Đất học Thư Trai
- Trần Hưng
- •
Thư Trai là ngôi làng có nhiều người đỗ đạt, đặc biệt là vào thời nhà Nguyễn, nơi đây cũng xuất sinh nhiều cây bút nổi tiếng một thời.
Từ “Kẻ Giai” đến “Thư Trai”
Làng Thư Trai thuộc xã Phúc Hòa (Hà Nội) xưa kia có tên gọi là Kẻ Giai (thuộc xã Lạc Triền, tổng Lạc Triền, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây). Những làng có từ “Kẻ” đều là các làng cổ có lịch sử xa xưa.
Làng Kẻ Giai được gọi thành Thư Trai vào thời nhà Nguyễn. Theo người làng thì Thư Trai nghĩa là “phòng đọc sách”, để chỉ làng có nhiều người hay chữ, nhất là vào thời nhà Nguyễn có nhiều người đỗ đạt.
Từ xưa làng có 2 cổng, một cổng điềm có chữ “Thư Trai” nghĩa là “phòng đọc sách”, một cổng giếng có chữ “thư điền” nghĩa là “ruộng sách”, thể hiện là ngôi làng yêu chuộng chữ Thánh Hiền.
Theo các tư liệu ghi chép để lại, làng Thư Trai có 7 dòng họ cùng sinh sống, dòng họ nào cũng có người đỗ đạt, tiêu biểu là họ Khuất, họ Nguyễn.
Đất học
Thời nhà Nguyễn, họ Khuất và họ Nguyễn có rất nhiều người đỗ đạt, tiêu biểu có Khuất Duy Hài đỗ cử nhân khoa thi năm 1855, đến năm 1868 thì đỗ Phó bảng, làm quan đến Đồng tri phủ lãnh tri huyện. Em ruột của ông là Khuất Duy Nhân đỗ cử nhân khoa thi năm 1867, trúng cách khoa thi Hội năm 1879.
Họ Nguyễn có Nguyễn Đình Dương đỗ cử nhân khoa thi năm 1870 được bổ nhiệm làm Hậu bổ ở Bắc Ninh. 10 năm sau, đến khoa thi năm 1880, ông dự thi và đỗ đầu tức Đình nguyên. Ông để lại các tác phẩm có giá trị như “Thư Trai thi văn quốc âm tập” (ngâm vịnh lịch sử, phong cảnh, cuộc sống ở Thư Trai), “Thư Trai văn tập”, các tác phẩm này đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Đình Dương có người con trai là Nguyễn Đỗ Mục có tiếng là hay chữ, đỗ tú tài khoa thi năm 1909 thời vua Duy Tân, đến kỳ thi Hội thì bị đánh trượt dù có tiếng là sở học uyên thâm.
Năm 1913, Đông Dương tạp chí được người Pháp thành lập, giao cho Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Đây là tạp chí tiếng Việt đầu tiên xuất bản tại Hà Nội. Tạp chí này có mục đích sâu xa là quảng bá cho chính sách bảo hộ của Pháp, tuy nhiên các cây bút đều là người Việt nên nội dung phần lớn mang tính chất giáo dục thanh niên, khai sáng nền quốc văn cho dân tộc. Điều này khiến mục đích ban đầu của người Pháp không thực hiện được và phải đóng cửa vào năm 1919 sau 6 năm hoạt động.
Ngay khi tạp chí được thành lập, Nguyễn Đỗ Mục đã tham gia và có các bài viết đều đặn cho mục “gõ đầu trẻ” chuyên về giáo dục. Năm 1919, Đông Dương tạp chí bị đóng cửa, ông lại viết cho báo Trung Bắc tân văn cùng các tờ báo khác ở Hà Nội và trở thành cây bút có tiếng. Ông là tác giả biên khảo cuốn “Chinh phụ ngâm khúc diễn giải” rất nổi tiếng lúc bấy giờ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc cũng nhận định: “Nguyễn Đỗ Mục viết nhiều, dịch nhiều, song chỉ với bản dịch “Đông Chu liệt quốc” và cuốn “Chinh phụ ngâm khúc dẫn giải” cũng đủ cho thấy ông là người có công trong việc dịch thuật và biên khảo vào thời kỳ quốc văn còn non nớt”.
Làng Thư Trai ngày nay
Là đất học có tiếng, ngày nay đình làng còn lưu giữ 11 bản sắc phong của 6 đời Vua từ năm 1801 đến 1925.
Ngày nay Thư Trai vẫn giữ được tuyền thống hiếu học của làng, nhiều người đạt thành tích cao trong học tập. Làng có quỹ khuyến học nhằm kịp thời giúp đỡ động viên con em học tập. Định kỳ 2 lần trong năm làng tổ chức khen thưởng cho những người có thành tích học tập tốt gồm: Học sinh học giỏi, sinh viên học giỏi và giáo viên dạy giỏi, cũng như những người đỗ đạt cao như thạc sĩ, tiến sĩ.
Ngoài ra các dòng họ cũng duy trì quỹ khuyến học riêng của dòng họ mình để kịp thời khen thưởng cho con em có thành tích học tập vượt trội. Như họ Khuất cứ mùng một tết là gặp mặt dòng họ, đồng thời khen thưởng cho những ai có thành tích học tập tốt. Vì thế mà có những người nhận được nguồn thưởng của cả quỹ khuyến học của làng và của dòng họ.
Mỗi lần làng phát thưởng là ngày hội của làng, học sinh cùng những người nhận thưởng được nghe kể lại về truyền thống hiếu học từ thuở cha ông, cùng nhiều tấm gương vượt khó học giỏi. Người làng đều đến tham dự nên có tác dụng khuyến học rất lớn.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Làng khoa bảng