Nhiều người vẫn biết Hà Nội có 5 cửa ô qua nhiều thi ca và bài hát, nhưng kỳ thực trong lịch sử Hà Nội đã từng có rất nhiều cửa ô.

Hà Nội ban đầu có 21 cửa ô?

Xưa kia để vào Hà Nội phải qua các cửa ô có lính canh gác cả ngày lẫn đêm. Hà Nội có bao nhiêu cửa ô? Ngày nay nhiều người vẫn biết rằng Hà Nội có 5 cửa ô, nhưng theo sách “Bắc thành dư địa chí” viết vào đầu thế kỷ 19 thì Hà Nội có 21 cửa ô, nhưng sách lại không liệt kê tên và vị trí của các cửa ô này.

Nhà Nguyễn chuyển Kinh đô từ Thăng Long (Hà Nội) đến Phú Xuân (Huế). Điều này khiến Thăng Long không còn là nơi đô hội phát triển nhộn nhịp như trước, cứ thu nhỏ dần và số cửa ô cũng ít hơn.

Năm 1831 thời vua Minh Mạng, Thăng Long có cuộc cải cách hành chính lớn, Thăng Long được đổi tên thành Hà Nội. Theo “Bản đồ tòa thành Hà Nội” năm 1831 thì chỉ còn lại 16 cửa ô với tên gọi và địa điểm cụ thể. Bấy giờ đường giao thông kết nối Thăng Long với các nơi khác đa số là đường sông, vì thế mà 16 cửa ô thì có đến 11 cửa ô ra sông Hồng và sông Tô Lịch, còn lại phía tây có 2 cửa ô và phía nam có 3 cửa ô.

Bản đồ năm 1866 thời vua Tự Đức thì không còn ô Nhân Hoà (ở khu vực ngã ba Trần Quang Khải – Trần Hưng Đạo ngày nay), nên chỉ còn 15 cửa ô.

ban do ha noi
Bản đồ Hà Nội vẽ năm 1866 thể hiện Hà Nội có 15 cửa ô. (Public Domain)

Dù có nhiều cửa ô nhưng có 5 cửa ô quan trọng nhất, nơi có vị trí giao thông chủ yếu là ô Đống Mác, ô Cầu Dền, ô Cầu Giấy, ô Chợ Dừa và ô Thanh Hà. Ngày nay nhiều người biết Hà Nội có 5 cửa ô chính là 5 cửa ô này.

Chỉ còn lại ô Quan Chưởng

Đến thế kỷ 20 trên các tác phẩm văn học, báo chí và thi ca nhắc đến 5 cửa ô chính của Hà Nội. Nhưng thực tế chỉ còn lại một cửa ô là ô Quan Chưởng.

Ô Quan Chưởng được xây dựng vào năm 1749 thời vua Lê Hiển Tông, cổng được xây vọng lâu có canh gác ngày đêm để giữ an toàn cho khu phố buôn bán gần đó. Đến năm 1817 ô Quan Chưởng có một lần sửa chữa lớn.

Về tên gọi “ô Quan Chưởng”, theo câu chuyện lưu truyền thì năm 1873 quân Pháp tiến đánh Hà Nội lần thứ nhất. 6 giờ sáng ngày 20/11/1873 pháo thuyền của quân Pháp bắn dồn dập vào trong thành, quân trong thành nhiều binh lính lần đầu xông trận, cũng là lần đầu tiên chứng khiến đại bác công phá mạnh mẽ thì hoảng sợ bỏ chạy ra cửa phía tây.

Quân Pháp với vũ khí hiện đại nhanh chóng tấn công vào thành. Thế nhưng tại cửa ô Thanh Hà (thuộc làng Thanh Hà gần cửa sông Tô Lịch, dân chúng quen gọi là ô Đông Hà vì ở phía đông), cuộc chiến lại khác hẳn, diễn ra vô cùng ác liệt.

Một viên quan Chưởng Cơ đã chỉ huy 100 binh lính nhà Nguyễn anh dũng chiến đấu đến người cuối cùng, quyết ngăn quân Pháp không cho tiến vào thành Hà Nội. Đến gần trưa, khi người lính cuối cùng ngã xuống, quân Pháp mới vựợt qua được nơi đây. Để tưởng nhớ sự kiện này người dân Hà Nội gọi ô này là ô Quan Chưởng.

Tuy sự kiện này được lưu truyền, nhưng lại không có ghi chép trong lịch sử.

Dù chiếm được thành Hà Nội, nhưng trước cuộc chiến anh dũng của dân chúng, chỉ vài tháng sau quân Pháp phải rút khỏi miền bắc. Đến năm 1882 quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, sau khi chiếm được Hà Nội đã cho phá hết tất cả các cửa ô cùng con đê để xây dựng thành phố.

Tuy nhiên ở ô Quan Chưởng, dân chúng và cai tổng tổng Đồng Xuân là Đào Đăng Chiểu phản đối việc phá bỏ cửa ô này. Đào Đăng Chiểu cùng dân chúng không chịu ký tên phá cửa ô, khiến người Pháp phải nhượng bộ. Nhờ đó mà ô Quan Chưởng vẫn còn, và là cửa ô duy nhất vẫn còn đến ngày nay.

Sau đó hình thành khu phố ô Quan Chưởng dài 80m, từ đường Trần Nhật Duật đến cửa ô nối với phố Hàng Chiếu và nối ra phía đê sông Hồng.

Ô Quan Chương đã đi vào ca dao của người Hà Nội:

Long Thành bao quản nắng mưa,
Cửa ô Quan Chưởng bây giờ còn đây.

Hà Nội có bao nhiêu cửa ô
Ô Quan Chưởng. (Ảnh: Alexis Lê-Quôc. Wikipedia, CC BY 2.0)

Ngày nay ô Quan Chưởng vẫn còn cửa chính ở giữa cùng hai cửa phụ ở hai bên với lối tam quan. Trên cửa chính vẫn còn 3 chữ Hán 東河門 (Đông Hà môn). Bên phía trái còn gắn tấm bia khắc năm 1882 ghi lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu nghiêm cấm binh lính sách nhiễu những đám tang qua lại cửa ô.

Cửa ô Hà Nội gắn liền với văn hóa lịch sử Hà Nội, nhưng đến nay chỉ còn lại một cửa ô duy nhất là ô Quan Chưởng. Sau năm 1975, ô Quan Chưởng bị xuống cấp, tuy nhiên chính quyền không có kế hoạch bảo tồn di tích lịch sử văn hóa này.

Năm 2009, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak công bố khoản tài trợ trị giá 74.500 USD dành cho Việt Nam để thực hiện việc bảo tồn ô Quan Chưởng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: