Chuyện thơ hay hoặc thơ không dở bị đập tơi bời khi bài thơ đó nằm trong sách giáo khoa là một hiện tượng thú vị.

Chắc chắn nó không nằm ngoài hội chứng tâm lý ức chế vì những vấn đề của sách giáo khoa, giáo dục và cả xã hội chất chứa từ lâu.

Vậy nên, dù chẳng bao giờ đọc thơ, chẳng hiểu thơ là gì, thậm chí chẳng bao giờ cầm lên cuốn sách, người ta cũng đập cho thơ tơi bời.

Kiểu như cứ nghe giáo sư, tiến sĩ chẳng cần biết giáo sư tiến sĩ thế nào người ta cũng úp mũ giấy cho ngay!

Giống như tôi khi đi đâu về quê mà giới thiệu là “giảng viên đại học” là người ta bảo “Ui thế thì giàu lắm!”. Kiểu thế!

Cái này thì “quần chúng” thảm quá, đáng trách quá nhưng các nhà chuyên môn, những người hành nghề chữ nghĩa cũng đáng trách gấp 10 lần.

Tại sao?

Tại vì các nhà chuyên môn đã không giúp cho/làm cho quần chúng nhân dân tiếp cận với cái hay, cái đẹp của thơ văn.

Khuyến đọc ở Việt Nam gần như là một khoảng trắng trong cả một thế kỉ qua! Ai thoát ra khỏi được “quần chúng” thì thấy thế là may! Xong thì thôi! Makeno!

Rất hiếm người thực sự có tư duy sâu sắc về chuyện đọc sách để tiến tới văn minh. Ngay cả nhân vật lấp lánh nhất là cụ Phan Châu Trinh cũng hầu như không đề cập sâu đến chuyện này.

Có hai nhân vật rất chú trọng tới chuyện “Đọc” là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh.

Phạm Quỳnh thì dường như chỉ quan tâm tới việc đọc của tầng lớp trên – tầng lớp trí thức có học.

Trong khi Nguyễn Văn Vĩnh quan tâm tới việc đọc của tất cả mọi người với nhận thức sâu sắc và rộng lớn hơn.

Tiêu chuẩn cộng đồng được xác lập bằng “số đông” vì vậy văn minh hóa ở Việt Nam là một sự nghiệp nhọc nhằn. Nhiều người có học sợ hãi “quần chúng” nên núp trong tháp ngà hàn lâm cho an toàn là dễ hiểu.

Vậy nên nếu xét một thiểu số nhỏ thì nhận thức của người Việt so với 100 năm trước đã tiến bộ rất nhiều nhưng nếu xét số đông thì chưa chắc! Đôi khi có cảm giác là dậm chân tại chỗ.

Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: