Hào hùng Vạn Thắng Vương – P2: Từ lính canh trở thành thủ lĩnh
- Trần Hưng
- •
Theo dòng sử Việt, Đinh Bộ Lĩnh được xem là vị tướng có tài cầm quân bách chiến bách thắng, dẹp loạn 12 sứ quân, được mệnh danh là Vạn Thắng Vương đến khi lên ngôi thì lấy tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế.
- Phần 1: Thuở nhỏ được trao gươm quý
Nội chiến
Năm 944, Ngô Vương qua đời, đất nước rơi vào cảnh nội chiến rất lớn. Con trưởng của Ngô Vương là Ngô Xương Ngập lên ngôi, nhưng con trai thứ 3 của Dương Đình Nghệ, cũng là em vợ của Ngô Quyền là Dương Tam Kha đã cướp ngôi cháu, tự xưng là Dương Bình Vương.
Ngô Xương Ngập phải trốn đến vùng rừng núi Hun Sơn (thuộc Hải Dương ngày nay), Dương Tam Kha cho quân truy bắt nhưng không được. Em của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn được Dương Tam Kha nhận làm con nuôi.
Lúc này, một số người không phục Dương Tam Kha liền nổi lên cát cứ, tự lập các sứ quân chống lại. Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh chiếm cát cứ của sứ quân Nguyễn Khoan và Ngô Nhật Khánh ở Thái Bình (khu vực Sơn Tây, Vĩnh Phúc ngày nay). Nhưng Ngô Xương Văn bất ngờ dẫn quân trở về tấn công và bắt được Dương Tam Kha. Tuy nhiên vì biết ơn Dương Tam Kha nên Ngô Xương Văn không giết mà giáng ông ta xuống làm Chương Dương sứ.
Ngô Xương Văn lên ngôi xưng là Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa, đồng thời cho gọi anh mình là Ngô Xương Ngập về cùng làm vương với mình gọi là Thiên Sách Vương.
Đất nước lúc này lâm vào cảnh nhiều sứ quân đánh lẫn nhau, chiến loạn khắp nơi.
Từ lính canh cửa trở thành thủ lĩnh sứ quân
Ở Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh cùng chú của mình nổi lên lập căn cứ. Nhưng sau này do bất bình với người chú, Đinh Bộ Lĩnh sang đầu quân cho người bạn đồng liêu của cha mình trước đây là Trần Lãm (còn gọi là Trần Minh Công).
Bấy giờ Trần Lãm là thủ lĩnh của sứ quân cát cứ ở Bố hải khẩu (phủ Kiến Xương tức Thái bình và Nam Định ngày nay). Quân Trần Lãm mạnh thuộc loại bậc nhất trong các sứ quân lúc bấy giờ, với các tướng tài như Ngô Văn Chấn, Ngô Tất An, Bùi Quang Dũng, Nguyễn Đức Long, Nguyễn Đức Học, Nguyễn Phúc…
Nhận thấy Đinh Bộ Lĩnh nhanh nhẹn, hoạt bát, nói năng lễ độ, lại chững chạc, Trần Lãm liền cho làm lính thân vệ. Mỗi lần Trần Lãm họp cùng các tướng lĩnh, Đinh Bộ Lĩnh đều đứng canh cửa, nên hiểu biết nhanh việc quân cơ.
Một hôm Trần Lãm bàn với các tướng việc thu phục Sứ quân ở Tế Giang là Lã Đường, nhiều ý kiến đưa ra nhưng chưa có ý nào đủ sức thuyết phục. Lính canh cửa Đinh Bộ Lĩnh liền góp ý một câu:
“Thưa! Theo thiển ý của tôi, muốn đánh Lã Đường tất phải đi qua Đằng Châu của Phạm Bạch Hổ. Đằng Châu và Lã Đường đánh nhau liên miên mấy năm nay không phân thắng bại. Chi bằng ta cho người qua Đằng Châu nói sẽ hợp lực với quân của họ để đánh Lã Đường. Đánh xong Lã Đường thì lấy Đằng Châu dễ như lấy vật trong túi áo vậy. Đấy là kế ‘mượn đường diệt Quắc’ của người xưa đó.”
Trần Lãm khen phải, nhưng không biết lấy ai là người đi Đằng Châu để thuyết phục. Đinh Bộ Lĩnh thấy vậy liền xin đi. Người thân vệ một người một ngựa sang Đằng Châu dùng tài hùng biện thuyết phục, khiến Phạm Bạch Hổ đồng ý đánh Lã Đường.
Với tài năng của mình, Đinh Bộ Lĩnh được Trần Lãm tin tưởng cho làm tướng tiên phong cùng quân của Phạm Bạch Hổ tiến đánh quân Tế Giang. Sau đó quân Trần Lãm quay lại thôn tính luôn Đằng Châu.
Thế là chỉ khoảng 10 ngày, quân của Trần Lãm đã thu phục được hai sứ quân khác, chiếm được hai vùng đất rộng lớn ở Tế Giang và Đằng Châu. Đây là điều mà trước đó Trần Lãm chỉ nằm mơ mới dám nghĩ tới.
Nhận thấy tài năng của Đinh Bộ Lĩnh, Trần Lãm liền nhận làm con nuôi, giao toàn bộ binh quyền. Sau này Trần Lãm gả luôn con gái là Trần Nương cho Đinh Bộ Lĩnh. Khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh lên thay, dời đại bản doanh về Hoa Lư. Vạn Thắng Vương từ đó đã có đủ tiềm lực để sau này giải quyết cuộc nội chiến trong nước.
Đinh Bộ Lĩnh và cuộc chiến với hai vương
Bấy giờ Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư cậy núi khe hiểm trở, không chịu xưng thần đối với hai anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn. Vì vậy, hai vương định đưa quân tiến đánh Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh lo lắng nên sai con là Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân. Tuy nhiên khi Liễn đến, hai vương trách tội Đinh Bộ Lĩnh không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn đem theo đi đánh.
Hai bên giao chiến thời gian dài, nhưng suốt hơn 1 tháng quân của hai vương không thắng được. Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn liền cho trói Đinh Liễn treo lên ngọn sào, rồi thông báo nếu quân Hoa Lư không đầu hàng thì sẽ giết Đinh Liễn.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Đinh Bộ Lĩnh tức giận mà nói rằng: “Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao”. Nói rồi ông cho 10 tay nỏ nhắm Đinh Liễn mà bắn. Hai vương kinh sợ: “Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì”, bèn không giết Đinh Liễn nữa mà rút quân về.
- Còn tiếp
Trần Hưng
Xem thêm:
- Vị “lưỡng quốc phu nhân” dùng đức cảm hóa lòng người
- Ngô Quyền: Từ cuộc thi tài kén rể hào hứng sử Việt tới chiến thắng khiến giang sơn đời đời bền vững
- Vị “lưỡng quốc trạng nguyên” duy nhất trong sử Việt làm quan tới chức tể tướng
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Đinh Bộ Lĩnh nhà Đinh nhà Ngô