Để cải cách được giáo dục thì cùng với hệ thống hành chính giáo dục đứng đầu là bộ giáo dục sau đó là sở, phòng, trường, các trường sư phạm cần phải được đại phẫu hoành tráng, cơ bản. Trên thế giới hiện nay, ở các nước có giáo dục hiện đại hầu như không còn hệ thống trường sư phạm mà chỉ có trường giáo dục hay khoa giáo dục.

Cách thức đào tạo giáo viên với nội vụ dành cho sinh viên như lục quân và chú trọng kỹ thuật dạy học (gọi mĩ miều hơn là phương pháp dạy học) đã không còn phù hợp trong thời đại mới nữa. Hệ quả của phương thức đào tạo giáo viên kiểu cũ này là: sinh viên ra trường nếu như không “xin” được đi dạy thì rất khó để làm việc khác do không có chuyên môn sâu và trải nghiệm xã hội sâu sắc. Môi trường của sư phạm tương đối đóng kín làm giảm tính năng động và khả năng tư duy độc lập của sinh viên.

Ở Nhật từ 1947, tiếp nhận khuyến cáo của Sứ đoàn giáo dục Mĩ, người Nhật đã giải tán về cơ bản hệ thống các trường đại học, cao đẳng sư phạm được thiết lập từ thời Minh Trị, biến nó thành trường tổng hợp – đa ngành đào tạo chuyên sâu học thuật. Trong các trường đó sẽ có khoa giáo dục hay khóa trình đào tạo giáo viên. Những sinh viên sau khi có các tín chỉ học thuật đủ thì đăng kí học các môn liên quan đến nghề giáo như tâm lý, giáo dục học, quyền con người, lịch sử trường học, thực tập tại hiện trường giáo dục… để lấy chứng chỉ hành nghề giáo viên.

Một số nước thì áp dụng hình thức học viện sư phạm – tiếp nhận người đã tốt nghiệp đại học một ngành nào đó để đào tạo và cấp giấy phép hành nghề giáo viên.

Theo cơ chế đào tạo này thì giáo viên ít nhất phải có trình độ học thuật chuyên sâu bằng người làm nghề đó nhưng không đi dạy chứ không phải tình trạng như ta thường thấy là “Không làm được gì thì đi dạy” (ví dụ một ông đi dạy kỹ thuật công nghiệp nhưng chính ông ta có khi chẳng có kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt có liên quan đến máy móc…), một giáo viên dạy kỹ thuật nông nghiệp nhưng có khi không thể tự tay tiêm phòng cho trâu bò, lai ghép cây giống… (những thứ họ phải dạy).

Đại chúng hóa đại học và thông tin hóa xã hội đã làm cho yêu cầu chuyên sâu của giáo viên đặt ra cấp thiết. Vì thế ở Nhật chính phủ áp dụng cả cơ chế đặc biệt cho phép tuyển cả những người làm nghề trong xã hội trở thành giáo viên khi họ có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tế cao. Ví dụ ở nhiều trường phổ thông có nhiều giáo viên tiếng Anh đã từng nhiều năm là phiên dịch viên, thông dịch viên, hướng dẫn viên du lịch thậm chí là giám đốc (họ được bổ nhiệm theo cơ chế chỉ định đặc biệt).

Lối thoát của các trường sư phạm ở Việt Nam vốn đang ế và đau đầu với tình trạng sinh viên thất nghiệp cũng chỉ có một con đường trên. Giải thể hoặc cải cách để “hóa thân”. Thành trường đại học đa ngành có khoa sư phạm hoặc là… từ từ chết.

Nhưng làm thế nào để hóa thân khi bộ máy quá cồng kềnh, số lượng nhân viên hành chính đông như quân Nguyên và cũng hung dữ như hùm beo (giáo sư còn sợ cơ mà!)?

Làm thế nào “cho nghỉ” ít nhất 1/3 số giảng viên và 1/2 nhân viên hành chính để tinh gọn nhân sự, nâng lương ít nhất gấp đôi cho ai ở lại?

Muốn có sinh viên giỏi, trình độ học thuật chuyên môn cao thì đương nhiên các thầy phải giỏi, nhưng làm thế nào để giải quyết di sản của bao năm nay khi sư phạm bị coi là nơi dồn tụ của “chuột chạy cùng sào” và tình trạng giảng viên phải chán nản bỏ đi vì lương bổng rẻ mạt và môi trường làm việc bí bách, quan hệ con người tệ hại?

Đấy là những nan đề mà ai thiết tha với ngành sư phạm sẽ phải suy ngẫm!

Không có thầy giỏi lấy đâu trò giỏi?

Thầy không có bản lĩnh, nhân cách lấy đâu ra trò thiết tha với cộng đồng?

Phụ huynh không cho con mình – học giỏi – tử tế – vào học để làm thầy thì sau này mong gì cháu mình được học các giáo viên tốt và giỏi?

Câu chuyện cứ loanh quanh như con kiến kiện củ khoai, con khoai đè con kiến vậy.

Nếu các trường sư phạm không cải cách được thì cùng với hệ thống hành chính giáo dục cứng nhắc, lực lượng giáo viên bảo thủ hoặc say mê lợi ích vật chất, nó sẽ thành những pháo đài lăm lăm chặn những người muốn cải cách để đất nước khá hơn.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả: