Đạo đức nghề nghiệp còn không?
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Tôi học nhiều nghề. Và tôi có cái may mắn là thầy dạy nghề nào cũng có tâm với nghề, hay nói cách khác là có đạo đức nghề nghiệp.
Do thầy dạy có đạo đức nghề nghiệp nên việc học nghề của tôi cũng khá vất vả vì thầy khó tính, luôn dạy bảo chỉn chu từ những bước cơ bản đầu tiên, phân tích để học trò hiểu tại sao phải như thế. Từ đó, tôi luôn đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu, do đó tôi rất khó chịu khi gặp phải những người không có đạo đức nghề nghiệp trong cuộc sống. Thầy bảo, “Khi có đạo đức nghề thì làm bất kỳ việc gì cũng giỏi và đem lại lợi ích vì người có đạo đức nghề sẽ đồng thời có: tinh thần trách nhiệm, học hỏi, tận tâm. Không giỏi mới lạ!”
Khi làm bất cứ việc gì mà mình có đạo đức nghề nghiệp thì sẽ không thể cẩu thả, làm sơ sài cho có. Việc này, tưởng chỉ trong việc thực hành nghề nghiệp để kiếm tiền, nhưng không phải vậy, đạo đức nghề nghiệp sẽ theo con người vào trong cuộc sống, vào ứng xử, vào tất cả mọi việc.
Bạn là người thợ điện có đạo đức với nghề, bạn không thể chấp nhận vì lợi nhuận mà đi dây ẩu tả, cắt bớt hay chắp vá… để người dùng phải chịu nguy hiểm tính mạng trong tương lai. Bạn là người thợ hồ có đạo đức nghề thì xây một đường gạch cong sẽ làm bạn khó chịu. Bạn là một đầu bếp có đạo đức, ban sẽ không thể dùng thực phẩm không an toàn để nấu cho khách. Bạn là một chính trị gia, bạn sẽ không thể không nghe lời phản biện.
Và khi bạn có đạo đức nghề trong bất kỳ lĩnh vực nào mà mình hoạt động thì bạn cũng đồng thời có đạo đức trong ứng xử, cũng như đòi hỏi ở người, ngành khác phải có đạo đức nghề nghiệp. Một xã hội mà số đông có đạo đức nghề nghiệp thì xã hội đó phát triển, khoa học, văn minh.
Ở Việt Nam bây giờ, đạo đức nghề nghiệp còn không? Tôi thấy nhiều anh chị xây nhà thì cứ nơm nớp lo sợ, phải canh thợ canh thầu như… canh kẻ thù! Sự tin tưởng không có bởi hở mắt ra là thợ thầu sẽ làm dối, làm ẩu ở một công đoạn nào đó mà sau không thể sửa lại.
Ông anh làm nhôm kính, làm cho 10 nhà thì hết 8 không có sơ đồ đường ống nước đi ngầm. Cứ phải đoán và vừa cắm mũi khoan vừa cầu nguyện cho nó… tránh đụng đường ống nước! Đôi khi Thượng Đế ngó lơ, khoan trúng đường nước, ăn đủ cả ngày vì phải hì hục sửa trong khi việc chính chỉ mất một tiếng là xong. Mất cả ngày, mất công, lỗ vốn, chỉ vì thằng làm trước không có đạo đức nghề.
Khi không có đạo đức nghề, người ta đòi lấy tiền công làm cỏ sân vườn 100 ngàn một giờ vì cho rằng chỉ nhà giàu mới có đất để thuê người làm cỏ (!?) Nhà khác trả 110 ngàn thì người làm cỏ ngay lập tức bỏ đi bất kể là đã làm cho nhà này xong hay chưa. Đó là thực tế đang diễn ra tại Sài Gòn. Cứ để ý quan sát và va chạm sẽ thấy rất nhiều ví dụ.
Không riêng Sài Gòn, giờ đi đâu bất kỳ, đụng vào việc gì, ngành nào cũng thấy sự ẩu tả. Sự ẩu tả trong các chính sách, trong cách giáo dục, tuyên truyền, định hướng, trong truyền thông, trong y tế, trong xây dựng, trong nông nghiệp, trong mọi mặt đời sống…
Và người dân làm nghề, nếu làm việc có đạo đức nghề nghiệp thì… ăn đất. Bởi cái guồng máy này quá lớn, quay quá nhanh, và nghiền nát mọi sự đạo đức. Con người ta vì sinh tồn, buộc phải chấp nhận và biến hóa, để rồi trở thành thói tính, không còn biết tôn trọng đạo đức nghề nghiệp nữa. Việc không cần đạo đức nghề trở thành điều bình thường trong một xã hội bất thường. Người ta đã quen với những điều bất hợp lý đến nỗi thấy nó thành điều hợp lý.
Làm sao để xây dựng lại?
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa thói xấu người Việt đạo đức nghề nghiệp Nguyễn Thị Bích Ngà