Người yêu Truyện Kiều muốn biết sự khác biệt giữa người thực, việc thực cùng người và việc được tiểu thuyết hóa trong truyện. Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã dịch lại phần Liệt Truyện của Hồ Tôn Hiến trong Minh Sử; nay tình cờ được đọc cuốn sách do Hồ Tôn Hiến biên soạn, nhan đề là Trù Hải đồ Biên [đồ hình và biên chép về việc trù hoạch bình định ngoài biển], nên lại được dịp nghiên cứu tiếp. Sách Trù Hải Ðồ Biên gồm 13 quyển, được biên soạn rất công phu, trong đó có 2 phần: ghi chép và đồ hình. Phần ghi chép đề cập đến chiến lược, chiến thuật, kể lại các trận đánh giặc biển xẩy ra dưới thời Gia Tĩnh triều Minh, cùng thuyết minh các đồ hình. Phần đồ hình vẽ lại bản đồ các phủ, huyện, thành quách vùng duyên hải Trung Quốc; cùng hình vẽ các loại thuyền, vũ khí, quân cụ. Riêng phần ghi chép tại quyển 9, nhan đề Ðại Tiệp Khảo [khảo về các trận thắng lớn], trong đó có bài Ký tiễu Từ Hải Bản Mạt [chép đầu đuôi việc tiễu trừ Từ Hải]. Bài này do Tổng đốc Hồ Tôn Hiến sai thuộc cấp là Phó sứ Mao Khôn soạn; vì tác giả là người trong cuộc, nên nội dung cung cấp nhiều tư liệu, tình tiết sống động hơn chính sử, trong đó nói về 3 nhân vật truyện Kiều là Vương Thúy Kiều, Từ Hải và Hồ Tôn Hiến. Ðây là nguồn tư liệu quý báu, nên xin dịch nguyên văn, lại đính kèm bản đồ do chính Hồ Tôn Hiến soạn; trường hợp địa danh có trong văn bản và bản đồ thì đánh số cả hai, phía dưới bản đồ có thêm phần phiên âm, để bạn đọc dễ dàng tham khảo. Ngoài ra nhắm giúp kiểm chứng với thực tại, chúng tôi sao lại bản đồ Google, trích những địa danh liên quan rồi phiên âm Hán Việt; giúp độc giả thấy sự liên hệ giửa bản đồ cũ và bản đồ hiện đại.

Ký Tiễu Từ Hải Bản Mạt
[Chép đầu đuôi việc tiễu trừ Từ Hải]

Bản đồ vùng duyên hải tỉnh Chiết Giang

Từ Hải đời thật qua sách Trù Hải Ðồ Biên của Hồ Tôn Hiến

Phiên âm và chú thích các địa danh:

-1- Sạ Phố: nơi Từ Hải đổ bộ.
-2- Bình Hồ huyện: nơi Từ Hải ra hàng.
-3- Gia Hưng phủ: nơi quân Hà Sóc xuất phát
-4- Hải Ninh huyện
-5- Hàng Châu phủ: bản doanh của Hồ Tôn Hiến, mục tiêu đánh chiếm của Từ Hải
-6- Tiền Ðường giang: nơi Ðề đốc Nguyễn Ngạc rút lui.
-7- Gia Thiện huyện: chỗ quân Nụy tiến đến.
-8- Sùng Ðức huyện: nơi xuất phát hành quân của Ðề đốc Nguyễn Ngạc
-9- Ðồng Hương huyện: nơi Ðề đốc Nguyễn Ngạc bị vây.
-10- Tô Châu phủ: mục tiêu đánh chiếm của Từ Hải.
-11- Hồ Châu phủ: mục tiêu đánh chiếm của Từ Hải.
-12- Hải Diêm huyện: chỗ Hồ Tôn Hiến xuất phát
-13- Thượng Hải: nơi quân thuộc phe Từ Hải đánh phá.
-14- Thai Châu phủ: nơi Ðề đốc Nguyễn Ngạc rút lui

(Ghi chú: Bài gốc trên bản đồ không điền đầy đủ các địa danh trên, chỉ có 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 12, 14)

Bản đồ Google dùng để phối kiểm

Từ Hải đời thật qua sách Trù Hải Ðồ Biên của Hồ Tôn Hiến

Phiên âm:

Haiyan: huyện Hải Diêm
Haining: Hải Ninh thị
Hangzhou: Hàng Châu thị
Huzhou: Hồ Châu thị
Jiashan: huyện Gia Thiện
Jiaxing: Gia Hưng thị
Pinghu: Bình Hồ thị
Shanghai: Thượng Hải thị
Suzhou: Tô Châu thị
Tongxiang: Ðồng Hương thị

Vào năm Bính Thìn [1556] thời Gia Tĩnh, Từ Hải mang quân Nụy vào cướp phá. Một cánh từ cửa biển vào cướp Duy Dương, phía đông khống chế Kinh Khẩu; một cánh từ Tùng Giang vào cướp phá Thượng Hải [xem bản đồ -13-], một cánh từ cửa quan Ðịnh Hải vào cướp phá các huyện như Từ Khê, mỗi cánh khoảng vài ngàn tên. Riêng Hải cầm hơn 1 vạn quân áp vào Sạ Phố [-1-], sau khi đổ bộ cho hủy đốt thuyền, lệnh mọi người phải tử chiến, rồi hướng đến căn cứ cũ là Thạch Lâm. Bộ hạ của Trần Ðông gồm vài ngàn tên, hợp binh với Hải đánh thành Sạ Phố [-1-], sự việc xẩy ra vào ngày 19 tháng tư.

Lúc bấy giờ triều đình mới cách chức Tổng đốc cũ, và giao cho tân Tổng đốc họ Hồ [Tôn Hiến], nguyên giữ chức Ðề đốc thay thế. Ngay vào ngày mồng 8, Hồ công sai tham mưu dưới quyền chiêu mộ được 3000 quân, nhưng đều thuộc loại bạc nhược không thể sử dụng được; mà số quân thuộc các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Quảng, Sơn Ðông, Hà Nam do Tổng đốc cũ trưng điều thì đã cho về; việc hoãn cấp nay chỉ dựa vào 1000 Thổ binh Dung Mỹ và 800 quân Hà Sóc dưới quyền Tham tướng Tôn Lễ.

Riêng quân Nụy [Nhật] tại nam, bắc Chiết Giang không dưới số vạn. Ðiệp báo cho biết các tù trưởng sẽ chia đường cướp phá các châu quận Giang, Hoài, Ngô, Việt để chặn quân tiếp viện; còn bọn Từ Hải từ sào huyệt Sạ Phố xuống Hàng Châu [-5-], càn quét các vùng Tô Châu [-10-], Hồ Châu [-11-] để uy hiếp Kim Lăng, khí thế rất hung dữ. Tổng đốc Hồ Tôn Hiến mới triệu tập các ty để bàn kế hoạch, thì chẳng bao lâu quan Ðề học họ Nguyễn [Nguyễn Ngạc] được lệnh thay Tổng đốc Hồ, giữ chức Ðề đốc. Hịch ban lệnh chưa đến nơi, thì nửa đêm hôm đó được tin thành Sạ Phố [-1-] bị vây; Tổng đốc Hồ cho quân đến Cảm Phố, Hải Diêm [-12-] làm thế thanh viện, riêng tự dẫn binh đến Ðường Thê làm thế ỷ dốc (1).

Thời gian ngắn sau đó, Từ Hải nghe tin Tổng đốc mới họ Hồ chính là viên Ngự sử đã từng cầm quân chiến thắng tại Oanh Hồ Vương Kinh trước kia, khiến trong lòng hơi sợ, nên cho bãi bao vây tại Sạ Phố [-1-]. Nghe tin hai tướng công Hồ [Tôn Hiến], Nguyễn [Ngạc] mang quân đến gần, nên không dám dòm ngó Hàng Châu [-5-], bèn băng qua Hiệp Thạch, vượt Tạo Lâm, ra Ô Trấn; vùng phía bắc Ô Trấn là con đường cũ trước kia Hải đã từng xâm phạm Tô Châu [-10-] và Hồ Châu [-11-].

Lúc bấy giờ Tổng đốc Hồ bắt được gián điệp khai rằng giặc định xâm nhiễu vùng Tô Châu [-10-] và Hồ Châu [-11-], riêng tại Oanh Hồ thì đánh 4 mặt, bèn sai quân Hà Sóc từ phủ Gia Hưng [-3-] đến dàn trận tại Thắng Ðôn để đợi, lại dùng thủy binh tại Ngô Giang ngăn phía trước, thủy binh Hồ Châu [-11-] chặn phía đuôi; riêng Tổng đốc Hồ đích thân mang quân mới mộ dưới quyền cùng Thổ binh đánh tạt ngang, từ huyện Sùng Ðức [-8-]

Ðề đốc Nguyễn được tin giặc xuất hiện tại Ô Trấn, bèn trên đường hợp với quân kỵ Hà Sóc tiến đến, đụng giặc tại Tạo Lâm, lệnh thiện xạ vừa đuổi vừa bắn, một vài trăm giặc nếm thất bại muốn rút. Nhưng đại quân giặc tức giận la hét mà tiến, Ðề đốc họ Nguyễn trong lúc cấp bách dùng thuyền nhẹ rút vào giữ huyện lỵ Ðồng Hương [-9-]. Riêng Tham tướng Tôn Lễ cùng bọn Tỳ tướng Hoắc Quán Ðạo, bày trận 2 cánh trái phải, đánh mấy hiệp giết mấy chục tên, thì trời về chiều giặc rút. Giặc có vẻ quẫn, nhưng bọn Tôn Lễ mất hướng đạo nên không chọn được chỗ tốt để an nghỉ, sáng hôm sau phải ôm bụng đói đánh tiếp.

Giặc dùng trinh sát leo lên cây, dòm vào thành chỉ thấy luỹ và hào bao quanh, không có gì khác yểm trợ, bèn vui mừng dùng một nửa chặn mặt trước, một nửa vòng sau lưng thành. Hoắc Quán Ðạo thuộc quân Hà Sóc vốn là kiêu tướng, hô hét ra sức đánh, tên đá như mưa ai cũng một chống mười, giặc chết mấy trăm tên, Quán Ðạo tự cầm đao, giết hàng chục tên, nên giặc rất sợ, Từ Hải cũng trúng pháo. Muốn xua ngựa tiến lên thì đạn thuốc súng hết, Hoắc Quán Ðạo nhìn Tôn Lễ rồi ngưỡng lên trời nói rằng:

“Hai chúng ta nếu có thuốc đạn vài hộc, thì có thể kết liễu bọn giặc này!”

Chẳng bao lâu Quán và Tôn đều tử trận, binh lính thua bại, giặc thừa thắng vây Ðồng Hương [-9-]. Lúc bấy giờ Tổng đốc họ Hồ mang quân tới huyện Sùng Ðức [-8-], nghe tin chảy nước mắt than rằng:

“Quân Hà Sóc đã thua bại, phía đông nam không thể chi trì được, giặc đã vây khốn Ðồng Hương [-9-], lại chia quân đến Sùng Ðức [-8-] gây khốn ta; hai đứa chúng ta [Tổng đốc Hồ và Ðề đốc Nguyễn] chẳng khác gì ôm đá tự trầm mình, việc quốc gia biết làm sao đây.”

Rồi trở về tỉnh thành truyền hịch các lộ trù hoạch cách đánh giữ. Trước đây, khi Tổng đốc họ Hồ giữ chức Ðề đốc, thường cùng Giám đốc họ Triệu bàn mưu rằng quốc gia mấy năm nay bị khốn vì giặc trên biển, bọn Nụy thừa thủy triều ra vào cướp phá, tướng sĩ không có cách diệt trừ. Do thám cho biết bọn giặc nói rằng trên biển có Vương Trực (2) uy tín lớn, tên này ngoài việc hùng cứ ngoài biển không có tội nào khác, nếu dùng mà sai khiến được thì có thể lũng đoạn bè đảng; xét cho cùng thì Bộ Ðề trước kia đã từng sử dụng kế sách phản gián. Rồi ngay lúc đó sai viên Biện sĩ đất Tưởng Châu là Trần Khả Nguyện, cùng một vài người từng là bạn của Vương Trực vượt biển đến dụ Trực; Trực bị lay động, nguyện theo lời giao ước, sai con nuôi là Mao Hải Phong đến xin quy thuận, ổn định cửa biển để tạ sai lầm, và đi dụ dỗ Từ Hải. Hải vốn cấu kết với người tại các đảo như Long Ma để vào cướp phá; nay Hải Phong đến thuyết những điều mà trước kia y chưa từng nghe.

Tổng đốc Hồ trù tính rằng Trực và Hải tuy kẻ thuận người nghịch khác nhau, nhưng liên hệ như răng và môi; Trực đã hối ngộ, há lại không lấy đại nghĩa để dụ Hải ư! Tuy nhiên nếu không được như vậy, nhưng y vốn tham thì dụ bằng lợi sẽ chuyển lòng. Thành Ðồng Hương [-9-] tuy nhỏ nhưng chắc, nếu trì hoãn được vài ngày, quân Vĩnh Bảo tới có thể phá giặc được. Cho nên ngay lúc đó sai người đến dụ Hải Phong gấp, cùng ngầm sai điệp viên mang quà rất hậu, đến dụ Từ Hải rằng Vương Trực đã sai con đến hàng, xin ổn định cửa biển, nhân đó triều đình đã xá tội cho y, chỉ riêng ngươi chưa để ý đến. Tân Tổng đốc uy danh lớn hơn trước, ngưỡng theo đức ý của triều đình, lấy bụng mình cảm hóa kẻ khác, nếu không thừa lúc này cởi giáp đến từ tạ, thì sau này sẽ bị bắt. Hải chấp nhận, ngay lúc đó sai Tù trưởng đến cảm tạ, hứa bãi vây; Hải yêu sách Trung Quốc mang hóa vật để ban cho các Tù trưởng, cùng tha tội cho họ. Hồ công ngoài mặt hứa, dùng tiền, ngân bài, lụa ban cho Tù trưởng đến cảm tạ rất hậu; lại ngầm sai trong quân biểu dương sức mạnh, rồi bảo gián điệp tạo cơ hội cho Tù trưởng xem; Tù trưởng vừa cảm ơn được Hồ công cho, lại sợ binh uy nên khi trở về báo cho Từ Hải. Ngày hôm sau lại sai Tù trưởng khác đến tạ, Hồ công lại cho quà hậu như cũ; phàm mấy lần đi về khiến cuối cùng Hải quy thuận, nguyện vì Hồ công liều chết.

Nhưng riêng Trần Ðông vẫn nghi hoặc, Hải đưa những đồ vật Hồ công cho, nhưng vẫn ương ngạnh không theo. Hải riêng sai Tù trưởng đến dưới thành Ðồng Hương [-9-] nói với quân trên thành rằng chúng tôi đã ước hẹn với Tổng đốc Hồ giải binh, cửa đông thành là do bọn giặc Trần Ðông từ Thạch Lâm, chúng hung hãn không theo, vậy nên cẩn thận. Chiều hôm đó Hải đến phía tây huyện Sùng Ðức [-8-] xin Hồ công thêm quân để hợp đánh Trần Ðông, nhưng Hồ công còn nghi ngờ nên không hứa. Riêng bọn Trần Ðông từ trên lầu dùng cột buồm húc vào thành, nhưng viên huyện lệnh Kim Yến tại Ðồng Hương [-9-] cứng rắn, trong thành các binh trượng súng đạn đều sẵn sàng, Ðề đốc họ Nguyễn đích thân mạo hiểm trước tên đạn, khuyến khích lính trên thành, hứa thưởng hàng ngàn lượng cho kẻ cảm tử, cùng hăng hái đốc chiến, sát thương vài chục tên. Riêng bọn dùng cột buồm nhảy lên để húc vào thành khiến thành gần hư; một kẻ trai trẻ dùng giây buộc móc câu kéo tên húc vào thành lên chém, kẻ khác nấu kim loại đổ xuống, khiến bọn dưới thành không dám gây áp lực. Ðông không biết làm gì hơn, nghe tin Hải đã bỏ đi, vì đường xa thế cô, cũng đi luôn. Thành được giải vây, Ðề đốc Nguyễn công thoát khỏi, bấy giờ là ngày 23 tháng năm.

Lúc Nguyễn công bị vây khốn tại Ðồng Hương [-9-], vốn ngày đêm trông mong Hồ công mang binh đến cứu, riêng Hồ công nặng lòng nghĩ đến sự an nguy tại miền đông nam. Vì bản thân họa phúc, cùng mối tình giao hảo sớm chiều với Nguyễn công, nên đã điều gấp Ðốc đồng họ Lưu, Lưu thủ Vương Luân, Tuyên phủ Ðiền Cửu Linh mang quân từ Gia Hưng [-3-] đến quân luỹ tại Ðấu Môn. Ðốc đồng họ Uông, Tri huyện Trương Miện mang binh từ Hồ Châu [-11-] vào thủ tại quân luỹ Ô Trấn; Tham tướng Ðinh Cẩn mang binh từ Hải Diêm [-12-] đến quân luỹ Vương Ðiếm; Chỉ huy Nhạc Viên, Ðốc đồng Thiên hộ La Thiên Dữ mang binh từ Sùng Ðức [-8-] vào quân luỹ Thạch Môn. Lại ra lệnh cho huyện Sùng Ðức [-8-] sai Thôi Cận Tư thu nạp quân Hà Sóc bị rã ngũ được vào thành để làm kế thanh viện. Quân sẵn sàng bốn phía, cánh ở xa cách khoảng 2,3 chục dặm, ở gần cách hơn 10 dặm; nhưng các quân đều lo sợ về sự thất bại tại Tạo Lâm trước kia, nên chần chờ không dám tiến gần. Riêng Hồ công tiếp tục sai điệp viên đến tiếp xúc ràng buộc giặc, ngày đêm mong viện binh từ Vĩnh Bảo đến để đánh một trận, kế sách không biết làm sao hơn!

Hồ công và Nguyễn công đều cùng tuổi, vốn thâm giao, mà viện binh thì chưa đến, Nguyễn công bị vây khốn, nên cả hai đều nghi ngờ; còn sự báng bổ của người ngoài với những lời không đúng thì đầy cả đường. Lúc bấy giờ triều đình hay tin giặc tại đông nam, nên trong ngày sai Thượng thư họ Triệu đốc suất quân Sơn Ðông và Hà Sóc đến tăng viện, ngày đêm rong ruổi đến Dương Châu; thì lúc đó Nguyễn công đã ra khỏi vòng vây tại Ðồng Hương rồi đi về phía đông, vượt qua sông Tiền Ðường [-6-] đến các ấp tại Cối Kê để đánh giặc khác. Hồ công lại nghe Thượng thư họ Triệu vừa đi xuống phía nam vừa đánh tại Hoài Dương, Côn Lăng, thì không còn lo việc Hải có thể làm nghịch; tuy rằng y đã hứa nội phụ, nhưng không thể lường được tâm địa.

Lúc này giặc tại Thượng Hải có hơn vạn tên từ sông Ngô Tùng hướng về phía tây, bèn trong ngày sai gián điệp đến dụ Hải bằng vàng bạc và tiền lụa, cùng khuyên ra phía đông tại biển đánh giặc khác. Hải quả nhiên đốc suất Tù trưởng ra khỏi Sạ Phố [-1-] đến huyện Bình Hồ [-2-]. Gián điệp báo giặc tại Ngô Tùng hành quân gấp tới huyện Gia Thiện [-7-] muốn hợp binh với Hải; Hồ công nghĩ rằng Hải vạn nhất gây biến, rồi hai bên họp lại thì xử trí sao đây. Nhân trù tính rằng trước kia lúc bọn Hải đổ bộ, đã cho huỷ đốt thuyền để thâm nhập, nay không có thuyền e muốn gấp; bèn sai gián điệp đến dò la và bảo Hải rằng đã nội phụ sao không theo đính ước cũ, mang binh đánh giặc tại sông Ngô Tùng lấy chiến lợi phẩm và thuyền để dùng. Hải quả bằng lòng kế hoạch này, bèn dẫn các Tù trưởng đi ngược Chu Kính chém một số thủ cấp giặc, số giặc còn lại ban đêm rút, khiến Hải không kịp cướp lấy thuyền, bọn giặc thoát ra biển; nhưng Hồ công đã sai Tổng binh Du Ðại Du dùng phi hạm chặn giặc trên biển, khiến thuyền giặc chìm gần hết. Do đó Hải càng biết ơn Hồ công, không dám phản bội, lại nghe tin bọn giặc trên biển bị ngăn đánh thì không khỏi sợ, bèn dâng lễ vật cho Hồ công sai đưa đến những vật quý như mũ phi ngư y thường đội, áo giáp chắc, hàng chục loại danh kiếm, lại sai em là Hồng đến làm con tin; Hồ công ngoài mặt chấp nhận.

Hồ công lại nghe tin bộ hạ của Hải có tên Thư ký Ma Diệp nay là Tù trưởng, tên này thông minh nhưng hung hãn, mới đây tranh chấp với Hải một người con gái, y tính thâm trầm quỷ quyệt, nếu không dùng gián điệp bắt trói gấp, thì chưa thật củng cố tâm lòng nội phụ của bọn Hải. Do đó sai gián điệp đến ngay dưới trướng dụ Hải trói Ma Diệp đem đến. Ma Diệp đã được đưa đến, nhưng những tên Tù trưởng trước đây từng là bộ hạ của Ma Diệp dần dần tỏ ra oán và sợ. Oán và sợ có thể đưa đến việc gây biến, nên Hải viện dẫn tội khác, bắt trói hàng trăm tên đứng đầu.

Hồ công lại trù tính rằng trong số bộ hạ, Trần Ðông và Ma Diệp thường nương dựa với nhau, trong trận Ðồng Hương [-9-] mới đây cả hai đều tích cực gây chiến; nên mấy lần sai điệp viên đến mang trâm, hoa tai, ngọc thuý, biếu hai người thị nữ (3) của Từ Hải, để nhờ hai người này ngày đêm khuyên bảo Từ Hải trói bắt Ðông. Hải bằng lòng, nhưng Trần Ðông vốn là cựu Thư ký của em Bồ Ma vương (4), nên Hải chưa có thể làm gì được. Lúc đó bèn đưa Ma Diệp từ trong tù ra, lệnh viết thư cho Ðông và bộ hạ yêu cầu tìm cách giết Hải. Thư này không đưa cho Ðông, mà tiết lộ riêng cho Từ Hải biết. Hải giận dữ, mưu tính việc trói bắt Ðông. Khi Hải đọc thư, hai dòng nước mắt chảy ra; càng biết ơn Hồ công đã không nỡ để yên cho Ðông thực hiện việc giết Hải, nên Hải lo trù tính việc bắt trói Ðông để báo đền. Bèn dùng của cải hàng ngàn lượng trước đây cướp được tại Trung Quốc đem hối lộ em Bồ Ma vương, bảo dụ Ðông cho thay làm Thư ký. Hải nhân ban đêm bắt Ðông đem đến, để ước hẹn ngày thần phục Hồ công.

Ma Diệp và Trần Ðông trước sau đều bị bắt trói, nên các Tù trưởng muốn nổi loạn; lúc này tâm lý các Tù trưởng vừa nghi kỵ vừa oán Hải, nên không có lòng dạ chiến đấu, tình thế càng thêm quẫn bách. Hải cũng tự tính toán rằng nếu trở về đảo sẽ bị các Tù trưởng giết, nên lòng nội phụ lại càng kiên định. Nhưng quan Ðốc binh hài tội Hải rất nhiều, trong hoàn cảnh cấp bách Hải muốn cướp thuyền để ra biển, nhưng sợ bị đánh trên biển; muốn dàn quân trên luỹ để chống cự quan binh nhưng vì đã xin nội phụ rồi không muốn phản bội, còn đảng của Trần Ðông thì ngày đêm muốn đánh giết Hải. Sách lược của Hồ công trù tính rằng chúng đã loạn, ta phải thừa cơ. Nhân sai điệp viên đến gặp Hải và bảo rằng:

“Ta muốn khoan dung, nhưng Thượng thư họ Triệu cho rằng ngươi có tội lớn. Sao không nghe ta lập mưu đuổi bọn giặc ra biển, nhân dịp giết bắt hàng ngàn tên để lập công với Thượng thư họ Triệu, thì mọi việc sẽ hoàn thành.”

Hải bất đắc dĩ phải theo, tuy ngờ nhưng cũng ưng thuận. Nhân Hải ước hẹn rằng:

“Phó sứ binh bị họ Lưu mang binh phục sẵn trong thành Sạ Phố, đúng ngày giờ mỗ sẽ mang quân đến dàn trận cách thành Sạ Phố nửa dặm, làm bộ ra lệnh xua đuổi bọn giặc Nụy lên thuyền, mỗ sẽ phất cờ, trong thành đốt lửa làm hiệu, rồi xông ra đánh, đừng để mất cơ hội.”

Quan binh đã ước hẹn sẵn, thừa dịp ra đánh. Bọn giặc trong lúc lo tranh nhau lên thuyền đông như kiến, không kịp quay lại chống cự; bởi vậy quan binh thừa cơ dày xéo, không bị thương một tên lính mà bắt giết hàng mấy trăm tên, số chết trôi nhiều không tính được.

Lúc này Từ Hải tự nhận mấy lần có công với triều đình, xin mang bộ hạ Tù trưởng đến yết kiến Hồ công và Thượng thư Triệu công, Ðề đốc Nguyễn công, Tuần án Nguyễn công để xin hàng; lời xin được chấp thuận. Ðiệp viên đến hẹn vào ngày 2 tháng tám. Nhưng Hải sợ đặt giáp sĩ bắt, nên trước buổi hẹn 1 ngày, bèn đem mấy trăm tên dưới quyền khoác võ phục giáp trụ (5) dàn quân ngoài thành Bình Hồ [-2-], tự dẫn hơn trăm tên Tù trưởng cũng chỉnh tề giáp trụ vào thành Bình Hồ [-2-] để cầu xin. Bốn ông quan bàn bạc, định không chấp nhận, nhưng sợ sinh biến bèn cho Hải cùng các Tù trưởng hướng bắc về phía bốn ông, lần lượt cúi rạp đầu hô:

“Thiên tinh gia gia (6), kẻ tử tội, kẻ tử tội!”

Hải muốn làm thêm lễ hàng Hồ công, nhưng không biết nghi thức, bèn quay hỏi điệp viên, điệp viên lấy mắt ra hiệu. Hải bèn đến trước Hồ công rạp đầu xuống hô thêm:

“Thiên tinh gia gia, kẻ tử tội, kẻ tử tội!”

Hồ công bèn xuống thềm, lấy tay xoa đỉnh đầu Hải và nói rằng:

“Ngươi làm khổ miền đông nam đã lâu rồi, nay đã nội phụ, triều đình xá cho. Hãy cẩn thận đừng tác nghiệt.”

Hải lại rạp đầu hô:

“Thiên tinh gia gia, kẻ tử tội, kẻ tử tội!”

Ngay sau đó, bốn vị quan khao thưởng rất hậu, rồi cho ra khỏi thành. Ngày hôm đó người trong thành ai cũng lo sợ biến sắc. Bốn vị quan giận Hải xin hàng, lại khoác giáp trụ đi vào, hành động có tính cách uy hiếp vô lễ; lại không đến đúng ngày do gián điệp hẹn, mà đến trước một ngày; do đó nếu không mang quân đánh dẹp, ngày sau sẽ gây hoạn. Tuy nhiên bộ hạ của Hải còn trên 1 ngàn tên, rất dũng mạnh, ngay bây giờ khó đánh thắng, mà đạo quân Vĩnh Bảo thì đường xa chưa tới nơi; bèn tạm ra lệnh cho Hải chọn chỗ tiện đóng quân.

Hải quả chọn được chỗ tiện, đó là trang trại Trầm Hương; bèn đến đóng tại đó vào ngày 8 tháng tám. Lúc này dân chúng bàn ầm lên rằng Hồ công sao không tiêu diệt chúng, nếu không vậy thì đuổi ra biển thả cho đi, sao lại nuôi dưỡng cọp để rước lấy họa! Họ không biết rằng Hồ công đang chờ đợi cơ hội, nên cho chỉnh đốn binh dưới quyền, ngày đêm sai sứ thúc dục quân Vĩnh Bảo đến gấp. Khi binh chưa tập hợp được, sợ quân Hải đóng sát nách gây biến, nên sai điệp viên đến thăm dò và tiếp tục dụ dỗ Hải như trước. Bấy giờ Hồ công đã đặt sẵn mưu, nên bàn với các vị quan như sau:

“Tôi nghe rằng người giỏi dụng binh thường trù tính kế sách khác với thông thường; xét Từ Hải và bộ hạ Trần Ðông vốn có thâm cừu, nay nếu ở gần nhau sẽ sinh chuyện; được biết trại Trầm Hương có 2 phần đông và tây, ở giữa có 1 con đê ngăn nước sông, sao không bảo Hải cho bộ hạ Trần Ðông vào ở phía tây, riêng Hải và thủ hạ ở phía đông.”

Gián điệp bèn đem việc này đến dụ Từ Hải, Hải đồng ý theo. Chẳng mấy chốc quân Vĩnh Bảo đến; lại gặp lúc Hải đưa 200 lạng bạc cho Hồ công để nhờ mua rượu và thức ăn, Hồ công sai bỏ thuốc độc vào rồi cho mang về. Lại sai Trần Ðông viết thư gửi cho đồ đảng rằng:

“Từ Hải đã ước hẹn với quan binh hợp lực đánh bọn các ngươi.”

Ðồ đảng của Trần Ðông nghi ngờ, nên ban đêm cho phục kích tại con đường phía đông trang trại Trầm Hương để thăm dò. Trong hoàn cảnh cấp tốc, Hải sai viên Tù trưởng bí mật dẫn 2 thị nữ đi theo đường tắt đến tá túc tại mạc phủ (7). Bọn phục kích biết được bèn báo cho viên Chỉ huy bộ hạ Trần Ðông, chúng kinh ngạc, gấp mang quân đi bắt 2 thị nữ. Bọn chúng gặp Từ Hải bèn la lên:

“Chúng tao chết, thì mọi người cùng chết.”

Rồi dùng giáo đánh nhau với Từ Hải. Hải bị trúng giáo, bộ hạ đại loạn. Ngày hôm sau quân triều đình vây chung quanh tường; cánh quân Bảo Tĩnh tiến đánh trước, quân Hà Sóc thừa thế xông vào. Trong phút chốc, Hồ công xuất hiện trong võ phục áo giáp, hô quân Vĩnh Bảo 2 cánh tả, hữu vừa reo hò vừa tiến; vượt qua luỹ đánh xuống. Gặp dịp gió nổi lên, Hồ công ra lệnh mang đuốc đến, hàng ngàn tên lính mỗi người cầm đuốc đốt lửa ném vào; Hải cùng đường nhảy xuống sông tự tử. Quân sĩ ăn no, người người đều kiêu dũng chíến đấu, chém hàng ngàn thủ cấp; bọn chúng chết gần hết, trong đó có hơn 300 tên trúng thuốc độc, chết đen da. Quân Vĩnh Bảo bắt được 2 thị nữ xưng họ Vương, một người tên Thuý Kiều, một người tên Lục Châu, vốn xuất thân từ ca kỹ. Hai thị nữ khóc và chỉ chỗ Hải trầm mình; quân Vĩnh Bảo bèn nhảy xuống sông, chém Hải lấy thủ cấp mang về.

Lời bàn của người dịch

Lúc Từ Hải đổ bộ quân tại Sạ Phố, cho huỷ hết chiến thuyền, tỏ tinh thần quyết chiến không hẹn ngày về, hành động của y có thể gọi là can trường. Ðến khi bị dụ dỗ quy hàng, thì rơi vào kế ly gián của Hồ Tôn Hiến, bắt nạp 2 kẻ phụ tá là Ma Diệp, và Trần Ðông, giết kẻ dưới quyền vì bị tình nghi thuộc phe chống đối, lại đánh quân Nụy [Nhật] để dâng công. Y tự chặt tay chân vây cánh, khiến bộ hạ thù hận, nên không còn đường trở về với đảng Nụy cũ, cũng không được Hồ Tôn Hiến tin dùng, tự đưa mình vào chỗ chết. Theo định nghĩa của người xưa về anh hùng như sau: anh là hoa quý trong loài hoa, hùng là thú dữ của loài thú (thảo trung chi anh, thú trung chi hùng), riêng con người phải là kẻ kiệt xuất; xét như vậy thì Từ Hải quả không xứng đáng là một anh hùng!

Riêng Hồ Tôn Hiến chuyên sử dụng thủ đoạn, lừa dối; nên chỉ thành công được một lần. Sau đó quân Nụy trở lại phục thù, đánh phá nhiều nơi, khiến chiến tranh tại vùng duyên hải Trung Quốc kéo dài mãi cho đến thời Vạn Lịch [1573-1619]; việc làm của Tôn Hiến, lợi bất cập hại, nên bị người đương thời chê bai.

Hồ Bạch Thảo

Đăng lại từ bài viết “Sách Trù Hải Ðồ Biên của Hồ Tôn Hiến chép việc tiễu trừ Từ Hải”
Đăng trên Forum Diễn Đàn (Diendan.org)

Chú thích:

(1) Ỷ dốc: quân đóng 2 nơi, yểm trợ nhau.
(2) Vương Trực: Minh Sử chép là Uông Trực.
(3) Tại đoạn dưới cho biết 2 thị nữ đều họ Vương, 1 người tên là Thuý Kiều, 1 người tên là Lục Châu.
(4) Bồ Ma là tên đảo; vậy Bồ Ma vương tức chúa đảo Bồ Ma.
(5) Giáp trụ: áo giáp, mũ đâu mâu dùng lúc tác chiến.
(6) Thiên tinh gia gia: lời xưng có tính cách đề cao, có nghĩa “cha cao cả như sao trên trời”.
(7) Mạc phủ: ban tham mưu.

Xem thêm:

Mời xem video: