Ngày xưa những thầy thuốc chữa bệnh giỏi được xem là “mát tay”. Từ “mát tay” ấy là chỉ cùng một bệnh đó nếu để người khác trị thì không hết hoặc rất lâu mới hết, nhưng gặp người thầy thuốc đó thì hết bệnh. Người chữa bệnh “mát tay” không phải là nhờ biết nhiều y thuật hơn người khác, mà chính là ở y đức. Người có y đức thường xem nhẹ công danh, chỉ lo chữa bệnh, nhờ thế mà có thêm trí huệ, mở mang thêm y thuật. Người thầy thuốc chữa bệnh nhưng trong đầu toàn là danh lợi thì che mất trí huệ, dẫu học nhiều kiến thức y thuật thì chữa bệnh cũng không “mát tay”. Hải Thượng Lãn Ông được xem là trị bệnh rất mát tay, vậy y đức của ông như thế nào?

Không phân giàu nghèo, chỉ phân nặng nhẹ

Hải Thượng Lãn Ông chữa bệnh rất tận tình, ông chữa bệnh tận tâm như nhau không phân biệt giàu nghèo, với người nghèo khó ông không lấy tiền công.

Có lần ông chữa bệnh cho cậu bé gia đình thuyền chài bị mắc bệnh đậu mùa rất nặng, cả người bốc lên mùi xú ế không ai dám lại gần. Để chữa bệnh, ông phải bịt bông gòn vào mũi cho giảm bớt mùi rồi chữa trị. Ông đều đặn đi lại thăm khám bốc thuốc hàng tháng trời thì cậu bé này mới hết bệnh. Biết hoàn cảnh gia đình cậu bé này rất nghèo, ông không nhận đồng nào mà còn cung cấp thêm cho gia đình này những nhu yếu phẩm như gạo, củi, dầu, đèn…

Lần khác có gia đình quyền quý mời ông đến khám bệnh, nhưng ông đến muộn do trên đường phải ghé chữa bệnh cho một người khác, hỏi ra thì người ông ghé chữa bệnh đó chỉ là một người dân thường nghèo khó. Bị nhà quyền quý nọ trách, ông đáp rằng do người nhà bệnh nhẹ không cần gấp, còn người nghèo kia bị bệnh nặng cần trị gấp.

Cám dỗ cuộc sống xa hoa cùng công danh nơi phủ chúa

Năm 1782 danh tiếng của Hãn Thượng Lãn Ông đã vang khắp nước, chúa Trịnh Sâm liền mới ông vào Kinh thành chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán. Lúc này ông đã 62 tuổi, sức yếu, lại chỉ muốn chuyên tâm cứu người nên không muốn đến kinh thành, nhưng nghĩ bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” chưa in được nên ông cũng muốn đến kinh thành để in sách.

Cảnh vào phủ chúa được Hải Thượng Lãn ông ghi chép lại trong cuốn “Thượng kinh ký sự”. Ông đã mô tả lại cuộc sống xa hoa đối nghịch với người dân nghèo khổ quê ông “cái cảnh giàu sang của vua chúa thực khác hẳn người thường”, “đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương”, “rèm châu, hiên ngọc, bóng mai ánh vào”.

Hải Thượng Lãn Ông - P2: Người thầy thuốc "mát tay"
Phủ chúa Trịnh thế kỷ 17. (Tranh: Samuel Baron, Royal Society Collection, Wikipedia, Public Domain)

Dù Hải Thượng Lãn Ông là con nhà danh giá dòng dõi khoa bảng, nhưng đến phủ chúa ông cũng phải thốt lên rằng “Cả trời Nam sang nhất là đây!”, bao nhiêu của quý vật lạ đều tập trung ở phủ chúa.

Trong một bài thơ ông viết thời điểm này, đoạn cuối có câu rằng:

Quê mùa, cung cấm chưa quen
Khúc gì ngư phủ đào nguyên thủa nào!

Câu sau ý nói vào phủ chúa giống như người ngư phủ năm xưa lạc vào chốn thần tiên, huyền ảo, thơ mộng, mà cảm giác xót xa.

Nhưng dù lạc vào nơi xa hoa, ông cũng không động tâm. Việc chữa trị cho Thế tử có kết quả tốt, ông được Chúa khen và thưởng 20 suất lính hầu, và bổng lộc ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ để giữ ông lại luôn trong phủ chúa để trị bệnh cho Thế tử, không cần ở ngoài đi lại vất vả. Thế nhưng ông viện đủ các lý do khác nhau để được ở ngoài chứ không ở trong phủ chúa.

Khi chữa bệnh cho Thế tử, ông phải suy nghĩ lựa chọn giữa sự ràng buộc công danh và cái tâm người thầy thuốc, như ông mô tả: “Nếu mình làm có kết quả ngay thì sẽ bị danh lợi ràng buộc, không làm sao về núi được”. Sau đó ông lại nghĩ: “Cha ông mình đời đời yêu nước, ta phải dốc hết lòng thành, để nối tiếp cái lòng trung của cha ông mình mới được”.

Những suy nghĩ trên cho thấy Hải Thượng Lãn Ông không màng công danh lợi lộc, chỉ mong sớm được trở về lại quê nhà. Ông trị bệnh là vì cái tâm với đất nước, và cả cái tâm của người thầy thuốc.

Đám ngự y trong triều ghen tỵ với Hải Thượng Lãn Ông nên không muốn trị bệnh kê đơn theo đơn thuốc của ông mà thường thay đổi, nên bệnh Thế tử dù ban đầu chuyển biến tốt nhưng mãi không khỏi. Ông biết thế nhưng cũng không bận tâm việc đấu đá chốn cung đình, chỉ mong sao được về quê thật sớm. Ông viết rằng:

Thiện tâm cốt ở cứu người
Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu
Biết vui nghèo cũng hơn giàu
Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn…

Sau đó nhân có người tiến cử một lương y mới, Hải Thượng Lãn Ông lấy cớ người nhà ốm nặng để xin được trở về. Tháng 11/1802, ông về Hương Sơn.

Về quê nhà ông viết cuốn “Thượng kinh ký sự”, mô tả cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa Trịnh, và tập ký ấy trở thành một tác phẩm văn học nổi tiếng.

Ông cũng viết thêm tập “Vân khí bí điển” năm 1786 để hoàn chỉnh bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”.

Hải Thượng Lãn Ông
Khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thuộc dòng họ Lê Hữu Liêu Xá. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh)

Trong các tác phẩm của mình, ông ghi lại cả phần “dương án” “âm án”. “Dương án” ghi chép lại ca bệnh chữa thành công, còn “âm án” ghi lại những ca chữa bệnh thất bại. Trong “âm án” ông viết: “Nghề thuốc là một nhân thuật, người thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người là tốt, chứ cứu được một mạng người thì khoa chân múa tay để khoe khoang cho mọi người biết. Nhỡ có thất bại thì lại giấu nhẹm đi. Mấy ai không giấu cái điều xấu của mình mà dám đem sự thực nói với người khác.”

Ông mất năm 1791, mộ của ông nay còn ở khe nước cạnh chân núi Minh Từ thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn. Ông để lại cho đời sau cả y đức và y thuật.

Y thuật ông để lại chính là “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa y học cổ truyền. Được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất thời trung đại Việt Nam.

Các cuốn sách khác của ông như “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh ký sự” không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Ngày nay tên “Hải Thượng Lãn Ông” được đặt cho nhiều tuyến đường trên khắc cả nước. Tấm gương y đức của ông được vinh danh trong ngành y. Nhưng với xã hội mà đạo đức đang xuống dốc như hiện nay, liệu mấy ai có được y đức như thế, liệu mấy ai dám thực hành y đức như thế?

(Hết)

Trần Hưng

Tài liệu tham khảo:

  • “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”

Xem thêm:

Mời xem video: