Mối quan hệ cha con trong lý niệm của người xưa
- An Hòa
- •
Người xưa giảng rằng luân lý đạo đức chính là phản ánh của đạo Trời. Nói cách khác Trời xanh quy định chuẩn tắc sinh sống cho người tại thế gian chứ không phải là người tự đặt ra quy định cho mình. Các bậc Thánh hiền thời xưa thông qua việc sống gần với Đạo mà cảm ngộ được các nguyên tắc này, từ đó hoàn thành sứ mệnh giáo hóa bách tính của bản thân. Một luân lý đạo đức được người xưa hết sức coi trọng chính là quan hệ cha con. Cha con trước hết phải có tôn ti trật tự, sau rồi mỗi người đều cần làm tròn bổn phận của bản thân mình.
Trong “Sử ký – Khổng Tử thế gia” có ghi chép rằng Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử về đạo lý trị quốc. Khổng Tử trả lời: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử.” Nghĩa là người làm Vua thì phải đối đãi sao cho phù hợp với đạo làm Vua. Người làm bề tôi thì phải đối đãi phù hợp với đạo làm bề tôi. Người làm cha phải phù hợp với đạo làm cha. Người làm con phải phù hợp với đạo làm con. Ai cũng phải làm tròn bổn phận của bản thân mình. Nếu như mỗi người đều làm tròn bổn phận của mình thì nhà mới yên, nước mới yên và xã hội mới ổn định và phát triển.
Nói về quan hệ cha con, trong sách “Mạnh Tử – Đằng văn công thượng” cũng viết: “Cơm no áo ấm, nhàn rỗi mà vô giáo dục thì chẳng khác gì loài cầm thú”. “Bậc thánh nhân lấy làm lo lắng về việc ấy, giáo hóa cho mọi người cái đạo nhân luân: cha con có tình thân, quân thần có nghĩa, vợ chồng có phân biệt, lớn nhỏ có thứ tự, bạn bè có thành tín”.
Cha mẹ phải dùng lòng nhân từ dạy bảo con, con phụng dưỡng cha mẹ phải hiếu thuận cung kính. Cha nhân từ, con hiếu thảo, như vậy mới là có tình thân trong mối quan hệ cha con.
Về lòng nhân từ, trong “Luận ngữ” chép việc Nhan Uyên hỏi Khổng Tử rằng người như thế nào mới là người nhân từ. Khổng Tử đáp: “Khắc chế được bản thân, hết thảy đều chiểu theo yêu cầu của lễ mà làm thì được gọi là nhân từ.” “Tam tự kinh” cũng giảng: “Nuôi mà không dạy dỗ là lỗi của người cha”. Cho nên, cha đối với con phải dạy dỗ, có sự ước chế bằng đạo lý, không được sủng ái và nuông chiều.
Về hiếu thuận với cha mẹ, trong “Luận ngữ” cũng viết: “Hễ làm con, khi cha mẹ còn sống phải phụng sự cho có lễ, khi cha mẹ mất phải chôn cất cho có lễ, rồi những khi cúng giỗ cũng phải giữ đủ lễ.” Khổng Tử cũng giảng: “Làm con thờ cha mẹ, nếu như thấy cha mẹ lầm lỗi thì nên chọn lời mà can gián. Nếu như thấy ý tứ cha mẹ chẳng thuận theo lời khuyên của mình thì mình vẫn một lòng cung kính và chẳng trái nghịch. Nếu như cha mẹ giận mà khiến mình làm công việc cực khổ thì mình cũng chớ có mang lòng dạ oán hờn”.
Khổng Tử khuyên con cái thờ cha mẹ một cách sáng suốt. Không phải bất kỳ điều gì cha mẹ sai khiến đều vâng theo mới gọi là có hiếu. Người có hiếu nên biết phân biệt những điều lành của cha mẹ mà tuân theo, những điều dữ của cha mẹ mà can gián.
Điều quan trọng là người làm con đối với cha mẹ thì luôn giữ thái độ kính cẩn, hiếu thuận. Như Khổng Tử trả lời Tử Du: “Chữ Hiếu bây giờ được hiểu là có thể nuôi dưỡng cha mẹ. Nhưng ngay cả chó và ngựa cũng đều phải nuôi dưỡng. Nếu thiếu đi sự kính trọng, thì sao có thể phân biệt hai việc đó đây.”
Khổng Tử cũng dạy Tử Hạ: “Con cái có thể giữ được nét mặt an hoà, vui vẻ là điều khó nhất. Còn khi có việc phải làm, người trẻ làm thay, khi có đồ ăn thức uống, người lớn tuổi ăn trước, lẽ nào như vậy đã có thể coi là Hiếu sao?”
Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện về người cha nhân từ, hiểu lễ, dạy con thành bậc hiền tài. Đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện về gương người con hiếu thảo. Người làm cha phải hiễu rõ lễ nghĩa, biết sửa sai, biết nghe lời giãi bày, là tấm gương tốt cho con thì con sẽ tự nhiên hiểu rõ hiếu kính. Làm con phải tận hiếu, nghe lời dạy bảo, biết tiếp nhận lời khuyên của bề trên mà cải sửa. Đây chính là tròn đạo cha con.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Khổng Tử Nho gia chữ Hiếu Đối nhân xử thế của người xưa