Có lẽ hầu hết chúng ta đều từng xem những bộ phim Trung Quốc chuyển thể lại tứ đại danh tác Trung Hoa: Tây Du Ký, Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng Lâu Mộng. Tuy nhiên những gì có trên màn ảnh chỉ là tình tiết và bối cảnh mà thôi, những tinh hoa chân chính đều nằm trong nguyên tác. Mà điều sâu sắc và hiển nhiên nhất chính là phần mở đầu và kết thúc của mỗi danh tác này.

TAM QUỐC DIỄN NGHĨA

Truyện Tam Quốc từ khi bắt đầu tới khi kết thúc, kỳ thực đều là một vòng tuần hoàn nhân trước quả sau lặp lại mãi không thôi. Trong truyện có tâm cơ, nhưng ngoài truyện thì lại có thiên cơ…

Tam Quốc
Tích “Tam cố mao lư”, Lưu Bị ba lần đến lều cỏ cầu Khổng Minh, khiến cho có người “tri thiên mệnh” mà vẫn cảm động theo phò Lưu Bị. (Public Domain)

Sự khởi đầu cũng là kết thúc

Tam Quốc đã mượn một bài thơ của Dương Thận, một nhà học vấn đại tài thời Minh, cho phần mở đầu của mình:

Lâm giang tiên
Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,
Lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại,
Kỷ độ tịch dương hồng.

Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
Quán khan thu nguyệt xuân phong.
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.

Bản dịch của Hoàng Tâm:

Trường giang cuồn cuộn chảy về đông,
Sóng trắng cuốn phăng mọi anh hùng.
Đúng sai, thành bại, đều mây khói.
Núi xanh lặng đón bóng dương hồng.

Ngư tiều tóc bạc trên bến sông,
Quen với trăng thu gió xuân nồng.
Rượu đục tương phùng vui say bước.
Cổ kim bao chuyện, tiếng cười trong.

Bài thơ được dùng trong bối cảnh của Tam Quốc quả là vô cùng phù hợp. Chúng ta dường như đang nhìn thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, từng lẫy lừng một thời, đã nếm trải hết thảy mọi thành bại trên thế gian, đứng ở mũi thuyền đang rời bến, nâng ly rượu nồng, cất tiếng hát bài ca này.

Nếu cả đời ngược xuôi vì công danh, thì dẫu là những vị anh hùng khuấy đảo trời đất trong Tam Quốc, cuối cùng vẫn sẽ rơi vào cảnh tranh đấu, chẳng thể vượt thoát. Mỗi người chúng ta, trong vòng xoáy hiện thực này há chẳng phải cũng giống như vậy hay sao?

Nhưng chí ít chúng ta cũng hiểu được đạo lý rằng: Đốn ngộ là phải nhảy thoát, vượt lên những giàng buộc của muôn trùng danh lợi, dục vọng; giống như một người ngoài cuộc nhìn những thị phi thành bại trong Tam Quốc trở về không, nhìn những con sóng bạc đầu trong lịch sử lần lượt đưa tiễn các vị anh hùng. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể cười nói dưới trăng thu gió mát. Tiếc thay, thế nhân khi tranh giành cũng chỉ giống những người đang mê đắm trong cuộc mà thôi.

Vậy làm thế nào mới có thể nhảy thoát khỏi vòng danh lợi, tranh đấu nơi thế gian? Cần quan sát nhân tâm, quan sát con người, quan sát thế gian, quan sát tự tại. Tam quốc bắt đầu từ một nơi cao, rồi nhẹ nhàng và mạnh mẽ bày đặt ra trước mắt chúng ta chuyện hợp tan nơi nhân thế.

Chuyện tương lai chẳng phải là không thể biết, nhưng…

Về chuyện Tam quốc, đến nay rất nhiều người lấy làm tiếc vì nhà Thục không thống nhất được thiên hạ. Nhiều người tiếc nuối, giá như không có cơn mưa lớn ở hang Thương Phương cứu cha con Tư Mã Ý cùng đại quân Ngụy; nếu như khi Gia Cát Lượng đánh bại quân Tư Mã Ý chuẩn bị tiến đến kinh thành nước Ngụy, Thục Chủ là Lưu Thiện đừng nghe lời xàm tấu bắt gọi Gia Cát Lượng kéo quân về nửa chừng thì mọi nguyện đã khác.

Nhưng đó đều là thiên ý!

Khi Lưu Bị lên lều cỏ tìm Gia Cát Lượng giúp mình, Gia Cát Lượng nhận thấy vận mệnh nhà Hán đã hết, nhưng trước sự kiên nhẫn của Lưu Bị, ông quyết định giúp Lưu Bị.

Sáu lần xuất binh ra Kỳ Sơn phạt ngụy, trên đường hành quân trên xe ngựa ông đã viết “Mã tiền khóa” dự đoán tương lai hàng trăm năm sau. Mặc dù Tam quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết, nhưng “Mã tiền khóa” lại là tác phẩm có thật trong lịch sử, được coi là thơ tiên tri, cũng giống như Thôi Bối Đồ, Mai Hoa Thi của Trung Hoa, Cách Am Di Lục của Triều Tiên hay Sấm Trạng Trình của Đại Việt. Ở đây chỉ nói về hai khóa mở đầu mà thôi.

Mở đầu “Mã tiền khóa”, Gia Cát Lượng đã viết trong khóa thứ nhất rằng:

Vô lực hồi thiên
Cúc cung tận tụy
Âm cư Dương phất
Bát thiên nữ quỷ

Tạm dịch là:

Không sức đổi Trời
Còng mình gắng sức
Âm tồn Dương phất
Tám ngàn nữ quỷ

“Vô lực hồi thiên, Cúc cung tận tụy” là nói bản thân Gia Cát Lượng, như ông viết trong “Xuất sư biểu”“Thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”“Âm cư Dương phất” chỉ hoạn quan Hoàng Hạo loạn quyền, Khương Duy chỉ có thể duy trì tàn cục chứ không thể làm gì được.

Câu cuối “Bát thiên nữ quỷ”: Chữ “Bát” (八) thêm chữ “thiên” (千) thêm chữ “nữ” (女) rồi thêm chữ “quỷ” (鬼), hợp thành một chữ “Ngụy” (魏) ý nói trong ba nhà Ngụy, Thục, Ngô thì cuối cùng rồi nhà Ngụy sẽ có được thiên hạ.

Gia Cát Lượng dù khi ấy đang trên đường hành quân đánh Ngụy, nhưng ông đã biết trước rằng nhà Ngụy rồi sẽ thắng, bản thân ông dù biết trước cũng “không sức đổi trời”, chỉ có thể “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”, đó là để báo ơn “tri ngộ” của Lưu Bị.

Tam Quốc
(Public Domain)

Khóa thứ hai trong “Mã tiền khóa” cho thấy ông biết trước kết thúc tam quốc phân tranh, nhà Tấn sẽ lên ngôi:

Hỏa thượng hữu hỏa
Quang chúc Trung Thổ
Xưng danh bất chính
Giang Đông hữu hổ

Tạm dịch là:

Trên lửa có lửa
Rọi sáng Trung Thổ
Xưng danh bất chính
Giang Đông có hổ

“Hỏa thượng hữu hỏa”, trên “hỏa” (火) có “hỏa” (火) tức hai chữ hỏa trên dưới tạo thành chữ “Viêm” (炎). Chỉ Tư Mã Viêm lập nên triều Tấn. Sau đó nhà Tấn thống nhất Trung Nguyên, nên gọi là “Quang chúc Trung Thổ”.

“Xưng danh bất chính” chỉ triều Tấn của Tư Mã Viêm thực chất là soán ngôi Tào Ngụy mà kiến lập, mà Tào Ngụy lại là soán ngôi triều Hán mà kiến lập, danh không chính ngôn không thuận. Bởi vậy nên nhà Tấn sau đó xảy ra nội chiến. “Giang Đông hữu hổ” chỉ Đông Tấn thành lập, đóng đô tại Kiến Khang thuộc Giang Đông. Tuy vậy đây là chuyện tương lai sau thời Tam Quốc.

Quay lại tiểu thuyết, chính vì “Không sức đổi trời” nên khi Gia Cát Lượng lừa cha con Tư Mã Ý cùng đại quân nước Ngụy đến hang Thượng Phương, quân Thục dùng hỏa quân thiêu quân Ngụy. Không còn đường thoát, cha con Tư Mã Ý ngửa mặt lên trời gào khóc chờ chết, đột nhiên một cơn mưa lớn đổ ập xuống cứu thoát nước Ngụy.

Kỳ sơn tháng 9 không bao giờ có mưa, nhưng trời lại mưa một lần duy nhất, và đó chính là cơn mưa cứu nước Ngụy. Điều đó thể hiện rằng ngọn lửa tài năng nhiệt huyết của con người không thể nào thắng được cơn mưa của trời.

Cảm thán trước sự việc này “Tam quốc diễn nghĩa” đã có thơ rằng:

Cửa hang gió cát với mây bay
Mưa xối mây đen kéo lại đây
Võ Hầu kế diệu ví thành đạt
Tấn triều sao chiếm núi sông này?

(Võ Hầu tức chỉ Gia Cát Lượng)

Nước Thục phía sau được bao bọc bởi núi Âm Bình hiểm trở không thể vượt qua, nhưng Gia Cát lượng cũng biết trước nhà Thục sẽ mất ở chính đường qua núi Âm Bình này, chính vì thế ông luôn báo trước cho các tướng việc này, đồng thời căn dặn khi nào cũng phải có quân túc trực phòng bị trên núi.

“Người tính không bằng trời tính”, sau khi Gia Cát Lượng mất, các tướng nhà Thục nhận thấy đường qua núi Âm Bình vô cùng hiểm trở, không thể đi đường này mà đánh nước Thục được nên bỏ qua, không cho quân canh giữ nữa.

Khi quân Ngụy tiến đánh nhà Thục, cánh quân Chung Hội tiến đánh phía trước, Khương Duy đưa toàn quân ra phía trước chặn Chung Hội, phía sau là núi Âm Bình hiểm trở không có ai canh giữ.

Đặng Ngải dẫn một cánh quân Ngụy theo đường núi này, liều chết qua núi, qua được ngọn núi này thì quân sĩ chết gần hết, chỉ còn 500 quân tiến vào kinh đô nhà Thục. Quân chủ lực nhà Thục không còn để chống lại, Thục Chủ đầu hàng, nhà Thục mất.

Lời tiên đoán của Gia Cát Lượng đã ứng nghiệm, ông đã biết trước tất cả nhưng chỉ có thể làm được vậy, không thể thay đổi ý trời.

Kết thúc cũng là sự khởi đầu

Khép lại Tam Quốc là một bài thơ rất dài kể tường tận về thời đại anh hùng trong gươm đao giáo mác. Sâu sắc nhất là câu cuối cùng:

Phân phân thế sự vô cùng tẫn,
Thiên sổ mang mang bất khả đào.
Đỉnh túc tam phân dĩ thành mộng,
Hậu nhân bằng điếu không lao tao.

Dịch thơ của Phan Kế Bính:

Ngẫm thế sự bời bời ngán nỗi,
Cuộc tang thương biến đổi khôn lường.
Tam phân một giấc mơ màng,
Viếng đời gọi có mấy hàng hôm nay…

Điều này khiến chúng ta nhớ đến câu cuối cùng trong cuốn chính sử (không phải tiểu thuyết) “Tam Quốc Chí – Gia Cát Lượng Truyện”: “Cái thiên mệnh hữu quy, bất khả dĩ trí lực tranh dã”, nghĩa là: “Thiên ý đã định, chẳng thể dùng trí mà tranh”. Đây gọi là số trời.

Vậy là chúng ta lại càng hiểu thêm về ý nghĩa của bài thơ phần mở đầu: Một người thông đạt như vậy, đã từng nếm trải, đã từng vượt thoát, và họ còn nhìn thấy và minh bạch “số trời”.

Cổ nhân có câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, “Thiên mệnh chẳng thể trái”, và còn nói với chúng ta rằng: “Tận nhân sự, an thiên mệnh”, hãy gắng hết sức và thuận theo an bài của số mệnh. Những gì con người có thể làm được, chỉ là nỗ lực hết sức mình, không thể và cũng không nên quá trăn trở tới kết quả mà vướng bận trong tâm.

Câu này thường rất hữu dụng với mỗi người chúng ta: “Đây là ý trời”. Nhờ vậy sinh mệnh mới bắt đầu ngộ đạo.

Khởi đầu cũng là kết thúc, kết thúc cũng là sự khởi đầu. Truyện Tam Quốc như một vòng tròn khép kín, những tranh đoạt nơi thế gian vốn cũng là một vòng tuần hoàn bất tận như vậy. Trong truyện có tâm cơ, ngoài truyện là thiên cơ, với những người muốn tìm chân đạo lại là thời cơ vậy.

(Còn nữa)

Theo Sound of Hope
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: