phục chức ở Đài Loan, ông đã liên tục đi thăm các vị nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Lý Thừa Vãn, Tổng thống Philippines Carlos Polistico García… Mỗi lần tổ chức quốc yến, ông chỉ mời duy nhất đoàn quốc nhạc biểu diễn, không dùng loại hình nghệ thuật nào khác.
Trước khi đoàn nhạc biểu diễn, Tưởng tiên sinh đều hướng đến quan khách giới thiệu vẻ đẹp cao nhã của âm nhạc truyền thống Trung Hoa cho các nguyên thủ. Điều khiến mọi người kính phục hơn nữa là sau khi tan tiệc, ông còn mời những vị khách quý đến hậu đài để chiêm ngưỡng các loại nhạc cụ mà đoàn quốc nhạc sử dụng. Điều này cho thấy sự xem trọng và yêu mến của Tưởng tiên sinh đối với nền âm nhạc của quốc gia mình.
Vì để phát huy mạnh mẽ văn hóa nhạc giáo của Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch đã đích thân chỉnh lý “Dân sinh chủ nghĩa dục nhạc lưỡng thiên bổ thuật”. Ông chủ trương đưa giáo dục âm nhạc vào giáo dục quốc dân, lập kế hoạch sáng lập ngành âm nhạc trong các trường đại học, trung học, và tiểu học. Ông cũng nhiều lần đi thăm và tìm hiểu các loại nhã nhạc thanh cao, lễ nghi. Ngoài ra ông còn cùng học sinh của các ngành âm nhạc, vũ đạo chụp ảnh chung.
Bà Tống Mỹ Linh có sở thích đọc sách tiếng Anh, vẽ tranh. Thói quen trong cuộc sống hằng ngày của hai vợ chồng có thể nói là khác biệt trời đất. Bà Tống Mỹ Linh là một người thích thức khuya, dùng bữa đều là đồ ăn Tây, những vật họ thích cũng bất đồng. Nhưng hai người chưa từng can thiệp vào thói quen của nhau mà dành cho đối phương sự tôn trọng, sống hòa thuận với nhau suốt mấy chục năm.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Tưởng Giới Thạch Nhân vật lịch sử Âm nhạc Trung Hoa cổ đại