Bất luận là thời xưa hay thời nay, ở xã hội nào cũng vậy, ai trong chúng ta cũng muốn tiếp xúc, kết bạn, ở chung và làm việc cùng với những người trung thành, thật thà. Đó là điều không ai có thể phủ nhận được.

Người thật thà được nhiều hơn mất
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Người trung thành, thật thà luôn được lòng người, được người khác tin tưởng. Nhìn một cách nông cạn, bề ngoài thì tưởng rằng người thật thà sẽ bị thiệt hại, bị cho là ngốc. Nhưng kỳ thực, người xưa lại cho rằng, bởi vì thật thà phù hợp với Thiên lý, nên họ là những người chắc chắn có được phúc báo trong cuộc đời.

Lỗ Tông Đạo là người An Huy, sống vào thời nhà Tống. Ông là người nổi tiếng cương trực, thẳng thắn, trọng lời hứa và thành thật. Ông là thầy giáo dạy học của Thái tử Dụ Đức, con trai vua Tống Chân Tông.

Có một lần, ông đến quán rượu uống rượu cùng một người bạn. Đúng lúc ấy, vua Tống Chân Tông có việc gấp cần triệu kiến ông vào cung ngay lập tức. Nhà vua đã phái sứ giả đến nhà của Lỗ Tông Đạo truyền lệnh, nhưng vị sứ giả chờ mãi mới thấy Lỗ Tông Đạo trở về.

Vị sứ giả vô cùng lo lắng nới với Lỗ Tông Đạo: “Ngài sẽ nói như thế nào đây?”

Lỗ Tông Đạo điềm tĩnh trả lời: “Ta sẽ chiểu theo sự thực mà trả lời.”

Vị sứ giả lại nói: “Nếu ngài nói sự thực ra, chắc chắn sẽ bị Thánh Thượng giáng tội.”

Lỗ Tông Đạo nghiêm mặt nói: “Nếu ta nói dối, sẽ phạm tội khi quân. Tội ấy còn nặng hơn.”

Lỗ Tông Đạo lên đường vào cung, nhận lỗi và nói: “Thần có người bạn cũ tới chơi, nhưng bởi vì gia cảnh bần hàn, không có chén và bàn để tiếp đãi bạn. Cho nên, thần đã mời bạn đến quán rượu. Vì thế mà tới trễ, thỉnh xin Bệ hạ trị tội!”

Không ngờ, vua Tống Chân Tông nghe xong, chẳng những không trách cứ mà trái lại, còn khen ngợi lòng trung thành, chân thật của ông. Cũng nhờ thế mà nhà vua còn nhận định rằng trong tương lai, Lỗ Tông Đạo là người có thể tin được, trọng đụng được. Vua Tống Chân Tông còn thường xuyên đem nhận định này của mình nói cho Hoàng hậu biết.

Khi vua Tống Chân Tông qua đời, con trai ông là Tống Nhân Tông lên trị vì. Bởi vì tuổi còn nhỏ nên thái hậu là người nắm giữ việc triều chính và lúc ấy, Lỗ Tông Đạo quả nhiên rất được cất nhắc và trọng dụng.

Lỗ Tông Đạo một lòng trung thành, chân thật, không bao giờ bán đứng lương tâm của mình. Ông luôn đi con đường ngay chính, không suy xét thiệt hơn, nên cả đời ông sống quang minh chính đại, được người đời kính trọng.

Thành tín, thật thà là đạo đức tốt đẹp của con người. Trong xã hội hiện đại, con người ta đôi khi vì để chiếm được lợi ích, vì thiệt hơn, vì được mất mà lừa dối người khác, thậm chí làm hại người khác. Nhưng cuối cùng, sau khi trải qua rồi quay đầu nhìn lại, không ít người đã ngộ ra rằng, thứ mà mình đánh mất – thành tín – là vô giá, mà thứ mình tranh giành được lại chỉ là phù du.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: