Diệu Hương quốc và những vị Vua rời ngai vàng, chuyên tâm tu luyện
- Trần Hưng
- •
Trong lịch sử Đại Việt, các vị Vua khai sáng nhà Lý đều là người tu luyện, các vị Vua khai quốc nhà Trần đều nhường ngôi cho con rồi lên làm Thượng Hoàng đi tu. Nhưng Đại Việt không phải là trường hợp duy nhất có các vị vua là người tu luyện. Đại Lý cũng có 10 vị vua Đoàn Thị từ bỏ ngai vàng cùng quyền lực, chọn cho mình con đường xuất gia chuyên tâm tu luyện. Những điều này được ghi chép lại trong “Vô Vi Tự truyền đăng lục” và “Đoàn thị truyền đăng lục”.
Đại Lý là vương quốc của người Bạch, bao gồm tỉnh Vân Nam, Quý Châu, tây nam tỉnh Tứ Xuyên và một phần phía tây bắc của Việt Nam ngày nay. Diện tích Đại Lý gần 1 triệu km2, gấp 3 lần tỉnh Vân Nam ngày nay.
Đại Lý kế thừa vương quốc Nam Chiếu trước đó. Người sáng lập ra Đại Lý là Thái Tổ Đoàn Tư Bình. Từ đời Thái tổ Đoàn Tư Bình, Đại Lý có chính sách phát triển văn hóa, không xâm phạm bờ cõi nước khác, từ vua dến dân đều tín ngưỡng Phật Pháp nên người ta thường gọi Đại Lý là “Diệu Hương quốc”.
Năm 944, Đoàn Tư Bình mất, truyền ngôi cho con là Tư Anh. Nhưng Tư Anh ham vui, lại suốt ngày thích ở nơi Phật tự, ít để ý đến việc Triều chính. Theo “Vô Vi Tự truyền đăng lục” thì chú của Tư Anh là Đoàn Tư Lương trách rằng: “Vua không giống vua, thần không giống thần, tăng chẳng giống tăng, suốt ngày tìm vui, đi săn nơi núi rừng, mỗi tháng hết 15 ngày nơi Phật tự, còn ra thể thống gì?”
Tư Anh đáp: “Thực ra, cháu lên ngôi mới thấy không tự tại, muốn tu hành tích thiện, lạy Phật ăn chay cũng bị chê trách. Lòng của chú là ở thiên hạ, nếu có thể cai trị đất nước thì cháu nguyện nhường ngôi, xuất gia làm tăng”. Ngay sau đó Tư Lương lên ngôi còn Tư Anh xuất gia vào chùa Vô Vi, pháp danh Hoằng Tu.
Nhưng không chỉ mình Tư Anh xuất gia, có 3 vị đại quan, 8 vị tướng, hơn 100 quần thần văn võ, 500 quân lính, 36 phi tần, v.v… nguyện cùng đi theo Tư Anh vào chùa tu luyện.
Đoàn Tư Lương ở ngôi được 6 năm thì mất, sau đó lần lượt các vua Đại Lý là Đoàn Tư Thông, Đoàn Tố Thuận, Đoàn Tố Anh, Đoàn Tố Liêm.
Tố Liêm có người con là Tố Thông do đam mê tửu sắc mà chết sớm. Tố Liêm khi sắp mất, thấy cháu là Tố Chân còn nhỏ, trong khi cháu họ là Đoàn Tố Long lại giỏi cả văn lẫn võ. Vì thế Tố Liêm quyết định không truyền ngôi cho cháu ruột mà truyền lại cho cháu họ là Đoàn Tố Long.
Tố Chân khi trưởng thành muốn lấy lại ngôi báu, còn Tố Long là người tín ngưỡng Phật Pháp, nên quyết định nhường ngôi để có thời gian chuyên tâm tu luyện. Tố Long tập hợp Triều đình, viết “Bính Nghĩa hoàng đế xuất gia hứa nguyện văn” công bố nhường ngôi lại cho Tố Chân. Sau đó Tố Long vào tu luyện ở chùa Vô Vi, pháp danh Phạn Thông pháp sư, quân tướng đi theo cùng tu luyện rất đông.
Thấy trong Triều quân tướng giỏi đều theo Tố Long tu lyện cả rồi, Tố Chân lo lắng hỏi: “Chú vốn tinh thông võ nghệ, nay tướng sĩ cùng chú xuất gia rất nhiều, nếu trong nước xảy ra chuyện gì thì biết làm sao?” Tố Long hứa rằng nếu Giang Sơn có chuyện thì sẽ cùng các tướng chung tay giúp sức, Tố Chân mới yên tâm.
Tố Long bấy giờ là Phạn Thông pháp sư, tinh thông về đao thuật và kiếm pháp, ông mở “Sùng võ đường”, lập đội tăng binh có võ nghệ cao cường và đều thọ giới tỳ kheo. Tố Long thọ 80 tuổi.
Tố Chân ở ngôi được 15 năm, thì một lần mơ thấy mình đi săn ở Tuyết Sơn, bão tố bỗng nổi lên, người đi theo đều chạy đâu hết, bỗng Phật Tổ xuất hiện bảo rằng: “Tâm có Phật ắt sinh Phật, trì thiện là Phật, Phật tức ý niệm, vượt qua bể khổ”.
Tỉnh dậy, Tố Chân tập hợp Triều đình, nhường ngôi lại cho Tố Hưng, rồi xuất gia tu luyện tại Vô Vi tự, lấy hiệu Phục Long pháp sư.
Sau đó Phục Long pháp sư làm trụ trì Sùng Thánh tự. Vì muốn hiểu sâu Phật Pháp, ông đi sang Thiên Trúc, rồi từ Tây Vực về Đôn Hoàng, vào Trường An, lên núi Ngũ Đài, Nga Mi. Sau đó ông trở về Đại Lý, lập chùa Lan Nhã rồi mất năm 79 tuổi.
Tố Hưng được truyền ngôi cho nhưng lại là kẻ ăn chơi trác táng, tuyển chọn mỹ nữ, xây dựng hành cung nguy nga, chỉ trong 5 năm đã tiêu tốn hết 5 kho vàng bạc với hơn 60 vạn cân trong tổng số 12 kho của Đại Lý. Ai cũng căm phẫn gọi Tố Hưng là “bại quốc chi quân”.
Triều đình quyết định trừ bỏ đế hiệu, thu ngọc tỷ, phế Tố Hưng làm dân, rồi tôn chắt của Đoàn Tư Bình là Đoàn Tư Liêm lên ngôi Vua.
Đoàn Tư Liêm ở ngôi, khi thấy con trưởng của mình trưởng thành thì lại nhường ngôi cho, chọn xuất gia vào tu luyện ở chùa Vô Vi.
Họ Đoàn trị vì đất nước kéo dài 316 năm trải qua 22 đời vua, trong đó 10 vị vua chọn con đường từ bỏ ngai vàng, chuyên tâm tu luyện.
Thời kỳ này, văn hóa Đại Lý phát triển rực rỡ dựa trên niềm tin tín gưỡng vào Phật Pháp, tạo nên bản sắc riêng của mình.
Trần Hưng tổng hợp
Xem thêm:
- Tộc Nữ Chân đã đánh chiếm Trung Nguyên như thế nào? (P1)
- Tộc Nữ Chân đã đánh chiếm Trung Nguyên như thế nào? (P2)
Mời xem video: