Giáo dục tư thục thời COVID-19
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Hệ thống giáo dục tư thục ở Việt Nam vốn rất mong manh. Nó thiếu rất nhiều thứ để phát triển mạnh.
Một là truyền thống. Giáo dục tư của loài người có trước giáo dục công rất lâu đời. Khởi thủy có con người là có giáo dục tư rồi, khi giáo dục tồn tại ở việc truyền dạy tri thức, kinh nghiệm sống của các cá nhân trong nhóm nhỏ, gia đình, bộ lạc… Sau đó ở quốc gia nào cũng thế, người biết dạy người không biết, từ hình thức một thầy một trò, một thầy vài trò, tiến lên các ngôi trường tư nho nhỏ rồi mới tới sự xuất hiện của các trường công và cuối cùng là hệ thống giáo dục quốc dân như ta đang thấy (bắt đầu từ thời cận đại).
Ở Việt Nam giáo dục tư có truyền thống lâu nhất là lớp học của các ông đồ. Sơ sài, đơn giản, quy mô nhỏ bé, dễ thành dễ tan. Cả một giai đoạn quân chủ ngàn năm các lớp học của ông đồ đã tồn tại như vậy. Dưới thời Pháp thì có trường tư nhưng dưới chế độ thuộc địa thì nó cũng chỉ như trứng để đầu gậy. Số phận của Đông Kinh nghĩa thục là một biểu tượng. Sau đó thì giáo dục tư hầu như bị xóa bỏ ở miền bắc. Gần đây giáo dục tư được thừa nhận về pháp lý (bỏ dân lập, bán công thừa nhận tư thục). Tuy nhiên, xin nhắc lại truyền thống giáo dục tư thục ở Việt Nam rất yếu mà trong giáo dục và văn hóa truyền thống thì nó có sức mạnh rất lớn, tác động vô hình của nó cực mạnh.
Không cần nghiên cứu khoa học, hãy nhìn vào các trường nổi tiếng, các dọng họ nổi tiếng và các gia đình nổi tiếng về văn học, nghệ thuật, học thuật là rõ.
Thứ hai là nhân lực. Cho dù giáo dục tư đang bắt đầu “hút máu” nhân lực từ giáo dục công nhưng như một truyền thống dai dẳng người Việt vẫn thích làm trong hệ thống “nhà nước”, thích “ổn định” và đa số nhân tài vẫn nằm trong hệ thống giáo dục công cho dù nhiều người chỉ để tài ấy ngủ yên ở trong não (nói nôm na là họ có tài nhưng tài đó không phát huy được).
Thứ ba, giáo dục tư thiếu các thiết chế nền tảng hỗ trợ. Đó là các hiệp hội, tổ chức dân sự, nghề nghiệp hỗ trợ. Câu chuyện lá đơn kêu cứu rơi vào im lặng và sau đó là ăn no đòn của cộng đồng mạng (dù cộng đồng mạng rất có lý) là một minh chứng.
Thứ tư, sự hỗ trợ về vật chất từ nhà nước còn yếu. Các trường tư cho dù có được hỗ trợ nhất định nào đó về chính sách thuế đất, thuế kinh doanh, vay vốn… thì cũng chưa thể nào sánh được với nước ngoài (ví dụ Nhật) khi nhà nước hỗ trợ tiền cho giáo dục tư theo đầu học sinh như giáo dục công (số tiền còn thiếu thì trường tư bù đắp bằng học phí và tài trợ). Vì thế giáo dục tư ở Việt Nam trong nhiều trường hợp có học phí trên giời, khó có thể là cánh cửa cho người có thu nhập kém.
Cuối cùng (cho dù còn nhiều thứ nữa nhưng tôi dừng ở đây) là sự yếu kém trong điểm xuất phát ban đầu. Nhìn lại quá trình ra đời giáo dục tư từ thời cận đại trên thế giới ta thấy người mở trường tư và sống chết với nó thường là các nhà hoạt động xã hội, nhà giáo dục, nhà tư tưởng lớn có sức ảnh hưởng mạnh và lý tưởng. Sức sống của ngôi trường là từ đó và lan tỏa ra ngoài xã hội, tạo ra đặc trưng riêng của ngôi trường, tạo thành các trường phái giáo dục. Ví dụ thân thế của những người sáng lập các trường tư ở Nhật như Waseda, Keio, Ochanomizu, Showa rất lừng lẫy và sau này trường có bản sắc riêng. Chẳng hạn người ta đã từng có thời đồn thổi rằng ở Nhật thực ra chỉ có một tổng biên tập báo mà thôi đó là hiệu trưởng Đại học Waseda vì các tổng biên tập, các nhà báo có sức ảnh hưởng lớn nhất đều xuất thân từ Waseda!
Còn ở ta?
Rất nhiều trường tư thực chất là sân sau, sân trước của các công ty thương mại và bất động sản.
Rất nhiều người sáng lập trường hay chủ trường không phải là người am hiểu về giáo dục hoặc không có tư tưởng về giáo dục.
Bi kịch của giáo dục tư ở ta là người có tiền mở trường, lập lớp là người không coi giáo dục là mục đích mà chỉ coi là phương tiện. Người muốn lấy giáo dục là mục đích lại không có điều kiện để mở trường. Trong hoàn cảnh đó sẽ cần tới mội liên minh-thỏa ước giữa người có thể mở và người có thể làm giáo dục. Nhưng liên minh này sẽ rất mong manh. Không có gì hứa hẹn. Khi ngôi trường lớn lên sẽ nảy sinh mâu thuẫn lợi ích hoặc lý tưởng.
Đấy là một cái khó của giáo dục tư thục Việt Nam.
Covid 19-là một đòn trực tiếp làm cho giáo dục tư của Việt Nam khốn khổ.
Một nền giáo dục hiện đại là một nền giáo dục bao chứa giáo dục tư phong phú, có bản sắc và mạnh.
Chúng ta cần suy nghĩ và thúc đẩy điều đó. Những người có khả năng, có điều kiện, có tư tưởng về giáo dục nên dấn thân để mở trường tư và thúc đẩy giáo dục tư thục phát triển.
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Cần giải tán các trường sư phạm trong cải cách giáo dục
- Văn chương ích gì cho cuộc sống hôm nay?
- Quan sát lớp trẻ Việt
- Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
- Con cái chúng ta đang học kém đi hay đang sống tồi đi?
Mời xem video:
Từ khóa thực trạng giáo dục Việt Nam Nguyễn Quốc Vương giáo dục tư