Đạo trị quốc: Bệnh của vua và việc nước
- An Hòa
- •
Sách “Hán Thư. Nghệ Văn Chí” viết: “Luận bệnh dĩ cập quốc, nguyên chẩn dĩ tri chính”, nghĩa là chẩn đoán bệnh của vua một nước có thể biết được được tình hình triều chính của nước đó. Từ góc độ hiện đại mà xét, y học là y học, chính trị là chính trị, hai ngành nghề có sự phân cách rõ ràng, chữa bệnh có liên quan đến quốc sự?
Vào một mùa thu cuối thời kỳ Xuân Thu, Tấn Bình Công bị bệnh, ông đã xem bói về bệnh tình của mình. Người xem bói nói: “Thực Trầm, Đài Đài vi túy”, nghĩa là có Thực Trầm và Đài Đài đang gây bệnh cho Tấn Bình Công. Tuy nhiên, cả Tấn Bình Công và người xem bói đều không biết hai vị này là ai. Vừa hay lúc ấy Tử Sản của nước Trịnh đến viếng thăm nước Tấn. Tấn Bình Công liền đem chuyện hỏi Tử Sản.
Tử Sản nói:
“Thực Trầm và Át Bá là hậu duệ của Đế Khốc, hai người ở trong rừng và có mối quan hệ bất hòa, ngày ngày đều đánh nhau. Đế Nghiêu đành phải tách họ ra ra, đưa Át Bá đến Thương Châu, chủ quản việc cúng tế Thần Tinh, việc này được người Thương kế tục nên Thần Tinh cũng được gọi là Thương Tinh. Thực Trầm được đưa đến Đại Hạ, chủ quản việc cúng tế Tham Tinh, việc này do người Đường kế tục, lần lượt phụng dưỡng triều Hạ và Thương. Sau này Chu Thành Vương tiêu diệt nước Đường và phong đất Đường cho người chú của mình để lập nước. Con trai của người chú này sau khi lên ngôi đã sửa nước Đường thành nước Tấn, bởi vậy Tham Tinh cũng được gọi là Tấn Tinh. Thực Trầm là thần Tham Tinh.”
Còn về Đài Đài, Tử Sản nói:
“Xưa kia, Kim Thiên Thị có một hậu duệ tên là Tác Muội, đảm nhiệm thủy quan, sinh ra Doãn Cách và Đài Đài. Đài Đài kế thừa chức vị thủy quan, bởi vì có công khơi thông sông Phần, sông Thao, xây kè và đầm lầy nên Chuyên Húc đế đã phân phong lưu vực sông Phần cho Đài Đài. Đời sau, bốn nước Trầm, Tự, Nhục, Hoàng đều thờ phụng ông. Hiện giờ nước Tấn tiêu diệt những nước đó, chiếm cứ lưu vực sông Phần, Đài Đài là thần của sông Phần.”
Theo lời Tử Sản phân tích, Thực Trầm và Đài Đài là hai vị thần của nước Tấn. Người dân nước Tấn phải biết lịch sử của nước mình và cúng tế. Nhưng vào thời Tấn Bình Công, không ai biết đến họ, và cũng không ai thờ cúng họ, điều này cho thấy lễ tiết của nước Tấn đã bị buông thả.
Tử Sản cho rằng bệnh của Tấn Bình Công là do làm việc và nghỉ ngơi không điều độ, ăn uống không đúng cách, vui buồn thất thường chứ không phải do quỷ thần mà ra. Tử Sản nói:
“Quân tử ra vào là có nguyên tắc, sáng nghe việc triều chính, ban ngày điều tra nghe ngóng, chiều tối xác nhận chính lệnh, ban đêm để thân tâm nghỉ ngơi. Khí của cơ thể con người được phân bố theo thời gian nên khí huyết trong cơ thể sẽ không bị ứ đọng, tâm trí sẽ minh mẫn, mọi việc sẽ không bị hỗn loạn.
Một điểm nữa là ‘không lấy người cùng họ’ là vấn đề lễ nghi, nếu lấy cùng họ một cách bừa bãi thì con cháu thường không thịnh vượng, hơn nữa có nhiều mỹ nhân quá cũng sẽ sinh bệnh.
Hiện giờ ngài làm việc nghỉ ngơi trái với tứ thời dẫn đến khí bị bế tắc, lại không tuân thủ lễ chế, kết hôn người cùng họ, còn có bốn thê thiếp cùng họ.”
Tử Sản không phải là thầy thuốc nên Tấn Bình Công không nghe, đã cầu danh y của nước Tần là Y Hòa đến khám bệnh. Y Hòa đã khám cho Tấn Bình Công:
“Bệnh của Tấn Bình Công không thể trị, bởi vì gần gũi nữ sắc, không liên quan gì đến quỷ thần hay chế độ ăn uống. Bởi vì bị nữ sắc mê hoặc mà khiến cho tâm chí hỗn loạn, lương thần sẽ chết đi và đất nước cũng sẽ mất đi sự che chở của thượng thiên”.
Đại thần của nước Tấn là Triệu Văn Tử sau khi nghe xong, liền hỏi:
“Tôi cùng với các vị công khanh đại phu khác của nước Tấn phò tá quân vương trở thành minh chủ, đến nay đã tám năm, trong nước không xảy ra bạo loạn gian ác, chư hầu bên ngoài cũng không hai lòng, vì sao lại nói là lương thần sẽ chết và đất nước không còn được thượng thiên che chở?”
Y Hòa nói:
“Điều tôi nói là chuyện tương lai. Tôi nghe nói người chính trực sẽ không phò tá người thất đức, người minh trí không thể khuyên nhủ được người mê muội. Hiện giờ ông không thể khuyên được Tấn Bình Công tiết chế nữ sắc, còn cảm thấy tám năm qua ổn thỏa. Làm sao một quốc gia như vậy có thể ổn định lâu dài được?”
Đại thần Triệu Văn Tử nói: “Y quan còn có thể liên quan đến quốc sự sao?”
Y Hòa nói: “Thầy thuốc bậc nhất có thể chữa trị được đất nước, tiếp đến mới là chữa trị bệnh nhân, đây vốn là chức phận của thầy thuốc.”
Triệu Văn Tử lại hỏi: “Tấn Bình Công còn có thể sống được bao lâu?”
Y Hòa nói: “Nếu chư hầu đều phục tùng thì nhiều nhất là 3 năm, nếu chư hầu không còn ủng hộ thì sống không quá 10 năm, sau 10 năm nước Tấn tất có đại nạn”.
Năm đó, Triệu Văn Tử qua đời, các chư hầu ủng hộ Sở Vương. Mười năm sau, Tấn Bình Công mất, đúng như lời danh y Y Hòa
Theo Visinon Times tiếng Trung
Tác giả: A Đông Ca
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đạo trị quốc