Họ Đặng gốc Trần làng Cự Đình: Hậu duệ của Hưng Đạo Vương
- Trần Hưng
- •
Họ Đặng là một dòng họ danh giá. Theo các gia phả chi họ được ghi chép lại thì họ Đặng có đến 34 Quận công, 7 Tạo sĩ (tiến sĩ về võ). Có 3 ngưỡi đỗ Tam khôi là Trạng nguyên Đặng Công Chất, Trạng nguyên Đặng Huấn, Thám hoa Đặng Ma La. 13 người đỗ thủ khoa cử nhân và 25 người là danh nhân văn hóa được ghi trong Bách khoa toàn thư. Cùng với dòng họ Đặng thì họ Đặng ở làng Cự Đình có truyền thống về khoa bảng, con cháu giữ gìn truyền thống tốt đẹp từ cha ông truyền lại.
Làng Cự Đình xưa kia được gọi là “đất quan”, họ Đặng ở làng Cự Đình có nguồn gốc xa là họ Trần, hậu duệ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Năm 1399, tôn thất nhà Trần lên kế hoạch diệt Hồ Quý Ly để trừ hậu họa. Kế hoạch bị lộ, Hồ Quý Ly tìm diệt tôn thất nhà Trần cùng những người liên quan, 400 người bị hành hình. Hậu duệ của Hưng Đạo Vương may mắn có người trốn thoát.
Đến thời vua Lê Tương Dực triều chính sa đọa, năm 1511, hậu duệ của Hưng Đạo Vương là Trần Tuân khởi nghĩa ở Sơn Tây, quân khởi nghĩa giành nhiều trận thắng và áp sát Kinh thành. Vua Lê Tương Dực lo lắng cho quân tiến đánh nhưng đều thất bại. Sau các chiến thắng, Trần Tuân lơ là không phòng bị, nên bị bộ tướng của Triều đình lẻn vào doanh trại giết chết, cuộc khởi nghĩa sau đó cũng tan.
Để trốn sự truy nã, họ Trần phải đổi tên thành họ Đặng.
Sau này dòng họ có Đặng Phúc Thông dời đến làng Cự Đình, khởi đầu cho họ Đặng nơi đây. Cho đến nay đã trải qua 15 đời họ Đặng ở làng Cự Đình.
Theo gia phả thì họ Đặng ở thôn Cự Đình xã Việt Hưng huyện Văn Lâm ban đầu làm nghề nông, nhưng các đời càng về sau thì càng hay chữ.
Đến đời thứ 7 thì có Đặng Duy Chiểu là người học rộng tài cao, vào thời Lê Trung Hưng được Vua ban tặng tước Phái đình hầu, Trung đẳng phúc thần.
Đến đời thứ 9 có Đặng Văn Khải đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân. Năm 1826 thời nhà Nguyễn, ông được giữ chức Hàn lâm viện Biên tu. Năm 1828, Đặng Văn Khải được cử làm phó sứ cùng đoàn sứ bộ sang nhà Thanh.
Đời thứ 9 họ Đặng còn có Đặng Văn Kham đỗ cử nhân năm 1831, làm quan lập nhiều công lớn, được Vua thăng chức làm Án sát với lời khen rằng: “Đặng Văn Kham vốn là người văn học xuất thân lại quen cả việc võ, năm trước tích cực bắt giặc, ta rất khen Đặng Văn Kham, cho đổi tên là Đặng Kham. Nhân về huyện cung chức, thưởng cho 10 đồng tiền Đại long văn” (Theo gia phả dòng họ).
Đặng Kham có các con đều là bậc hiền tài, ham học và đều đỗ đạt với 1 Phó bảng, 3 cử nhân, 4 Tú tài.
Người con thứ ba của ông là Đặng Quỹ đỗ cử nhân khoa thi năm 1884, đến khoa thi năm 1889 thì đỗ Phó bảng, làm Đốc học ở Bắc hà.
Đặng Qũy không chỉ hay chữ mà còn biết thiên văn và địa lý. Nhà thờ ông lưu giữ nhiều hiện vật quý như bảng sơn son thếp vàng Ân tứ vinh quy Vua ban khi đỗ đại khoa, câu đối, hoành phi chữ Hán và nhiều đồ thờ tự cổ kính.
Họ Đặng làng Cự Đình sau này có nhiều người đỗ thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều người được phong hàm giáo sư.
Ngày nay làng Cự Đình có nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc hài hòa cho thấy đây từng là ngôi làng văn hiến.
Nhà thờ Tổ họ Đặng và đền thờ cụ Phái Đình hầu được công nhận là di tích lịch sử, nơi lưu giữ giá trị văn hóa của dòng họ Đặng gốc Trần – hậu duệ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Trạng Gióng: Hậu duệ của Hưng Đạo Vương, dùng nhân đức trị quốc
- Thám hoa 13 tuổi của khoa thi độc nhất sử Việt
Mời xem video:
Từ khóa dòng họ Việt Nam Làng khoa bảng dòng họ khoa bảng