Hào hùng Vạn Thắng Vương – P3: Thống nhất giang sơn
- Trần Hưng
- •
Theo dòng sử Việt, Đinh Bộ Lĩnh được xem là vị tướng có tài cầm quân bách chiến bách thắng, dẹp loạn 12 sứ quân, được mệnh danh là Vạn Thắng Vương đến khi lên ngôi thì lấy tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế.
- Phần 1: Thuở nhỏ được trao gươm quý | Phần 2: Từ lính canh cửa trở thành thủ lĩnh
Từ con tin trở thành phò mã đô úy, thu phục sứ quân
Tiếp theo phần 2, vài năm sau, Ngô Xương Ngập bị bệnh rồi mất, chỉ còn lại Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Đinh Liễn làm con tin ở Cổ Loa được 10 năm thì đã 20 tuổi. Theo sử liệu từ họ Đinh Việt Nam thì Ngô Xương Văn thấy Đinh Liễn khôi ngô tuấn tú lại thạo việc binh đao, liền gả công chúa Bảo Ngọc cho, phong là phò mã đô úy.
Đinh Liễn củng cố quân binh rồi đem quân tiến đánh hai sứ quân là Nguyễn Khoan ở Tam Đái và Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm. Hai sứ quân này liên kết với nhau nên rất mạnh.
Nam Tấn Vương cùng Đinh Liễn tấn công quân Nguyễn Khoan, nhưng Nam Tấn Vương bị trúng tên mà tử trận. Đinh Liễn cho quân xông lên tràn vào đánh bại và giết được Nguyễn Khoan, rồi truy kích quân Đường Lâm của Ngô Nhật Khánh. Về sau sứ quân Ngô Nhật Khánh xin hàng.
Thế là hai sứ quân được xem là đối trọng lớn nhất của triều đình đã bị thôn tính. Không chỉ đánh bại hai lực lượng này, Đinh Liễn còn tham gia các trận đánh khác, công lao lập được rất nhiều.
Trong sách “Thập quốc thế gia” có ghi chép sự kiện này như sau:
Ngô Xương Văn mất ở Giao Châu, tướng tá của ông là Lã Xử Bình và Thứ sử Phong Châu là Kiều Trí Hựu tranh nhau lên thay. Giao Chỉ đại loạn, Đinh Liễn ở Giao Châu đánh tan hai người ấy, Theo như sách chép thì lúc đó Nam Tấn mới mất, trong nước rối ren, Đinh Liễn có công dẹp loạn, lại được phong tước, chứ chẳng như những con tin tầm thường nhân lúc loạn lạc mà trốn về.
Ngô Vương không còn, Ngô Xương Xí là con út của Ngô Xương Ngập còn nhỏ tuổi, thành lập sứ quân. Đinh Liễn liền trở về Hoa Lư với cha mình là Đinh Bộ Lĩnh.
Về sự việc này, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi ngắn gọn như sau:
Ất Sửu, năm thứ 15, (Tống Càn Đức năm thứ 3). Vua đem quân đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình, mới vào đến cõi, đỗ thuyền lên bộ đánh, bị phục binh tay nỏ bắn trúng chết. Đinh Liễn trở về Hoa Lư.
Khi về Hoa Lư, Đinh Liễn đã là phò mã đô úy, thu phục được sứ quân Nguyễn Khoan, Ngô Nhật Khánh, có nguồn sử liệu còn cho rằng Đinh Liễn đã lấy được cả Ngô sứ quân của Ngô Xương Xí. Trong khi đó, Đinh Bộ Lĩnh cũng thu phục được 3 sứ quân khác. Với việc thu phục được 6 sứ quân, uy thế của Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lúc ấy rất lớn. Đinh Bộ Lĩnh quyết định sẽ thu phục 6 sứ quân còn lại để thống nhất giang sơn.
Giang sơn về một cõi
Sứ quân đầu tiên mà Đinh Bộ Lĩnh muốn thu phục là Đỗ Cảnh Thạc, đây là sứ quân mạnh, có thành cao hào sâu. Theo thần phả ‘Độc nhĩ đại vương’ ở Thanh Oai thì Đỗ Cảnh Thạc là người trí dũng mưu lược.
Ban đêm, Đinh Bộ Lĩnh cho quân bao vây 4 mặt thành và tiến đánh bất ngờ vào Trại Quyền. Bấy giờ Đỗ Cảnh Thạc đang ở đồn Bảo Đà, quân tướng không ứng cứu được nhau, bị mất cả thành luỹ, đồn trại, lương thực, bèn bỏ thành chạy. Hai bên giao chiến với nhau hơn 1 năm thì Đỗ Cảnh Thạch thua trận bị trúng tên mà chết.
Sau đó Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục đưa quân đánh sứ quân Nguyễn Siêu (ở Thanh Trì, Hà Nội ngày nay). Nguyễn Siêu nuôi dưỡng môn đệ hàng ngàn người, binh mã có hàng vạn, không ngừng thu phục anh hào, thế lực ngày càng mạnh. Trong cuộc chiến đấu tiên, quân của Đinh Bộ Lĩnh bị thất bại, 4 tướng bị tử trận.
Ngày 15 tháng 7 năm 967, Đinh Bộ Lĩnh đích thân thống lĩnh quân chia làm 3 cánh: Nguyễn Bặc làm đại tướng tiên phong, Lê Hoàn làm tiếp ứng, và một cánh do Đinh Bộ Lĩnh cầm quân. Ông truyền lệnh khi thấy lửa cháy và pháo hiệu thì đồng loạt tiến đánh.
Trước sức mạnh của quân Vạn Thắng Vương, Nguyễn Siêu cho một nửa quân giữ thành, còn lại vượt sông Hồng tìm viện binh từ sứ quân khác, thế nhưng gần tới bờ Bắc thì gặp gió lớn khiến thuyền bị đắm.
Đinh Bộ Lĩnh nghe tin, cho quân tinh nhuệ lẻn vào thành phóng lửa rồi cho đốt pháo lệnh, quân Hoa Lư đồng loạt tiến đánh, quân của Nguyễn Siêu bị tan. Nguyễn Siêu bỏ chạy và tử trận.
Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục đưa quân tấn công thu phục các sứ quân còn lại. Đến năm 968 thì loạn 12 sứ quân bị dập tắt, giang sơn lại thu về một mối.
Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, được tôn là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dời kinh đô về Hoa Lư.
Việc Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc gìn giữ chủ quyền, bởi chỉ 3 năm sau, vào năm 971, nhà Tống diệt Nam Hán, áp sát biên giới Đại Cồ Việt. Nếu đến thời điểm ấy trong nước vẫn chia ra thành các sứ quân chiếm giữ các nơi, thì nhà Tống có thể thừa cơ vượt biên giới tiến đánh.
Đánh giá về Đinh Tiên Hoàng, Đại Việt sử ký tiền biên cho rằng:
Tiên Hoàng tài năng, sáng suốt hơn người, dũng lược nhất đời. Đương lúc nước Việt ta không chủ, các hùng cường cát cứ, đánh một cái mà 12 sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc là ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bậc Thánh triết để tiếp nối chính thống của Triệu (Việt) vương chăng?
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Vị “lưỡng quốc phu nhân” dùng đức cảm hóa lòng người
- Bí ẩn phong thủy dòng họ phát khoa bảng nổi tiếng – P2: Tấm lòng nhân hậu cảm động trời đất
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Đinh Bộ Lĩnh nhà Đinh