Thời cổ đại đã từng xảy ra rất nhiều trận ôn dịch cho nên trong sử sách cũng ghi lại các phương pháp cổ nhân sử dụng để phòng chống ôn dịch, xua đuổi tà khí, trong đó có những cách làm có phần đặc biệt. Dưới đây là hai phương pháp như vậy.

Hai cách phòng dịch và xua đuổi tà khí của cổ nhân
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Pixnet.net, Public Domain)

Dùng hương liệu trị bệnh

Cổ nhân cho rằng bệnh là do tà khí xâm nhập qua đường miệng và mũi, nếu hít được mùi thuốc qua miệng và mũi thì cũng có thể đạt được một số hiệu quả phòng bệnh và bồi bổ cơ thể nhất định.

Sách “Hoàng Đế nội kinh”, “Ôn bệnh điều biện”, “Thiên kim yếu phương”, “Thương hàn luận” đều có ghi lại phương pháp dùng huân hương (mùi hương thơm) để phòng dịch bệnh. Trong “Thái bình thánh huệ phương” có ghi chép về nhiều loại hương liệu phòng dịch.

Trong “Sơn hải kinh” có chép rằng: Thời Hán Vũ Đế tại vị, ở phía Bắc của núi Côn Lôn có một con sông, bởi vì sức nước nâng quá yếu, thuyền không thể đi được, nên con sông này được gọi là Nhược Thủy. Có một quốc gia ở phía Tây tên là Đại Nguyệt Thị từng phái người đi một con thuyền đặc biệt tên là “Mao Xa”, vượt qua sông Nhược Thủy đến triều đình Tây Hán cống hiến ba quải hương liệu. Loại hương liệu này bề ngoài trông giống như tảo, to như trứng của chim loan. Bởi vì lúc ấy thành Trường An đang xảy ra ôn dịch, trong cung có rất nhiều người bị nhiễm, vì thế sứ giả yêu cầu đốt hương liệu ấy để bài trừ khí bệnh. Sau khi đốt hết số hương liệu ấy, những người nhiễm bệnh trong cung dần chuyển nguy thành an, không lâu sau thì khỏi hẳn. Mùi hương của loại hương liệu này bay ra trăm dặm, nhiều ngày sau còn chưa tan hết.

Trong “Bác vật chí” ghi chép lại, những người bị dịch bệnh mà chết chưa quá ba ngày, ngửi được hương khí này còn có thể sống lại. Trong “Hài nội thập châu ký” cũng viết rằng những người ở cách xa trăm dặm, ngửi được hương khí này bay đến liền có thể tỉnh dậy. Sử sách ghi chép loại hương này là do nước Nguyệt Chi ở Tây Vực tiến cống triều đình nhà Hán, được gọi là “Phản hồn hương”.

Ngoài đốt hương liệu, cổ nhân còn dùng túi hương mang theo bên mình. Túi hương không chỉ có tác dụng tạo mùi thơm mà còn có tác dụng trừ tà phòng dịch. Túi hương là vật thường thấy thời cổ đại, thông thường nó được buộc ở bên hông, đai lưng, trên màn hoặc trên xe. Trong cuốn “Bão phác tử” viết rằng, bộ tộc Hoàng Đế xảy ra đại ôn dịch. Hoàng Đế nghe nói Quảng Thành Tử y đạo cao minh nên đã đến xin cách trị dịch bệnh. Quảng Thành Tử dùng túi đựng hùng hoàng và cho Hoàng Đế đeo bên thân, kết quả là trị được dịch bênh.

Thời nhà Đường, nữ nhân không ai là không đeo túi hương. Chỉ cần thấy trên đường có mùi hương thơm thì sẽ biết được nơi đó mới có mỹ nhân đi qua. Càng về sau, túi hương càng có tạo hình phong phú như hình tròn, hình quả trứng, hình vuông, hình tam giác, hình hồ lô, hình lựu… nhưng đều có lỗ thông khí để mùi hương tỏa ra. Trong “Lý thược biền văn” có ghi lại những loại cây có thể phòng ngừa cảm mạo và ôn dịch như: Khương hoạt, Đại hoàng, Sài hồ, Thương truật, Tế tân, Ngô thù du…

Tuy rằng hương liệu và túi hương của các triều đại có những bất đồng nhưng ý nghĩa không ngoài việc trừ ác khí, tránh tà ma ô uế.

Ngày nay, ở một số vùng, người ta vẫn đeo túi thơm, bao thơm, bên trong để rất nhiều thứ như hùng hoàng, huân thảo, ngải diệp… nhưng những điển cố về túi thơm đã dần bị mai một.

Trừ ác khí, bảo hộ chính khí

Trong “Hoàng Đế nội kinh” viết rằng: “Chính khí tồn nội, tà bất khả kiền, tà chi sở thấu, kì khí tất hư”, “Tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư”, tức là một khi nhân thể có chính khí cường thịnh thì tà khí không thể xâm nhập được vào cơ thể, cũng sẽ không phát sinh bệnh tật. Còn tà khí sở dĩ có thể xâm phạm vào thân thể thì nhất định là do chính khí đã hư nhược rồi. Cho nên, bảo hộ chính khí, không chịu sự quấy nhiễu của tà khí thì sẽ nâng cao khả năng kháng bệnh.

Vậy chính khí đến từ đâu? Thi nhân Văn Thiên Tường triều đại Nam Tống khi bị quân Nguyên bắt làm tù binh đã ở trong ngục viết tác phẩm “Chính khí ca”. Trong đoạn mở đầu nói về hoàn cảnh viết bài thơ, Văn Thiên Tường viết: “Bỉ khí hữu thất, ngô khí hữu nhất, dĩ nhất địch thất, ngô hà hoạn yên! Huống hạo nhiên giả, nãi thiên địa chi chính khí dã” (Tạm dịch: Khí của người có bảy, khí của ta có một, lấy một địch bảy, ta có gì lo đâu! Huống hồ khí hạo nhiên, đó là chính khí của trời đất). Ý của tác giả là mặc dù đối phương có bảy loại khí nhưng đều là uế khí, tà khí thì chỉ cần dùng một loại chính khí này thôi là có thể địch lại được bảy loại khí kia, chẳng có gì phải lo lắng cả.

Hơn nữa “Thiên địa hữu chính khí, tạp nhiên phú lưu hình”, khí cương trực to lớn chính là chính khí hào hùng trong trời đất. “Hạ tắc vy hà nhạc, thượng tắc vy nhật tinh. Ư nhân viết hạo nhiên, Bái hồ tắc sương minh”, dưới là sông núi, trên là mặt trời và các vì sao, đều do chính khí mà hình thành, ở nhân gian, đó chính là chính khí cuồn cuộn của con người.

Bởi vậy nếu một người lúc nào cũng giữ được tâm thiện lương và bình thản, ôn hòa, một thân đầy chính khí thì bất kỳ tà khí nào cũng không dám đến gần, lại càng không thể xâm hại.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: