Tộc Nữ Chân đã đánh chiếm Trung Nguyên như thế nào? (P1)
- Trần Hưng
- •
Ở phía đông bắc Trung Quốc là nơi sinh sống của tộc người Nữ Chân, họ có tài săn bắn và chăn thả gia súc. Người Nữ Chân phân thành nhiều bộ lạc nhỏ nhưng khi các bộ lạc nhỏ có thể đoàn kết thành một, thì họ lại tạo ra nền văn minh rực rỡ. Họ đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử khi hai lần đánh chiếm và làm chủ Trung Nguyên.
Năm 1112, Hoàn Nhan A Cốt Đả đã thống nhất các bộ tộc người Nữ Chân lập ra nước Kim, đánh bại Liêu Quốc, uy hiếp Mông Cổ và nhà Tống.
Quân Kim tiến xuống phía nam đánh bại nhà Tống, đến năm 1126 thì bắt được cả vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông cùng rất nhiều phi tần, công chúa, tất cả đến vài nghìn người mang về nước Kim.
Tuy nhiên sau đó, nhà Kim bị Mông Cổ đánh bại và mãi đến thế kỷ 16, tộc Nữ Chân mới hồi phục và còn hùng mạnh hơn xưa. Tộc này một lần nữa tiến vào Trung Nguyên đánh bại nhà Minh, mở ra một thời kỳ mới.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích
Nỗ Nhĩ Cáp Xích sinh năm 1559 trong một gia đình có uy tín và quyền thế của tộc người Nữ Chân. Năm 10 tuổi, mẹ của ông mất, mẹ kế rất khắc nghiệt nên ông cùng em trai sống tự lập. Hai anh em thường kiếm hạt thông và nhân sâm rồi đổi lấy lương thực của người Hán để sống qua ngày.
Thường xuyên tiếp xúc với người Hán, Nỗ Nhĩ Cáp Xích dần dần hiểu được tiếng Hán và thích văn hóa của người Hán. Khi trưởng thành, ông theo cha và ông nội đầu quân cho Lý Thành Lương. Thời gian này Nỗ Nhĩ Cáp Xích tiếp cận và rất thích văn hóa người Hán. Nỗ Nhĩ Cáp Xích học được rất nhiều mưu lược và cách bày binh bố trận qua những cuốn sách của người Hán và sử dụng cho những trận đánh sau này của mình.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích thường nói với bạn bè rằng: “Muốn lập nên sự nghiệp, tất phải có chí và đông anh em bè bạn, lại phải có võ nghệ, có trí tuệ và nhiều mưu kế”. Vì thế mà Nỗ Nhĩ Cáp Xích thường tụ tập bạn bè, khổ luyện võ nghệ.
Một lần nghe nói bộ lạc của mình tổ chức thi bắn tên, người dự thi phải đứng từ xa bắn rơi lá liễu, ông liền tham gia. Nỗ Nhĩ Cáp Xích bắn tất cả năm mũi tên, mũi tên nào cũng trúng lá liễu mà những chiếc lá này đều cách nhau khoảng năm thốn. Ông được tuyên bố thắng cuộc trong sự khâm phục và tán đồng của mọi người. Từ đó số người đi theo ông cũng đông hơn.
Năm Nỗ Nhĩ Cáp Xích 24 tuổi thì cha và ông nội bị nhà Minh giết hại, Nỗ Nhĩ Cáp Xích khóc đến ngất đi và quyết định phải đánh nhà Minh để báo thù. Nhưng ông hiểu rằng phải làm từng bước một, mà bước đầu tiên là phải thống nhất các bộ tộc Nữ Chân.
Thống nhất bộ tộc người Nữ Chân
Người Nữ Chân có rất nhiều bộ lạc lớn nhỏ, các bộ lạc này thường có những bất hòa. Năm 1584, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tập hợp đội quân nhỏ bé của mình để chinh phục thống nhất các bộ lạc, khởi đầu là các bộ lạc thuộc Kiến Châu Nữ Chân. Ông chắt chiu từng chiến thắng một, mỗi khi chinh phục một bộ lạc thì củng cố thêm sức mạnh. Đến năm 1588, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã chinh phục hầu hết các bộ lạc thuộc Kiến Châu Nữ Chân, danh tiếng nổi lên khắp nơi.
Năm 1593, liên minh các bộ lạc Hải Tây Nữ Chân tấn công Kiến Châu Nữ Chân, thế nhưng Nỗ Nhĩ Cáp Xích bằng tài thao lược của mình đã giành nhiều chiến thắng quan trọng. Sau chiến thắng trong trận Gure, Nỗ Nhĩ Cáp Xích chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công, chinh phục các bộ lạc của Hải Tây Nữ Chân.
Năm 1613, toàn bộ các bộ tộc Nữ Chân đều được thu phục về tay của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Năm 1616 Nỗ Nhĩ Cáp Xích lên ngôi Đại Hãn khi đã 57 tuổi, hiệu là “Phúc Dục Biệt Quốc Anh Minh Hoàng đế”, nghĩa là “Vị Hãn anh minh mang hạnh phúc cho cả quốc gia”, định Đô tại Hách Đồ A Lạp (nay là Tân Tân, Liêu Ninh).
Nỗ Nhĩ Cáp Xích đặt tên nước là Đại Kim (phân biệt với nước Kim thời Nam Tống, về sau người ta thường gọi là Hậu Kim).
Xây dựng Đại Kim hùng mạnh
Thống nhất được các tộc người Nữ Chân, bước tiếp theo của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là xây dựng nên một đất nước hùng mạnh thông qua văn hóa và quân sự.
Trước đây nước Kim của người Nữ Chân bị Mông Cổ đánh bại, tộc này bị đồng hóa và phải theo chữ viết của Mông Cổ. Nay thống nhất được người Nữ Chân, Nỗ Nhĩ Cáp Xích sai văn thần của mình xây dựng lại văn tự chữ Nữ Chân.
Việc thống nhất dùng một văn tự của người Nữ Chân giúp dân tộc này hiểu và xích lại gần nhau hơn, văn hóa ngàn đời của người Nữ Chân cũng được truyền dạy đầy đủ, tạo nên nền tảng sức mạnh vững chắc cho người Nữ Chân. Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã tạo nên sức mạnh to lớn cho người Nữ Chân bắt đầu chính từ văn hóa.
Về mặt dân sự, Nỗ Nhĩ Cáp Xích xây dựng chế độ bát kỳ, chia làm 8 nhóm bộ lạc lớn được gọi là các “Kỳ” (gūsa), mỗi kỳ là tập hợp tổ chức các bộ lạc, vừa là các đơn vị dân sự vừa mang tính chất quân sự.
Về mặt quân sự, Nỗ Nhĩ Cáp Xích cũng xây dựng 8 cánh quân gọi là bát kỳ, ban đầu mỗi kỳ có 7.500 quân, bát kỳ có 6 vạn quân; về sau này khi binh lực mạnh lên, bát kỳ có đến 13 vạn quân.
Năm 1618, khi Đại Kim đã hùng mạnh, thời cơ đã đến, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tuyên bố 7 lý do để đánh nhà Minh. Lý do thứ nhất chính là trả thù cho cha và ông nội bị giết. Các lý do còn lại tập trung vào sự bất bình đẳng mà nhà Minh đối xử với người Nữ Chân.
Sau khi tuyên bố 7 lý do đánh nhà Minh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống lĩnh binh mã tiến đánh nhà Minh. Cuộc chiến của người Nữ Chân đánh nhà Minh bắt đầu.
- Xem phần 2
Trần Hưng
Xem bài:
Mời xem video:
Từ khóa Nhà Thanh nhà Minh lịch sử thế giới tộc Nữ Chân Tộc Nữ Chân đánh chiếm Trung Nguyên