Hành trình đi giữa hai thế kỷ của họa sĩ Mộng Bích
- Bùi Hoài Mai
- •
Năm 1960, trong triển lãm của Sở Văn hóa Liên khu Việt Bắc tại Thái Nguyên, có một bức tranh với cái tên giản dị “Mẹ con” đặc biệt gây chú ý và sau đó đã đạt Giải Nhất. Có lẽ, đề tài gần gũi với cách thể hiện chân thật của bức tranh đã phần nào xoa dịu đi phong trào hiện thực xã hội chủ nghĩa thời kỳ đó. Tác giả là một nữ họa sĩ trẻ, vừa tốt nghiệp Trung cấp trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, với cái tên rất mơ màng “Mộng Bích”.
Nhưng thành công đầu tiên của sự nghiệp không vì thế mà khiến cuộc đời hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Mộng Bích suôn sẻ. Ngược lại, sự nghiệp của bà gắn liền với những thăng trầm, đổi thay của đất nước và những truân chuyên của chính cuộc đời bà.
Thế kỷ XX đầy biến động và hội họa Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Trong một giai đoạn dài đóng cửa với thế giới, hội họa không phát huy được nhiều vai trò nghệ thuật của mình. May mắn thay, có một thế hệ trước đó đã được người Pháp đào tạo ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thế hệ đó đã phần nào liên hệ với nghệ thuật thế giới làm hội họa giảm bớt sự cực đoan, mang đậm tính tuyên truyền của các phong trào cách mạng.
Họa sĩ Mộng Bích may mắn được làm học trò của thế hệ họa sĩ tuyệt vời đó, như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ. Ảnh hưởng từ những người thầy là một tình yêu thuần khiết với hội họa. Với bà, hội họa là sự trải lòng trước hiện thực, là khát vọng sáng tạo hướng tới cái đẹp của người họa sĩ. Khác với phong trào “hiện thực xã hội chủ nghĩa” lúc bấy giờ, hiện thực trong tranh của Mộng Bích vượt qua giáo điều, tiếp cận chân phương đến con người và thiên nhiên, không bị kiểm soát hay gò bó bởi bất kỳ sự kiểm duyệt nào. Mặc dù vào thời điểm ấy, đi ngược lại với xu thế cũng khiến bà gặp không ít những rắc rối.
Thời thế đổi thay, đất nước đi qua chiến tranh, bước tới thời kỳ “Mở cửa” (những năm cuối thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI), văn hóa cởi mở hơn, cùng với đó, là làn sóng nghệ thuật đương đại phương Tây tràn vào Việt Nam mang theo tinh thần cùng những trải nghiệm mới cho nghệ thuật nước nhà. Người nghệ sĩ tìm được nhiều phương thức biểu hiện mới lạ, táo bạo và phong phú. Thời kỳ này, nghệ thuật Việt Nam thay đổi rất nhanh do mưu cầu tìm tòi sáng tạo những hướng đi mới. Các họa sĩ cũng biết tự tạo ra cho mình một dấu ấn cá nhân như một phương tiện, một nhận diện thương hiệu cho thời kỳ nghệ thuật hiện đại đương thời.
Đứng giữa dòng chảy ấy, họa sĩ Mộng Bích không biết và cũng không quan tâm đi tìm một “dấu ấn cá nhân” theo thời thế. Dù sống ở thời kỳ nào, ở đâu, trong một khu tập thể cũ kỹ ngoài bờ sông hay tại một làng quê yên bình thì bà vẫn vẽ những gì mà 60 năm nay bà cho là đẹp. Ở họa sĩ Mộng Bích, ta thấy được một quá trình bị hấp dẫn bởi cái hiện thực không thuộc về sự kiểm soát của bà. Bà chỉ nghĩ rằng mình được thấy và có nhiệm vụ cố gắng diễn đạt sao cho nó gần gũi nhất với cái mỹ cảm mà bà mong muốn.
Đi giữa hai thế kỷ đầy biến động của đất nước và hội họa, với tâm hồn vẹn nguyên với nghệ thuật, nữ họa sĩ Mộng Bích vẫn sống với cái hiện thực của riêng mình. Hội họa của bà thoát khỏi là công cụ chính trị, cũng không phải là một phương kế sinh nhai, càng không phải nơi để bà ghi dấu ấn cá nhân. Với bà, hội họa đơn giản là tình yêu với cái đẹp và thời gian kiên trì sau giá vẽ. Cuộc đời bà là một bức tranh chân thực về người nghệ sĩ có tinh thần mạnh mẽ và bền bỉ, đã cống hiến tài năng và trái tim mình cho nghệ thuật, cho dù mọi biến động có lớn đến đâu cũng không thể xoay chuyển được cái tinh thần ấy.
Bài viết của họa sĩ Bùi Hoài Mai cho triển lãm “Đi giữa hai thế kỷ” của họa sĩ Mộng Bích. Ngoài ra, bài viết được in trong sách catalogue xuất bản cùng triển lãm “Đi giữa hai thế kỷ”. Bản quyền bài viết thuộc về họa sĩ Bùi Hoài Mai và họa sĩ Mộng Bích.
Tham khảo thông tin triển lãm tại đây.
Tham khảo cuốn “Đi giữa hai thế kỷ” tại đây.
Đăng lại từ Fanpage Hiên Vân Ceramics.
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa hội họa Việt Nam họa sĩ Mộng Bích